GS Karikó: cứu nhân loại với công nghệ mRNA
Chỉ 1 tuần nữa, Giải thưởng VinFuture sẽ chính thức công bố chủ nhân cho 4 giải thưởng danh giá, với tổng giá trị 4,5 triệu USD. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, giới khoa học công nghệ toàn cầu đã đổ dồn về Việt Nam bởi theo lịch trình, sẽ có một chuỗi sự kiện giao lưu và tọa đàm với đội ngũ các nhà khoa học “khủng” nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực.
Theo thông tin từ VinFuture, đáng chú ý có Giáo sư Katalin Karikó, Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech và Giáo sư Drew Weissman, Giám đốc Nghiên cứu vắc xin, Bộ phận Bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman, Đại học Pennsylvania. Đây là hai nhà khoa học, hai cộng sự đã đặt nền móng cho công nghệ mRNA để làm ra hàng tỉ liều vắc xin - tấm lá chắn của con người trong cuộc chiến chống Covid-19.
Công trình của hai vị giáo sư cùng hành trình đầy chông gai để tìm một lối đi mới cho con người đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng trên khắp thế giới, đặc biệt là với nữ giáo sư Katalin Karikó. Những ý tưởng đầu tiên của bà Karikó về việc chèn các phân tử RNA thông tin (mRNA) vào cơ thể để “dạy” các tế bào tạo protein mới, nhận lại không ít lời cười nhạo. Đơn giản vì về lí thuyết khi tiêm mRNA vào người, hệ thống phòng thủ của cơ thể sẽ coi đó là “dị nguyên”, hiểu đơn giản là kẻ xâm nhập phi pháp và tiêu diệt ngay lập tức.
Vượt qua những lợi chê bai, nữ giáo sư không từ bỏ việc nghiên cứu sâu hơn về ý tưởng lớn của mình. Tuy nhiên, mọi cánh cửa lần lượt đóng sập lại. Người cộng sự đắc lực đột ngột bỏ dở dự án, để lại một mình Karikó xoay sở trong cảnh không tài chính, không phòng nghiên cứu. Với một dự án không nhiều kết quả và không nhận được bất cứ tài trợ nào, bà thậm chí còn bị Đại học Pennsylvannia sa thải vào năm 1995. Cùng thời gian ấy, bà nhận được chẩn đoán mắc ung thư.
Giữa lúc đen tối nhất, GS Katalin Karikó gặp người cộng sự cùng bước với bà trong suốt những năm tháng sau đó, giáo sư Drew Weissmen. Lần đầu nghe Karikó nói về mRNA, Drew Weissman đã tin rằng đây sẽ là điều thay đổi tương lai của nhân loại và quyết tâm giúp sức cùng người cộng sự. Mặc dù vậy, trong những năm tháng đầu tiên, hai nhà khoa học tiếp tục bị từ chối bởi không ai quan tâm đến mRNA. Thậm chí, các tạp chí khoa học cũng không mấy quan tâm đến công trình được cho là khó có kết quả.
Chỉ tới những năm 2005, khi những thử nghiệm trên động vật thành công bước đầu và có thêm nguồn tài trợ, công trình mới thực sự tạo được đột phá lớn. Tới khi bộ gen SARS-CoV-2 được giải mã, dựa trên công nghệ mRNA, con người đã làm nên tấm lá chắn hữu hiệu nhất cho tới hiện tại để cứu sống hàng tỉ người.
Với những đóng góp to lớn cho cuộc chiến chống Covid-19, Giáo sư Katalin Karikó và Giáo sư Drew Weissman đã được vinh danh với những giải thưởng cao quý như Princess of Asturias, Giải thưởng Breakthrough trong Khoa học Đời sống, Giải thưởng Lewis S. Rosenstiel cho công trình xuất sắc trong nghiên cứu y học cơ bản…
Hàng loạt tên tuổi từng đoạt giải Nobel, Millenium tới Việt Nam
Câu chuyện truyền cảm hứng của hai nhà khoa học lớn là điều được mong chờ tại Tuần lễ Khoa học VinFuture trong phiên họp về Tương lai của sức khỏe, nằm trong Tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” diễn ra ngày 19/1.
Góp mặt cùng 2 vị giáo sư danh tiếng còn có những tên tuổi lớn như giáo sư Quarraisha Abdool Karim, Phó Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu AIDS Nam Phi (CAPRISA), Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Châu Phi, Chủ tịch Nhóm Đặc nhiệm Kỹ thuật Phòng chống AIDS của Hội đồng Quốc gia Nam Phi. Vị nữ giáo sư nổi tiếng với sáng chế về gel bôi làm giảm lây nhiễm HIV cho phụ nữ trẻ và trẻ em gái ở châu Phi.
Thông tin từ ban tổ chức Giải thưởng VinFuture cho biết, rất nhiều khoa học gia lớn từng đoạt giải Nobel, Millennium… xác nhận sẽ tới Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện. Đáng chú ý là Giáo sư Sir Richard Henry Friend - người đạt Giải Millennium Technololy Vật lý năm 2010, Giáo sư Gérard Mourou - người được trao giải Nobel Vật lý 2018, hay Giáo sư Sir Konstantin (Kostya) S. Novoselovm, nhà khoa học trẻ nhất từng đạt Giải Nobel Vật lý (vào năm 2010, khi ông mới 36 tuổi).
Với sự xuất hiện của những nhà khoa học danh giá, Tuần lễ Khoa học VinFuture được đánh giá là sự kiện quan trọng và quy mô bậc nhất của giới khoa học công nghệ thế giới. Giới nghiên cứu và công chúng đang mong chờ thời khắc vinh danh những nhà khoa học và dự án giúp tạo nên sự thay đổi tích cực cho hàng triệu người trên thế giới trong Lễ trao giải diễn ra vào tối 20/1/2022.
Tuần lễ khoa học VinFuture sẽ có 4 hoạt động chính bao gồm: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo; Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”; Lễ Trao giải VinFuture lần thứ nhất và Giao lưu cùng Chủ nhân giải thưởng VinFuture. Cụ thể:
- Ngày 18/1/2022: Chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo, nơi các nhà khoa học chia sẻ câu chuyện về niềm đam mê, những thành tựu và hy sinh của người làm khoa học.
- Ngày 19/1/2022: Tọa đàm “Khoa học Vì Cuộc sống” gồm 3 phiên thảo luận, mỗi phiên sẽ kéo dài 90 phút với các chủ đề: Tương lai của Năng lượng, Tương lai của Trí tuệ Nhân tạo và Tương lai của Sức khỏe Toàn cầu.
- 20 giờ ngày 20/1: Lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội (Truyền hình trực tiếp trên VTV1 cùng các nền tảng mạng xã hội lớn trong nước và quốc tế).
- Ngày 21/1: Giao Lưu Cùng Chủ nhân Giải Thưởng VinFuture.
Bên cạnh 4 hoạt động chính, Tuần lễ Khoa học VinFuture còn có nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như các workshop, triển lãm, bài giảng đại chúng… dự kiến thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và công chúng.