Nguy cơ "dịch chồng dịch"
Tuy đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua nhưng các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới. Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.
Mới đây, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố phát hiện 2 mẫu dương tính với biến thể phụ BA.4 tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức và 1 mẫu dương tính với biến thể BA.5 tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Hệ thống giám sát dịch của ngành Y tế Thành phố cũng cho thấy, mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ nhưng số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc/ngày).
Song song đó, bệnh sốt xuất huyết lại đang bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành khu vực phía Nam với số ca mắc mới tăng cao, số ca nặng và tử vong tăng. Trong 6 tháng đầu năm, số ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam là 65.552 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019 (năm có dịch lớn). Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc là 21.993 ca (tăng 184% so với cùng kỳ năm 2021) với 11 trường hợp tử vong (xảy ra ở cả người lớn, phụ nữ mang thai và trẻ em).
Theo ông Tăng Chí Thượng, giai đoạn hiện nay, có thể khẳng định cả 2 dịch bệnh này đều có giải pháp phòng ngừa. Đối với dịch COVID-19, Thành phố cần đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4); trong đó, công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vaccine đến từng hộ gia đình là vô cùng quan trọng.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, bệnh viện, nhà máy, trường học...; tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người dân thuộc nhóm nguy cơ như: người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, điểm mấu chốt là nâng cao tuyên truyền ý thức diệt muỗi, lăng quăng của người dân; đồng thời cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Sở Y tế Thành phố đã sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch COVID-19 và sốt xuất huyết; sẵn sàng tái hiện các bài học kinh nghiệm về tính sáng tạo, hiệu quả trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 trên địa bàn khi cần thiết.
Nguy cơ thiếu thuốc, thiếu nhân lực
Về nguyên nhân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số địa phương và thiếu cục bộ tại một vài bệnh viện trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước như: dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn…
Một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraina như Methotrexat (sản xuất tại Belarus); có thuốc bị thiếu do Trung tâm mua sắm tập trung Quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán. Một số thuốc mới phát sinh do triển khai kỹ thuật mới, hầu hết chưa có số đăng ký nên phải nhập khẩu chuyến và cần được Bộ Y tế cấp phép kịp thời hoặc thuốc hết thời hạn của số đăng ký nhưng chưa được gia hạn kịp thời.
Ngoài ra, một số bệnh viện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện không đủ năng lực đấu thầu theo quy định, thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống khi chưa chọn lựa được thuốc đấu thầu tập trung.
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với thực trạng một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch COVID-19. Năm 2021, có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng. Riêng 6 tháng đầu năm đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Đến nay, đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của Thành phố.
Ngành y tế thành phố cũng kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện. Về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập.
Ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh, ngành Y tế cần xác định các nguy cơ để chủ động ứng phó, vận dụng các bài học kinh nghiệm qua thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19; huy động mọi nguồn lực, mạnh dạn nghiên cứu và triển khai thí điểm các giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo để chuyển “nguy” thành “cơ” hướng đến mục tiêu chung đó là không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân Thành phố và người dân khu vực phía Nam.