Cô gái chân ngắn nhảy xa… số 1 châu lục
Tại Asian Games 2014, cuộc đấu mà chị chỉ được bố sung vào phút chót, khi nữ tuyển thủ chỉ có chiều cao 1m 65 thuộc diện khiêm tốn nhất châu lục này đã đoạt HCB với những cú nhảy xuất sắc. Đó có thể là tấm HCV nếu như đối thủ người Indonesia nhập tịch, Maria Londa, không có cú nhảy cuối xuất thần đạt 6,55 m, ẵm luôn HCV ngay trước mắt tuyển thủ Việt Nam. Dù vậy, cũng kể từ đó, phận “bạc” tiếp tục đeo bám Thảo, bất chấp những quyết tâm nỗ lực cao độ cùng bước thăng tiến về thành tích, đơn giản bởi chị luôn phải chạm trán với “cơn ác mộng” Maria Londa. Nhiều giải đấu sau đó, ví như SEA Games 28, Thảo phải rơi nước mắt nhận HCB.
Phận “bạc” ấy không thể làm Thảo nhụt chí, mà ngược lại càng khiến cho cô gái vàng của hố nhảy xa càng trở nên mạnh mẽ, xuất sắc. Thảo lao vào tập luyện, với quyết tâm và nỗ lực cao độ, được thể hiện qua 5-7 tiếng đồng hồ mỗi ngày phơi mặt bên hố nhảy cao của Thảo.
Tất cả được kết đọng bằng bước đột phá về chuyên môn, cũng như bản lĩnh thi đấu của Thảo. Để rồi số phận dường như đã mỉm cười với nữ tuyển thủ Việt chân chất, giàu nghị lực. Quan trọng hơn, chính chị đã tận dụng và phát huy hoàn hảo để làm nên một giấc mơ có thật, một năm 2017 huy hoàng chỉ trong vòng mấy tháng với 2 HCV Asian Grand Prix, 1 HCV giải vô địch châu Á và 1 HCV SEA Games. Trong đó, ở SEA Games 29, chị đã hạ gục chính Maria Londa.
Thu Thảo đang là đương kim vô địch cả châu Á lẫn SEA Games, vị thế mà chưa tuyển thủ điền kinh Việt Nam nào đạt tới.
Nghịch cảnh “đếm cua trong lỗ” dù vượt HCV tới 13cm
Thông số cao nhất 6m 68 của Thu Thảo thậm chí còn vượt qua mức HCV Asian Games 2014 tới… 13 cm. Theo xếp hạng mới nhất, chị đang đứng số 1 châu lục và thứ 26 thế giới nội dung nhảy xa nữ.
Thu Thảo đang tràn đầy quyết tâm và cả sự tự tin cho Asian Games, nơi chị sẽ là ứng viên sáng giá cho tấm HCV, với ưu thế nổi bật so với mọi đối thủ là sự ổn định liên tục trên đỉnh cao. Trong hai năm trở lại đây, không có đấu thủ nào của châu lục ở môn nhảy xa có sự ổn định trên đỉnh cao như Thảo.
Đó là lý do mà lãnh đạo ngành thể thao cùng môn điền kinh, trên các diễn đàn đều tự tin đề cập đến mục tiêu HCV ở đấu trường lớn nhất châu lục trên đất Indonesia vào tháng 8 tới. Thậm chí, ngoài Thu Thảo, đội tiếp sức 4x400m nữ còn được kỳ vọng tạo đột biến.
Tuy nhiên, suy xét kỹ, điền kinh Việt Nam đang nhắm Vàng theo kiểu “đếm cua trong lỗ”. Kể từ sau SEA Games, những người trong cuộc mới chỉ toàn nhìn thấy màu hồng, và quan trọng hơn chưa chuẩn bị được gì.
Như Bùi Thu Thảo, tiếng là số 1 châu lục song thành tích tốt nhất cũng chỉ hơn hai đối thủ bí ẩn người Trung Quốc 1 và 2cm. Trong khi đó, cô vẫn còn nỗi ám ảnh với cái lưng đau kinh niên. Thảo đã từng vài lần trong quá khứ, rõ nhất như SEA Games 2015, phải nghỉ thi đấu hay đánh mất phong độ vốn có cũng chỉ bởi cái lưng đau bất ngờ trở chứng.
Suốt mấy tháng nay, Thảo vẫn chỉ đang tập luyện một cách cầm chừng, phần nào đó trong tâm thế xả hơi, và đến thời điểm này cũng chưa có một kế hoạch đầu tư chuyên biệt, ngoài việc được hưởng chế độ đầu tư tiền ăn và tiền công 800 nghìn đồng/ngày. Chính cô vẫn chưa biết từ giờ tới Asian Games mình sẽ được cọ xát ở những giải nào, chất lượng ra sao, hay đi đâu tập huấn. Chuyện chăm sóc dinh dưỡng và ý tế đặc biệt cho Thảo cũng mới chỉ là dự định.
Nguyễn Thị Huyền cùng các đồng đội ở tổ tiếp sức 4 x400m nữ cũng trong tình cảnh tương tự, thay vì tập trung toàn lực cho việc chuẩn bị tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, lại di chuyển sang trường Đại học TDTT Từ Sơn để vừa học và thi lại vừa tập luyện.
Cơ hội và khả năng tranh chấp HCV Asian Games với “nữ hoàng nhảy xa” Bùi Thu Thảo hãy còn nguyên, song cũng trở nên rất mong manh bởi quá trình, cùng cách thức chuẩn bị hời hợt, với quỹ thời gian chỉ còn 8 tháng.
Ngoại trừ Asian Games 2002 thành công bất ngờ với 4 tấm HCV, ở cả ba kỳ Đại hội gần đây, TTVN đều hụt chỉ tiêu, thậm chí thảm bại. Ở cả Asian Games 2010 và 2014, Việt Nam đều chỉ đoạt được 1 tấm HCV duy nhất, đầy gian nan mà cũng may mắn. Năm 2010, nếu không có sự xuất thần của võ sĩ trẻ môn karatedo Lê Bích Phương, cả đoàn quân đã rời cuộc đấu trong cảnh “tay trắng”. Năm 2014, lại thêm một trường hợp tỏa sáng đầy bất ngờ khác là võ sĩ wushu Dương Thúy Vi mới cứu vãn được được thảm cảnh.
Chỉ tiêu do chính ngành thể thao đề ra cho Asian Games 2018 là phấn đấu giành 2-3 HCV, một con số được cho là phù hợp, và cũng đã rất khó khăn. Thế nhưng, thử thách càng tăng lên khi đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giao mức tối thiểu 3 HCV. Như thừa nhận của lãnh đạo Tổng cục TDTT, ngành thể thao không thể không nhận nhiệm vụ song ngay từ bây giờ đã lo không hoàn thành.