Ấn Độ nhập khẩu số lượng lớn (gần 70%) nguyên liệu thô và hoạt chất để sản xuất thuốc từ Trung Quốc, với trị giá khoảng 4,5 tỷ USD mỗi năm. Các thành phần dược phẩm và nguyên liệu thô được sử dụng trong tất cả mọi sản phẩm y tế, từ vitamin cho đến hormone, thuốc điều trị bệnh huyết áp và kháng sinh.
Từ năm 2015, các thành phần dược phẩm đã nằm trong số top 10 mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Trung Quốc của Ấn Độ và một lượng lớn trong số này đã được sử dụng trong ngành công nghiệp dược phẩm trị giá 19,1 tỷ USD.
Ngay cả các nhà sản xuất thuốc của Mỹ cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để nhập khẩu nguyên liệu thô, với phần lớn các thành phần chính cho các loại thuốc mà nhiều người Mỹ đến từ Trung Quốc.
Do nhiều nguyên liệu thô mà Ấn Độ nhập khẩu đến từ các nhà sản xuất trong và xung quanh tỉnh Chiết Giang, cách tâm dịch Vũ Hán hơn 600km, đã có những lo ngại rằng dịch bệnh có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về nguồn cung.
Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào ngày 31/1, điều này đã dẫn đến các việc các quốc gia cũng tuyên bố hạn chế về đi lại và vận chuyển hàng hóa đến và đi khỏi Trung Quốc.
Một nhà máy sản xuất thuốc tại miền Bắc Ấn Độ. Ảnh: Huffpost |
Cùng với đó là kỳ nghỉ Tết kéo dài bất thường đã khiến cho các nhà máy và doanh nghiệp lớn khác buộc phải đóng cửa chưa thể hoàn toàn tái khởi động dây chuyền sản xuất. Các động thái này đã tạo ra các bất ổn cho ngành sản xuất thuốc của Ấn Độ, khi các nhà sản xuất kiểm tra hàng tồn kho và cố gắng tính toán lượng nguyên liệu tồn kho.
“Các công ty lớn có thể trữ hàng trong hai đến ba tháng. Nhưng hàng tồn kho của các công ty quy mô nhỏ có thể chỉ còn khoảng 30 đến 40 ngày”, ông Sudharshan Jain, tổng thư ký của nhóm vận động hành lang Liên minh Dược phẩm Ấn Độ, cho biết.
“Nếu nguồn cung bị chậm trể trong vòng một tuần thì việc sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng, nếu nó kéo dài trong một khoảng thời gian dài hơn - điều mà không ai có thể dự đoán tại thời điểm này, điều gì sẽ xảy ra sau đó? Giá thuốc có thể tăng mạnh trong thời gian ngắn hoặc tệ hơn là tình trạng thiếu thuốc sẽ xảy ra”, ông Jain nhận định.
Doctor Reddys - một nhà sản xuất thuốc đa quốc gia Ấn Độ có trụ sở tại thành phố Hyderabad. gần đây đã tìm cách mở rộng sang thị trường Trung Quốc, vẫn đưa ra tuyên bố lạc quan trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc.
“Lượng nguyên liệu tồn kho hiện tại của chúng tôi vẫn không bị ảnh hưởng và đủ để bù vào lượng thiếu hụt do kỳ nghỉ lễ kéo dài hơn dự kiến của Trung Quốc”, công ty cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đưa ra thông báo về việc chuẩn bị sẵn sàng cho tình trạng thiếu hụt dược phẩm, nhưng các nhà chức trách được dự đoán là sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên với các nhà lãnh đạo trong ngành dược phẩm để đánh giá tình trạng dự trữ nguyên liệu của quốc gia này.
Một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc không chỉ làm dấy lên các quan ngại về một cuộc khủng hoảng trong ngành dược phẩm Ấn Độ (theo các chuyên gia cảnh báo giá cả các loại thuốc sẽ tăng 20%), mà còn khiến cho các nhà sản xuất thuốc lớn của Ấn Độ mất đi cơ hội thâm nhập vào thị trường láng giềng.
“Vấn đề của Ấn Độ không phải là không có khả năng sản xuất các thành phần dược phẩm”, theo ông Sujay Shetty, chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm và khoa học của công ty kiểm toán PwC Ấn Độ. “Nhưng giá thành sản xuất sẽ khá đắt đỏ”.
“Có một số công ty có thể nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, nhưng ngay cả khi đó, tác động từ Trung Quốc là không thể tránh khỏi vì chúng ta cần phải nhập hóa chất cơ bản từ họ”, ông Shetty nói.
Một doanh nghiệp trong ngành dược phẩm Ấn Độ đồng thuận với quan điểm nêu trên. “Chúng ta đã từng xuất khẩu những nguyên liệu này cho đến những năm 90, trước khi Trung Quốc bắt đầu bán chúng với giá thấp hơn. Ngành công nghiệp dược phẩm và chính phủ nên coi dịch bệnh này là một thách thức và là cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.