Lệnh phong tỏa quyết liệt ở nhiều quốc gia đã khiến ngành công nghiệp thức ăn xa xỉ trở thành nạn nhân bị tác động nặng nề nhất bởi sự phụ thuộc vào các khách sạn và nhà hàng sang trọng, nơi nhóm khách hàng thu nhập cao thường xuyên lui tới để thưởng thức trứng cá muối cùng rượu champagne.
Trong khi một số nhà sản xuất thực phẩm cho người sành ăn đang trực tiếp gõ cửa chào mời người tiêu dùng để duy trì hoạt động, một số công ty khác đã buộc phải cắt giảm sản lượng bởi một số sản phẩm đã mất gần một nửa giá trị kể từ đầu năm.
Jean-Marie Barillere, đồng chủ tịch của nhà sản xuất rượu champagne CIVC ở Pháp, cho biết ông hy vọng mọi người trên khắp thế giới sẽ ăn mừng việc nới lỏng lệnh phong tỏa bằng một chai rượu champagne, nhưng điều này sẽ khó mà xảy ra cho tới cuối năm nay.
“Đây thực sự là một khoảng thời gian giống như thời chiến”, ông Barillere bày tỏ.
Theo số liệu từ OpenTable - ứng dụng đặt bàn trực tuyến, nhu cầu của thực khách đã giảm 80% trong năm nay, tình trạng này kéo dài từ Bắc Mỹ, châu Âu cho tới Australia.
Thu nhập suy giảm trong mùa dịch đã khiến mọi người trở nên thận trọng hơn khi chi tiêu và không còn nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm xa xỉ như trước.
“Người dân giờ chẳng còn muốn nếm loại rượu vang Chateau Petrus, tôm hùm hoặc trứng cá muối”, ông Michel Berthommier, giám đốc điều hành của nhãn hiệu trứng cá muối Caviar Perlita, cho biết. “Những ngày này, nếu buộc phải ra ngoài mọi người sẽ lựa chọn các cửa hàng đồ ăn nhanh”.
Giảm giá mạnh
“Thực phẩm xa xỉ là một trong những ngành chịu thiệt hại nằng nề nhất bởi dịch bệnh”, Ole Houe - giám đốc dịch vụ tư vấn tại công ty môi giới nông nghiệp IKON Commodities ở Sydney, cho biết.
Ông House cũng không không mong đợi vào sự phục hồi nhanh chóng do các quốc gia vẫn chưa thoát khỏi suy thoái inh tế.
Nhu cầu tiêu thụ giảm đã ảnh hưởng đến giá các mặt hàng xa xỉ.
Tại Tokyo, giá thịt bò wagyu chất lượng cao đã giảm khoảng 30% so với một năm trước đó, trong khi cá ngừ vây xanh đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá dưa lưới nổi tiếng từ Shizuoka đã giảm 30%.
Công ty nhân giống cá tầm hàng đầu của Nga Russian Caviar House cũng đã giảm giá 30% cho trứng cá muối lai Beluga.
“Mùa xuân và mùa hè luôn là mùa thấp điểm cho thị trường trứng cá muối, nhưng nếu chúng ta so sánh giai đoạn này với các năm trước, doanh số bán hàng ở Nga đã giảm 50%”, chủ sở hữu công ty Alexander Novikov cho biết.
Tại Pháp, giá trứng cá muối giảm xuống gần mức thấp nhất lịch sử, doanh số bán rượu champagne giảm, trong khi các nhà sản xuất gan ngỗng đã phải cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên.
Nhắm tới thị trường bình dân
Không nằm yên đợi các nhà hàng mở cửa, nhiều nhà sản xuất thực phẩm cao cấp đang cố gắng tiếp cận người tiêu dùng thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Một số công ty khác thậm chí đã đưa nhiều thực phẩm của mình lên kệ siêu thị.
“Chúng tôi đang đẩy nhanh việc ra mắt các sản phẩm tại một số siêu thị lớn nhất thế giới”, Hugh Killen, giám đốc điều hành Công ty Nông nghiệp Australia, chia sẻ.
Nhưng một số nhà cung cấp cho biết bán hàng cho siêu thị đem lại lợi nhuận thấp hơn nhiều so với bán cho các nhà hàng cao cấp.
Tại Nhật Bản, các đầu bếp sushi hàng đầu phải trả 400.000 yên (hơn 86 triệu đồng) cho 10kg cá ngừ chất lượng cao, trong khi loại cá ngừ chất lượng thấp hơn được bày bán trong siêu thị chỉ có giá 25.000 yên/10 kg.
Yukitaka Yamaguchi, chủ sở hữu công ty môi giới cá ngừ Yamayuki tại chợ Toyosu ở Tokyo cho biết phần cá ngừ ngon nhất thường được ưu tiên bán cho các nhà hàng sushi cao cấp nhưng khi những quán này đóng cửa thì các loại cá này không còn đường tiêu thụ.
“Chúng tôi buộc phải cung cấp cá ngừ chất lượng cao cho các nhà bán lẻ và siêu thị cá. Tôi đã lên kế hoạch nghỉ hưu khi tôi tròn 60 tuổi, nhưng công việc kinh doanh sa sút khiến tôi phải gác lại dự định này”, ông Yamaguchi nói.