''Squid Game'', loạt phim dài 9 tập đã xây dựng và mô tả chi tiết hàng trăm mảnh đời, đại diện cho cộng đồng người yếu thế trong xã hội Hàn Quốc. Một người cha nợ nần, một người đào tẩu từ Triều Tiên, một công nhân nhập cư làm việc trong một nhà máy, tất cả họ phải thi đấu, giành giật nhau trong những trò chơi trẻ con với hy vọng giành được gần 38 triệu USD tiền thưởng.
Điểm nhấn của bộ phim là tất cả các thí sinh thua cuộc sẽ bị giết sau mỗi vòng đấu. Trò chơi man rợ này được xem là thú mua vui của giới tài phiệt nhàn rỗi.
Areum Jeong, một chuyên gia điện ảnh Hàn Quốc tại Viện Đại học Pittsburgh, cho biết cốt truyện trong ''Squid Game'' gây tiếng vang sâu sắc với những người Hàn đang thất vọng trước xã hội đầy rẫy bất công của nền kinh tế lớn nhất nhì châu Á.
“Những người trẻ ngày nay cảm thấy chán nản và bi quan khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng”, Areum Jeong cho biết viễn cảnh giành được những khoản tiền khổng lồ “trở nên đầy hấp dẫn, dù có thể phải đổi bằng máu".
Nhiều người cho rằng "Squid Game" phản ánh thực trạng xã hội Hàn Quốc. |
Sự phổ biến của bộ phim cũng thúc đẩy các chính trị gia Hàn Quốc tận dụng các lớp nghĩa mà “Squid Game” mang lại để giành vị thế tốt trong cuộc chiến tranh cử sắp tới. Kể từ khi bộ phim được phát hành vào giữa tháng 9, các chi tiết trong phim đã được những ứng cử viên Tổng thống tiềm năng dùng để đả kích đối thủ.
Trong khi công chúng nhắc tới ''Squid Game'' như một ẩn dụ cho vụ bê bối trong lĩnh vực sản xuất rượu bia của con trai một chính trị gia.
Lee Jae-Myung, ứng viên đại diện cho Đảng Dân chủ trung tả tham gia tranh cử, đã sử dụng ''Squid Game'' để chỉ trích các đối thủ của mình trong tuần này.
“Bộ phim không chỉ trở thành một hiện tượng lan truyền mà còn chỉ ra cuộc chiến đấu giữa những người theo đường lối bảo thủ tại Hàn Quốc. Nhưng khác với phim, đây là cuộc chiến của 5 tỷ won”, ông Lee nói.
Ứng viên Lee dường như đang đề cập đến vụ bê bối nổi lên vào tháng trước, khi con trai của một nhà lập pháp cánh hữu nhận được 5 tỷ won, tương đương 4,2 triệu USD, sau khi người này rời khỏi công ty quản lý tài sản mà ông ta từng giữ một vị trí tương đối thấp.
Một khoản tiền như vậy thường được trao cho giám đốc điều hành hàng đầu của các tập đoàn lớn như Hyundai Motor và Samsung Electronics để tưởng thưởng sau nhiều thập kỷ cống hiến. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương, một cựu nhân viên quản lý tài sản của công ty này đã phủ nhận khoản tiền là hối lộ.
Khoản tiền thưởng thu hút sự chú ý của công luận Hàn Quốc, những người dân đa số có thu nhập trung bình hàng năm khoảng 32.000 USD, và các chính trị gia lên tiếng chống lại bất bình đẳng.
Những người thuộc phe bảo thủ cũng sử dụng ''Squid Game'' trong bài tranh cử của họ. Hong Joon-pyo, ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc đại diện Đảng Quyền lực Nhân dân, cho biết trong một cảnh trong ''Squid Game'', khi một người người phụ nữ kéo tay gã xã hội đen tự tử, ông đã nghĩ tới “một chính trị gia nào đó”.
Tuyên bố này dường như ám chỉ đến ứng viên Lee Jae-Myung, người từng bị một nữ diễn viên nổi tiếng công khai việc ngoại tình.
Nhiều chính trị gia Hàn Quốc đang tận dụng sức hút của bộ phim để quảng bá cho chiến dịch tranh cử. |
Huh Kyung-young, một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, cho biết sẽ là người đầu tiên hiện thực hóa ''Squid Game''. Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn, Huh cho biết ông sẽ thực hiện “trò chơi Huh Kyung-young”, với cam kết cung cấp 85.000 USD cho mỗi người dân Hàn Quốc trên 18 tuổi nếu ông giành được ghế Tổng thống trong cuộc tranh cử năm tới.
"Bộ phim đại diện cho tư duy của một bộ phận người Hàn Quốc ngày nay. Sự thoái hóa, tàn phá và kẻ thù ở mọi phía khiến các người chơi, trong thực tế là người yếu thế, rơi vào vị thế khiến họ không có lối thoát, và lựa chọn cuối cùng được đưa ra là tham gia trò chơi con mực", ông Huh chỉ ra.
Sự phổ biến toàn cầu của loạt phim trên Netflix xuất hiện khi Hàn Quốc nổi lên như một cường quốc văn hóa thế giới. Hai trong số những bộ phim gần đây của quốc gia này, “Parasite” và “Minari” đều thành công vang dội khi kể về tầng lớp người nghèo trong xã hội.
Theo chuyên gia điện ảnh Areum Jeong, các chính trị gia sử dụng ''Squid Game'' như một phép ẩn dụ nhưng họ thực sự không hiểu được điều lớn lao hơn mà bà gọi là sự bất bình đẳng về mặt cấu trúc.
“Họ sử dụng 'Squid Game' để tuyên bố sẽ tạo ra một xã hội công bằng, nâng cao thu nhập cho những người làm việc nặng nhọc. Tuy nhiên, họ chưa thực sự suy nghĩ thấu đáo về những mẫu thuẫn hoặc cách thức đã đẩy một số nhóm nhất định vào vòng xoáy thiệt thòi trong cuộc sống”, bà Jeong nhận định.