Trong tuần trước, cựu Chủ tịch của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Johnson sửa chữa “sai lầm lịch sử” vì đã không trao cho những người có hộ chiếu Anh ở nước ngoài (BNO) quyền công dân đầy đủ; trong khi đảng Dân chủ Tự do trở thành đảng lớn đầu tiên đưa việc ủng hộ công dân Hong Kong có sở hữu BNO “quyền được cư trú” trong tuyên bố mới nhất của họ.
Hộ chiếu BNO cho người Anh ở nước ngoài là tài liệu du lịch mà chính phủ Anh cấp cho người Hong Kong sinh trước thời điểm trao trả thành phố này cho Trung Quốc vào năm 1997. Do người sở hữu BNO không đương nhiên có quyền sống và làm việc tại Liên hiệp Vương quốc Anh (UK), ngày càng có nhiều lời kêu gọi nâng cấp hộ chiếu BNO lên trạng thái công dân đầy đủ trong bối cảnh cuộc biểu tình và các cuộc đụng độ giữa một số người dân Hong Kong với cảnh sát ngày càng dữ dội kể từ tháng 6 năm nay.
Chính phủ Anh hiện đang nghiên cứu về những thay đổi đối với BNO, tuy nhiên vấn đề này ngày càng trở nên phức tạp khi kỳ bầu cử đang tới gần và cũng hết sức nhạy cảm liên hệ trực tiếp tới quan hệ Anh - Trung Quốc, một số nguồn tin cho hay.
Cuộc tranh luận này mang tới thêm nhiều sức ép ngoại giao cho chính quyền Hong Kong, sau khi Thượng viện Mỹ vừa thông qua một dự luật ủng hộ dân chủ Hong Kong. Dự luật này, đã được Hạ viện thông qua, được chuyển tới Nhà Trắng và chỉ chờ Tổng thống Donald Trump ký duyệt là trở thành luật.
Bức thư kêu gọi mà Thủ tướng Johnson mới nhận được trong hôm thứ Năm tuần trước có chữ ký của 8 thành viên Quốc hội, trong đó bao gồm nhiều nhân vật chính trị có tiếng nói như ông Norman Tebbit, cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ.
“Hộ chiếu BNO là một sai lầm lịch sử. Không giống như các với các thuộc địa khác, Vương quốc Anh đã đơn phương tước quyền công dân của tất cả người Hong Kong mà không qua tham vấn với họ. Số người này bao gồm cả những người từng phục vụ trong quân đội và lực lượng cảnh sát Anh” - bức thư nêu rõ. “Chúng tôi hy vọng ông đưa ra quyết định quan trọng trước khi quá muộn”.
Người dân Hong Kong trong một cuộc tuần hành kêu gọi nâng cấp BNO. (Ảnh: WSJ). |
Một số thành viên Thượng viện tham gia ký tên bức thư này bao gồm Archie Hamilton và Ian McColl, cựu thư ký riêng của hai đời Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và John Major, cùng với Catherine Mayor, cựu Đại sứ Anh tại Mỹ.
“Bằng cách tăng quyền của những người sở hữu hộ chiếu BNO, chúng ta không chỉ sửa được sai lầm lịch sử mà còn hỗ trợ được công dân Anh ở Hong Kong trong thời điểm nhạy cảm này” - bức thư nêu rõ, và nhấn mạnh rằng có hàng chục nghìn người ở Hong Kong đã tới lãnh sự quán Anh ở Hong Kong để kêu gọi sự thay đổi này.
Theo ước tính mà chính phủ Anh đưa ra năm 2015, có khoảng 3,4 triệu người sở hữu BNO. Những người Hong Kong sinh sau năm 1997 không thuộc diện này.
Tính đến thời điểm này, Thủ tướng Johnson luôn cố gắng né tránh vấn đề Hong Kong trong chiến dịch tranh cử của mình để chuyển hướng tập trung sang Brexit, chính sách y tế và thuế. Kỳ bầu cử ở Anh dự kiến tổ chức vào ngày 12/12 tới.
Ngược lại, phía đảng Dân chủ Tự do đã đưa thêm vấn đề Hong Kong vào tuyên bố của họ nhằm thúc đẩy “trách nhiệm về mặt pháp lý và đạo đức đối với người dân Hong Kong bằng cách mở lại BNO, mở rộng thêm chương trình này để bao gồm cả quyền được cư trú cho tất cả người sở hữu nó”.
Cần lưu ý rằng đảng Dân chủ Tự do đã giành chiến thắng trong kỳ bầu cử châu Âu ở London năm nay, lý do là người dân London giờ quay sang ủng hộ quan điểm chống Brexit của đảng này. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do bị đảng Bảo thủ và Công đảng xem là không chính thống.
Lý giải về việc đảng Dân chủ Tự do kêu gọi ủng hộ người Hong Kong, ông Chuka Umanna, phát ngôn viên các vấn đề nước ngoài của đảng này viết trên tờ Independent số ra hôm thứ Tư tuần trước rằng: “Người dân Hong Kong đang đưa ra yêu sách hợp lý. Họ chỉ là đang kêu gọi thực thi những điều mà họ được hứa hẹn trước kia - những lời hứa đã được ghi trong tuyên bố chung giữa Anh và Trung Quốc”.
Hiện chưa rõ bức thư có gây tác động tức thì hay không. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hồi tháng 9 vừa qua từng bác bỏ khả năng thay đổi hộ chiếu BNO “trong thời gian hiện tại” vì lo sợ sẽ làm mất sự cân bằng mà Tuyên bố chung Anh - Trung Quốc 1984 mang lại.