Sau khi đại dịch COVID-19 làm suy thoái nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một gói cứu trợ kinh tế trị giá 230 nghìn tỷ yên nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, những chủ nhà hàng nhỏ lẻ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh đã lên tiếng phản đối gói cứu trợ. Theo họ, khoản tiền này được sử dụng nhiều cho các doanh nghiệp phân phối thịt bò Wagyu, dưa leo và các dịch vụ du lịch thay vì các cơ sở kinh doanh đang rơi vào tình trạng thiếu hụt tài chính.
Mặc dù gói cứu trợ lần này của Chính phủ Nhật Bản có giá trị tương đương như nền kinh tế của Italy, thế nhưng việc phân phối khoản tiền này còn đang gặp rất nhiều vấn đề - khi mà các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chiếm tới 70% tổng lao động quốc gia lại không nhận được sự hỗ trợ.
Điều này khiến cho quá trình khôi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế hiện đại tồi tệ nhất mà Nhật Bản phải đối mặt trở nên khó khăn hơn. Ngành nhà hàng trị giá 25.3 nghìn tỷ yên vốn là một bánh răng quan trọng trong nền kinh tế, cùng với đó ngành khách sạn, mang tới 1.3 triệu việc làm, tức gần 17% lượng việc làm mới mỗi mỗi năm.
Hơn 190 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trong đó có 30 nhà hàng đã phá sản sau dịch COVID-19. Tuy nhiên phản ứng của chính phủ dường như vẫn rất chậm trễ, khi khoản cứu trợ vẫn đang bị mắc kẹt giữa hằng hà sa số những giấy tờ phê chuẩn. Trong khi đó đang có ngày càng nhiều các cơ sở kinh doanh đứng trước nguy cơ phá sản do không còn tiền để chi trả lương cho nhân viên và thuê mặt bằng.
Ngược lại, những kế hoạch chi 16 tỷ USD nhằm quảng bá ngành du lịch, và 1.3 tỷ USD để giúp đỡ các doanh nghiệp nông sản và thủy sản vốn rất có thế lực lại đang được nhanh chóng triển khai. Thêm vào đó, một khoản ngân sách lên tới 90 triệu USD đã được đầu tư nhằm khôi phục các chuyến bay quốc tế - song hầu hết máy bay vẫn chưa được quay lại hoạt động.
“Chúng tôi, cũng như nhiều nhà hàng khác, đang dần cạn tiền. Nếu như tình hình này còn tiếp diễn thì cho đến khi cách chiến dịch quảng bá du lịch đạt hiệu quả, có lẽ tất cả đều đã phá sản,” ông Yoshikazu Moriyama - chủ chuỗi nhà hàng hải sản Irom Inc. nói.
Doanh thu hiện tại của chuỗi 6 nhà hàng do ông làm chủ hiện đang gặp nhiều khó khăn với chi phí mặt bằng và tiền lương dành cho 100 nhân viên.
“Những gì chúng tôi cần lúc này là một khoản hỗ trợ tài chính để trả tiền thuê mặt bằng và lương cho nhân viên hơn là các kế hoạch quảng bá du lịch,” ông Moriyama chia sẻ.