Tại Việt Nam, Gấp giấy được xem như một loại hình nghệ thuật dân gian. Từ thời xa xưa khi giấy còn khan hiếm, người Việt đã mày mò làm con trâu, cái kèn từ lá cây. Sau đó, dần dần ai cũng biết gấp máy bay, gấp thuyền...
__________________
Nghệ thuật Gấp giấy khởi nguồn từ Trung Hoa, dân tộc phát minh ra giấy, sau đó trở nên phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản, được hoàn thiện và trở thành trò chơi dân gian truyền thống, đặc trưng của người dân xứ sở hoa anh đào, còn gọi là nghệ thuật Origami (trong tiếng Nhật, từ “Origami” là gấp giấy).
Nghệ thuật Gấp giấy cũng trở thành một loại hình nghệ thuật, hoạt động văn hóa đại chúng, được nhiều người biết đến và yêu thích ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tại châu Âu và châu Mỹ, vô số Câu lạc bộ Gấp giấy ra đời, thu hút nhiều người tham gia, say mê hoạt động đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo này. Nhiều cuộc thi về Mẫu Gấp giấy được tổ chức trên phạm vi toàn thế giới. Sách về nghệ thuật Gấp giấy thường là loại sách bán chạy, không giới hạn người đọc, giới tính hay độ tuổi, ngành nghề.
Tại Việt Nam, Gấp giấy được xem như một loại hình nghệ thuật dân gian. Từ thời xa xưa khi giấy còn khan hiếm, người Việt đã mày mò làm con trâu, cái kèn từ lá cây. Sau đó, dần dần ai cũng biết gấp máy bay, gấp thuyền… Ngay từ khi học mẫu giáo, trẻ em đã được dạy và biết gấp giấy đơn giản trong những giờ học thủ công, rồi khi lớn lên, họ lại truyền cho những thế hệ sau này.
Gấp giấy là nghệ thuật dành cho số đông, mỗi người có thể tự thưởng thức niềm vui ngay chính trong quá trình sáng tạo các mẫu Gấp giấy. Vốn dĩ, đời sống của con người luôn gắn liền với ba loại hoạt động: Hoạt động của con người với con người; Hoạt động của con người với tự nhiên và Hoạt động của con người với vũ trụ, đức tin. Nghệ thuật Gấp giấy được xem như chứa đựng cả ba hoạt động đó.
“Bằng một phương tiện đơn giản, dễ tìm là một tờ giấy, Nghệ thuật Gấp giấy có thể hướng ta tới: Sự khéo léo và lòng kiên nhẫn qua cách gấp giấy; Sự hòa nhập với thiên nhiên và môi trường sống quanh ta qua các Mẫu Gấp giấy; Phục dựng lại niềm tin và trí tưởng tượng về một thế giới nhiều chiều, qua việc biến tờ giấy - không gian hai chiều thành mẫu vật không gian nhiều chiều hơn... (ngược với quá trình đơn giản hóa không gian, biến không gian nhiều chiều thành không gian ít chiều, hai chiều như màn hình máy tính, bản vẽ). Xét về phương diện này, Nghệ thuật Gấp giấy rất có ích cho trẻ em.” (Trích “Nghệ thuật Gấp giấy cổ điển: Mẫu gấp con vật đơn giản quyển 1”, TS Phạm Đình Tuyển).
Trong nghệ thuật Gấp giấy, vai trò của người tạo ra một mẫu gấp giấy cụ thể dường như ít quan trọng, nếu so với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Từ mẫu gấp giấy đầu tiên, mỗi người gấp có thể thêm thắt và cho ra đời những phiên bản khác nhau. Người yêu nghệ thuật Gấp giấy đều thuộc lòng một số mẫu Gấp giấy căn bản và không thực sự quan tâm đến việc ai là người đầu tiên đã tạo nên mẫu Gấp giấy đó. Dự đoán trên thế giới hiện có khoảng mười ngàn mẫu Gấp giấy, trong đó, mẫu truyền thống hay cổ điển có số lượng rất ít, chủ yếu là mẫu Gấp giấy sáng tạo mới.
Một mẫu Gấp giấy đẹp ngoài việc thể hiện được các đặc trưng cơ bản của đối tượng miêu tả, còn cần phải đơn giản trong cách gấp, càng ít các bước gấp càng tốt và diện tích giấy được sử dụng hợp lý. Qua đó, giúp cho người gấp giấy dễ ghi nhận để có thể thực hiện tại bất cứ đâu mà không phụ thuộc vào tài liệu hướng dẫn.
