Cuộc họp nhóm đối tác chuyển đối số trong y tế Việt Nam đến năm 2030. |
Tại cuộc họp nhóm đối tác chuyển đối số trong y tế Việt Nam đến năm 2030 do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Với quyết tâm, nỗ lực cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các Bộ ngành, các đối tác, thời gian qua, Bộ Y tế bước đầu đã triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số và đã đạt kết quả đáng ghi nhận.
Một số điểm nhấn như: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT); khám, chữa bệnh từ xa, xây dựng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên hệ thống định danh quốc gia (VneID); triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử; khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng định danh điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh; thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế dự phòng và một số lĩnh vực chuyên môn, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã triển khai một số hệ thống khác như: Hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, ngân hàng thuốc, triển khai một số ứng dụng AI, chủ yếu trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh….
“Những lợi ích của chuyển đổi số là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác đầy đủ tiềm năng, cơ hội và lợi ích do y tế số mang lại, đồng thời quản lý và hạn chế các rủi ro và nguy cơ do số hóa, bảo đảm việc mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Mặc dù, bước đầu, các cơ sở y tế đã triển khai được các ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế, tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển hơn nữa các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Chia sẻ về quá trình thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh viện khởi đầu với giấc mơ lớn về chuyển đổi số toàn diện trên nền tảng còn rất sơ sài, cũ nát; phải “vươn lên từ đáy”. Thực tại hạ tầng công nghệ thông tin của bệnh viện hết sức cũ, nát, hỏng hóc rất nhiều; nhưng bằng sự quyết tâm thực hiện; cán bộ, nhân viên Bệnh viện quyết tâm bắt tay vào làm. Bệnh viện xác định 3 trụ cột quan trọng là: Nhân lực công nghệ thông tin, hạ tầng máy chủ và sự liên thông kết nối. Lãnh đạo Bệnh viện đã phổ biến, quán triệt toàn bệnh viện, tất cả cán bộ, nhân viên phải xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu”.
Được sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bệnh viện đã lựa chọn phần mềm mã nguồn mở, thực hiện miễn phí trong các cơ sở y tế, không phải đấu thầu mà chỉ mất chi phí cài đặt, hướng dẫn triển khai thực hiện; và đã rất tự tin triển khai phần mềm này.
Chỉ sau 2 tuần chính thức triển khai, bệnh viện Bạch Mai đã hoàn toàn không dùng bệnh án giấy, chuyển toàn bộ sang bệnh án điện tử.
“Hình ảnh các bác sĩ chỉ cần 1 chiếc máy tính bảng để đi buồng bệnh, tất cả kết quả khám, chụp, thông tin bệnh án của người bệnh, thuốc sử dụng… được thể hiện trên thiết bị này, là minh chứng cho bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Đặc biệt chữ ký số đã được áp dụng để thuận tiện trong công tác trong khám, chữa bệnh”, PGS.TS Vũ Văn Giáp cho biết.
Chỉ sau 2 tuần chính thức triển khai, bệnh viện Bạch Mai đã hoàn toàn không dùng bệnh án giấy, chuyển toàn bộ sang bệnh án điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chia sẻ những khó khăn trong triển khai chuyển đổi số hiện nay, ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đánh giá: Với chuyển đổi số y tế, khó khăn lớn nhất, cũng là khó khăn chung hiện nay là vấn đề con người. Dù Bộ Y tế, Chính phủ rất quan tâm nhưng số lượng cán bộ chuyên môn về công nghệ thông tin trong ngành y tế vẫn còn rất thiếu. Trong các cơ sở y tế công, mức lương của cán bộ nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn thấp, nên rất khó thu hút nhân lực”.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu, các thông tin vẫn còn rời rạc, an ninh mạng chưa được đảm bảo. Số cơ sở khám chữa bệnh xây dựng được bệnh án điện tử còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.
Thời gian tới, ngành Y tế đề xuất các đối tác hỗ trợ, hợp tác trong 4 lĩnh vực: Hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng, xây dựng hệ thống thông tin tổng thể phục vụ quản lý các lĩnh vực của ngành Y tế, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hiện còn thiếu các văn bản, hướng dẫn. Nếu không có hướng dẫn chung thì các cơ sở có thể phát triển tự phát, khi kết nối, tích hợp sẽ rất khó.
Ngành Y tế mong muốn có sự hỗ trợ các bộ tiêu chí về chuyển đổi số trong khám chữa bệnh, định mức kỹ thuật trong công nghệ thông tin; xây dựng quy chế tiêu chuẩn về công nghệ thông tin y tế… Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật cũng cần được hỗ trợ để nâng cấp, hỗ trợ về xây dựng hệ thống thông tin; nhất là việc đào tạo nguồn lực để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu.