Trước đó, đã có hàng nghìn người dân Myanmar đã đổ ra đường tuần hành nhằm phản đối vụ binh biến và yêu cầu thả tự do cho các quan chức dân sự. Quân đội Myanmar đã ngắt hệ thống mạng Internet trong nước nhằm ngăn chặn người biểu tình lôi kéo thêm người tuần hành.
Vào Chủ nhật, đám đông khổng lồ từ khắp các ngõ ngách của thành phố Yangon đều hướng về chùa Sule ở trung tâm thành phố, nơi đây cũng là một địa điểm quen thuộc của phong trào biểu tình năm 2007 do các nhà sư Phật giáo lãnh đạo và các cuộc biểu tình khác vào năm 1988.
Làn sóng biểu tình tại Myanmar đã bước sang ngày thứ hai, khi đám đông dân chúng ở thành phố Yangon đồng loạt mặc áo đỏ, mang theo cờ đỏ và bóng bay đỏ, màu đại diện cho Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi. Họ hô vang: “Chúng tôi không muốn chế độ độc tài quân sự! Chúng tôi muốn dân chủ! ”
Người biểu tình giơ cao khẩu hiệu 3 ngón tay nhằm phản đối cuộc đảo chính. Các tài xế bấm còi còn người trong xe giơ cao bức ảnh của bà Suu Kyi.
Quân đội đã chiếm chính quyền vào đầu tuần này, khiến quá trình chuyển đổi dân chủ đang gặp khó khăn của Myanmar lâm vào tình trạng đóng băng và khiến cộng đồng quốc tế tức giận.
Mặc dù Internet bị tắc nghẽn, một số người vẫn có thể phát trực tiếp trên Facebook nhằm lan truyền hình ảnh của đoàn người biểu tình.
Hiện vẫn chưa rõ số phận của bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ bị bắt giữ hồi đầu tuần. Tin đồn về việc bà Suu Kyi được phóng thích đã lan truyền rộng rãi, tuy nhiên luật sư của bà đã nhanh chóng bác bỏ điều này.
Bà Aung San Suu Kyi (75 tuổi) hiện đang bị cảnh sát giam giữ để điều tra cho đến ngày 15/2. Luật sư của bà cũng không được phép tiếp cận thân chủ.
Bà Suu Kyi đã trải qua gần 15 năm bị quản thúc tại gia trước khi chính thức xuất hiện trên chính trường Myanmar vào năm 2011.
Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã thực hiện cuộc đảo chính với lý do kết quả của cuộc bầu cử ngày 8/11 đã bị gian lận, dù Ủy ban bầu cử đã bác bỏ cáo buộc này.
Ông Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar, cho biết hơn 160 người đã bị bắt kể từ khi quân đội nắm chính quyền.
“Các tướng lĩnh hiện đang cố gắng làm tê liệt phong trào phản kháng của người dân và ngắt kết nối Internet với thế giới bên ngoài", ông Andrews tuyên bố. “Tất cả chúng ta phải sát cánh cùng người dân Myanmar trong giờ phút nguy hiểm và khốn khó của họ. Họ xứng đáng nhiều hơn thế".