Nghệ thuật Gấp giấy ngày nay cũng chia thành nhiều xu hướng, về cơ bản có 3 xu hướng chính:
Xu hướng cổ điển với quy định rất chặt chẽ: Mẫu Gấp giấy được tạo nên từ duy nhất một tờ giấy hình vuông, chỉ bằng cách gấp, được làm phong phú thêm chủ yếu bởi chất liệu giấy gấp và màu sắc của hai mặt giấy.
Tờ giấy hình vuông tượng trưng cho “đất vuông” (tương tự như ý nghĩa ta tìm thấy ở Bánh Chưng), từ đất sản sinh ra muôn loài, từ tờ giấy vuông gấp ra được vô vàn mẫu gấp về mọi vật.
Đương nhiên với quy định nghiêm ngặt như vậy việc tìm ra các Mẫu Gấp giấy mới không hề đơn giản.
Xu hướng mang tính cải tiến: mẫu Gấp giấy không cắt, không dán nhưng được tạo nên bởi nhiều tờ giấy hình vuông.
Ví dụ như một Mẫu Gấp con voi, phần đầu và thân trước là một tờ giấy hình vuông được ghép với phần thân sau được tạo từ một tờ giấy hình vuông khác.
Xu hướng này cũng bao gồm việc sử dụng một tờ giấy gấp nhưng có hình dạng chữ nhật, hình tam giác, hình tròn và các hình khác.
Xu hướng cách tân: Với mong muốn tạo ra những mẫu gấp đa dạng, chi tiết, giống y như thật... nhiều tác giả đã sử dụng kéo cắt tạo ra các nhánh gấp để gấp các con vật có nhiều chân, thậm chí vẽ thêm mắt vào cho giống...
Theo TS. Phạm Đình Tuyển, người từng xuất bản cuốn “Classic Origami” (tạm dịch: Nghệ thuật Gấp giấy cổ điển, ngôn ngữ tiếng Anh, NXB Union Square&Co.) và chuẩn bị ra mắt cuốn “Nghệ thuật gấp giấy cổ điển: Mẫu gấp con vật đơn giản quyển 1” (song ngữ Anh - Việt, NXB Xây dựng), Nghệ thuật Gấp giấy là loại hình nghệ thuật có thể tạo ra sản phẩm nghệ thuật mới, thị trường mới và người tiêu dùng mới trong lĩnh vực Công nghiệp Văn hóa.
Năm 2019, Hà Nội chính thức tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo (TPST) của UNESCO. Trong bảy lĩnh vực được xác định để UNESCO xét ghi danh trong Mạng lưới TPST, gồm: Thủ công và nghệ thuật truyền thống, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc, Hà Nội đã chọn Thiết kế - một khái niệm bao trùm nhiều khía cạnh, lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Trong khi đó, UNESCO định nghĩa Công nghiệp Văn hóa (Culture industry) là ngành công nghiệp kết hợp sáng tạo, sản xuất, phân phối và dịch vụ tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố văn hóa và được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Tại Việt Nam, Công nghiệp Văn hóa gồm 12 nhóm ngành: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Truyền hình và phát thanh; và Du lịch văn hóa. TS Phạm Đình Tuyển cho hay, nghệ thuật Gấp giấy thuộc nhóm ngành Thiết kế.
Lợi thế cho phát triển Công nghiệp Văn hóa là tại các quốc gia có bề dày truyền thống văn hóa và các quốc gia có môi trường thúc đẩy năng lực sáng tạo.
Tại một quốc gia có truyền thống văn hóa phong phú và giàu sức sáng tạo như Việt Nam, Nghệ thuật Gấp giấy hoàn toàn có tiềm năng phát triển và nâng cao vị thế, đặc biệt là tại Hà Nội, thành phố đang nỗ lực chứng tỏ những cam kết với UNESCO trong vai trò một thành phố sáng tạo.
Tại Việt Nam, Công nghiệp Văn hóa gồm 12 nhóm ngành: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Truyền hình và phát thanh; và Du lịch văn hóa. TS. Phạm Đình Tuyển cho biết, Nghệ thuật Gấp giấy thuộc nhóm ngành Thiết kế.