Con số xuất bản không ngừng tăng, văn hóa đọc vẫn đi xuống
Trong buổi mạn đàm về việc thúc đẩy văn hóa đọc của Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức giữa các nhà xuất bản và các công ty sách ngày 4-9 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Nguyễn Nguyên đã chia sẻ câu chuyện thú vị trên.
Ông kể: tại buổi gặp nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành thông tin - truyền thông hôm 28-8, ông đặt một câu hỏi với các nguyên bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông rằng "Văn hóa đọc đang đi lên hay đi xuống?".
Và ông nhận được 3 câu trả lời của ba nguyên lãnh đạo bộ đồng tình rằng văn hóa đọc đang đi xuống, chỉ một người có quan điểm ngược lại.
Ông Nguyên nói hai đánh giá ngược nhau này cũng chính là thực trạng đánh giá của xã hội đối với văn hóa đọc hiện nay và điều này là dễ hiểu.
Bởi lẽ, theo cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, nếu nhìn vào các con số của ngành xuất bản mấy năm gần đây thì thấy rõ văn hóa đọc đang "đi lên", nhưng thực tế lại phức tạp hơn logic đó.
Năm 2019, ngành xuất bản có 440 triệu bản sách; 37.100 tựa sách; tính trung bình đạt 4,6 đầu sách/người/năm, doanh thu xuất bản đạt 2.038 tỉ đồng. So với năm 2014 thì doanh thu xuất bản tăng 36%, số bản sách phát hành tăng 16%, số tựa sách tăng 30%.
Nhưng trong số 440 triệu bản sách năm 2019 thì có tới 300 triệu bản (84,5%) là sách giáo khoa, giáo trình. Chỉ có 140 triệu bản cho các loại sách phục vụ tự giáo dục, nâng cao dân trí, chia cho 97 triệu dân, thì số sách để đọc chỉ là 1,4 bản sách/người/năm.
Theo ông Nguyên, đây là con số rất thấp. Trung Quốc có 10 tỉ bản sách một năm, sách giáo khoa, giáo trình chỉ chiếm 37%, còn lại là các sách phục vụ cho việc đọc để nâng cao dân trí.
Thế nên mới có nghịch lý ở ta là ngành xuất bản "đi lên" mà văn hóa đọc vẫn bị than là "đi xuống".
Trong khi các con số của ngành xuất bản không ngừng tăng trưởng, cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Nguyễn Nguyên tin rằng văn hóa đọc đang đi xuống. |
Sách hay ít, sách vô bổ nhiều
Nhìn văn hóa đọc dưới tiêu chí chất lượng xuất bản thì còn tệ hơn, theo ông Nguyên, bởi "sách giá trị rất ít, sách vô bổ rất nhiều".
"Sách sai sót thì chúng tôi có thể hạn chế được, nhưng sách vô bổ thì chúng tôi không có cách gì. Chúng ta đang chạy theo số lượng hơn chất lượng, với 37.000 đầu sách 1 năm, cao nhất Đông Nam Á. Indonesia dân số hơn 200 triệu nhưng chỉ có khoảng 30.000 đầu sách, Thái Lan khoảng 14.000 đầu sách, Malaysia có khoảng 19.000 và doanh thu của người ta lại thường gấp 3-4 lần mình, như vậy rõ ràng người ta đi vào phát triển chiều sâu. Còn chúng ta mới chạy theo số lượng", ông Nguyên nói.
Ông kết luận, nếu nhìn vào các con số thì thấy tín hiệu tích cực của văn hóa đọc nhưng nhìn vào thực chất thì "không thể nói văn hóa đọc đi lên", còn rất nhiều công việc phải làm để phát triển văn hóa đọc.
Liên quan tới câu chuyện sách dở tràn lan, trong một hội nghị cuối năm 2018, nguyên bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin Lê Doãn Hợp cũng từng khẳng định "không dưới 70% là sách vô bổ" và ông tiết lộ, trong 5 năm làm bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin, ông đã được tặng "phải tới 3 tấn sách", trong đó rất ít sách tốt, khiến ông dở khóc dở cười tìm cách xử lý sách được tặng.
Về ý kiến đề xuất của phó chủ tịch Hội Xuất bản Lê Hoàng cần phải đưa tiết đọc sách vào thành tiết học bắt buộc trong nhà trường, được xếp thời khóa biểu như các môn học khác, cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành hoàn toàn tán thành.
Ông Nguyễn Nguyên nói: Phát triển văn hóa đọc phải bắt đầu bằng sự bắt buộc, không có cách khác, bởi thế giới hiện nay có muôn vàn thứ hấp dẫn với trẻ nhỏ. Thái Lan trở thành nước thứ 2 trên thế giới về thời gian đọc sách phần nhiều là vì họ từ lâu đã đưa tiết đọc sách vào trường học.