Từ những trăn trở…
Sinh năm 1962 tại xã Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang, Vàng Thị Mai đã có hơn 20 năm trong vai trò Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ của xã (từ 1980 - 2006) nên chị thấu hiểu đời sống khó khăn của bà con dân tộc H’mông, nhất là phụ nữ. Chị chia sẻ: “Đời sống bà con khi đó còn thiếu đói lắm. Chị em phụ nữ chăm chỉ, làm quần quật suốt ngày mà không đủ ăn, hết lên nương, vào rừng rồi lại chăn nuôi, chăm chồng con không nghỉ mà vẫn cơ cực, thương lắm. Phụ nữ H’mông chịu khó mà còn khéo tay nữa. Lên 13 tuổi, ngoài lên nương, các cô gái đã biết se sợi, dệt vải, thêu thùa và may váy áo. Vậy mà vẫn đói khổ. Tôi nghĩ, sao không dệt lanh may váy áo để bán, cải thiện đời sống?”.
Nét độc đáo trong các trang phục truyền thống người H’mông chính là được tạo ra từ cây lanh và kỹ thuật in sáp ong trên nền vải. Để làm nên bộ váy áo là một quá trình lao động cần cù, nhẫn nại, khéo léo và vô cùng tinh tế với mấy chục công đoạn chỉ từ đôi bàn tay, sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ. Nhận thức được giá trị văn hóa, kinh tế của một nghề truyền thống, chị bắt tay vào việc biến trăn trở thành hiện thực.
Năm 1999, chị dành toàn bộ tiền tích cóp được thành lập tổ hợp sản xuất nghề dệt lanh. Lúc đó, xưởng chỉ có vẻn vẹn 10 người và chị đã đi khắp bản làng để vận động chị em. Khó khăn trăm bề khi vốn thì ít mà tập quán canh tác, nếp ăn nếp nghĩ của người H’mông còn lạc hậu. Chị đặt ra yêu cầu, mỗi thành viên tham gia phải dành một phần đất canh tác để trồng lanh để chủ động nguồn nguyên liệu. Nhưng chị em không được các ông chồng ủng hộ. Chị Vàng Thị Mai kể: Lúc đó chị xót xa và tức giận khi có chị bị chồng đánh vì không chăm lo cho chồng, không trồng ngô mà dám trồng lanh. Chị đã phải nhờ chính quyền xã can thiệp.
Năm 2001, Hợp tác xã Hợp Tiến chính thức được thành lập với 60 nhân công. Chị mời những nghệ nhân giỏi trong xã làm nòng cốt dạy nghề cho chị em. Tay nghề chị em đồng đều, chăm chỉ làm việc.
Khó khăn lớn nhất mà chị phải đối mặt, quyết định cho sự tồn tại của hợp tác xã là khâu tiêu thụ sản phẩm mà chị chưa tính đến. Sản phẩm làm ra hàng loạt, chất đống đã không bán được. Chị mất ăn, mất ngủ suy nghĩ, tìm lối thoát.
Chị Vàng Thị Mai, người đầu tiên đem vải lanh của dân tộc mình giới thiệu ra toàn quốc và bạn bè thế giới. |
… đến bước đột phá mới
Chính quyền và các hội nghề vào cuộc, đã tích cực hỗ trợ chị trong việc tìm lối đi cho một nghề truyền thống của người H’mông ở Lùng Tám.
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đưa thầy dạy may và thêu tay lên dạy nghề cho các xã viên, bước đầu đa dạng sản phẩm vải lanh. Chị cũng được mời tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở Hà Nội, sau đó đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trong những lần tham gia hội chợ, chị là người trực tiếp bán lẻ từng mét vải lanh, từng sản phẩm cho khách hàng và không ngần ngại giới thiệu tỷ mỷ các công đoạn cũng như sự độc đáo của nghề dệt lanh truyền thống của quê hương tìm cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đầu tiên mà chị nhận được từ việc tham gia hội chợ là bán được 3000m vải lanh thô với giá trên 30 triệu đồng đã khích lệ thêm quyết tâm trong tìm hướng đi mới của chị.
Năm 2006 - 2007, chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ đã hỗ trợ hợp tác xã một phần kinh phí, đưa kỹ thuật nhuộm màu, tìm các nguồn đặt hàng. Bắt đầu từ đây, những sản phẩm của chị đã được đa dạng hóa, ngoài những trang phục truyền thống của người H’mông, hợp tác xã của chị còn có các sản phẩm phục vụ trang trí nội thất như khăn trải bàn, chăn, ga giường và các loại khăn, túi xách. Chất liệu và màu sắc, hoa văn vẫn dựa trên vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc H’mông nhưng đã đa dạng về mẫu mã, hướng đến nhu cầu của thị trường.
Năm 2009, Hợp tác xã Hợp Tiến ký kết với tổ chức hướng nghiệp quốc tế của Pháp Association Batik International mở lớp hướng dẫn nâng cao tay nghề may, dệt lanh. Năm 2008, 2010 và 2011 chị được Đại sứ quán Pháp và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mời tham dự Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu. Đây là cơ hội vàng để chị giới thiệu sản phẩm vải lanh ra thế giới. Chị trực tiếp đưa sản phẩm vải lanh của người H’mông Quản Bạ đi khắp các nước Ý, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ…
Thành công đã đến với người phụ nữ H’mông năng động, nhiệt tình. Các đơn đặt hàng trong và ngoài nước liên tiếp đến với chị. Hiện nay, hợp tác xã của chị đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 130 phụ nữ H’mông, với thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/1 người mỗi tháng. Hàng năm, chị tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí dệt, thêu và may vải lanh cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, vừa để lớp trẻ tiếp thu nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa đào tạo đội ngũ lao động trẻ có tay nghề. Hợp tác xã của chị còn là điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế tìm hiểu về nghề dệt, in thêu lanh truyền thống của người H’mông.
Năm 2009, chị được Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tuyên dương, tặng bằng khen vì đã giúp đỡ nạn nhân của nạn buôn bán người qua biên giới hội nhập, ổn định cuộc sống. Năm 2011, sản phẩm lanh Lùng Tám nhận cúp vàng hàng thủ công mỹ nghệ các nước được tổ chức tại Malaysia. Năm 2010, 2012, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bầu chọn là Gương phụ nữ năng động, sáng tạo....
Xem thêm
1. Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ
2. Lạ lùng lễ hỏi chồng của thiếu nữ Ê Đê
2. Người giữ lửa ở làng nghề nặn tò he có một không hai ở Việt Nam
Theo Làng Việt