Bài 1: Cà kê chuyện rùa
Từ trên máy bay nhìn xuống, Côn Đảo đẹp như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá là các đảo lớn, đảo nhỏ đan xen nhau. Thỉnh thoảng, ông Lê Xuân Ái - nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, chỉ tay qua ô cửa máy bay và nói vắn tắt các bãi, các trạm kiểm lâm bảo tồn rùa biển.
1. Xâu chuỗi những tài liệu đã đọc được, những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện đã được nghe kể, những vấn đề đã được giảng giải, mới nhận ra rằng loài động vật này dù không lạ, nhưng vẫn còn muôn vàn bí ẩn. Rùa biển xuất hiện cách đây khoảng 200 triệu năm, trước cả khi loài khủng long in dấu chân mình trên trái đất. Nhưng 100 triệu năm sau đó, khi khủng long bị tuyệt chủng thì rùa biển vẫn còn sống cho đến bây giờ. Đáng nói, đối chiếu với các mẫu hóa thạch từ hàng trăm triệu năm trước đó với rùa bây giờ, thì chúng vẫn không khác nhau gì. “Và vấn đề này, hàng trăm, hàng chục năm qua vẫn đang làm đau đầu các nhà khoa học. Những câu hỏi, tại sao rùa vẫn có thể sống sót trước những biến động khủng khiếp của trái đất khiến khủng long tuyệt chủng vẫn đang lơ lửng câu trả lời. Còn về mặt tâm linh, trong nhóm tứ linh, thì chỉ có duy nhất rùa là còn hiện hữu trên cõi đời này. Có lẽ vì thế, trong nếp nghĩ của người từ xưa đến nay, rùa biển là loài trường tồn với thời gian, nên không phải ngẫu nhiên mà ở Văn miếu Quốc Tử Giám, cha ông ta đã tạc tượng rùa chở các bia tiến sỹ” - ông Ái tâm sự.
Tua ngược thời gian về lúc rùa mới nở, rồi chui lên khỏi tổ, dỏng tai nghe tiếng sóng và hướng cái nhìn về phía biển, là rùa con đã kích hoạt những đặc tính của giống loài mình. “Trong nỗ lực chui ra khỏi vỏ, cát sẽ sụt xuống và lấp vào khoảng trống ấy. Rùa con dựa vào đấy để chui dần lên trên mặt đất. Sau khi lên khỏi tổ, rùa con không xuống biển ngay mà nằm im đợi những anh chị em của mình lên đi cùng. Việc này có ba chủ đích, thứ nhất là dưỡng sức sau khi tiêu hao quá nhiều năng lượng để chui lên khỏi tổ, thứ hai là rùa con đợi lúc mực thủy triều lên cao nhất để khoảng cách xuống biển trở nên gần hơn, thứ ba là trên đường xuống biển và chặn đường sau đó, rùa con phải đối mặt với muôn vàn động vật khác ăn thịt mình. Nghĩa là ngoài một số chịu… hy sinh, thì tỷ lệ sống sót của chúng sẽ được tăng thêm phần nào. Rùa con không sống dưới đáy biển, mà bơi trên mặt nước, vì thế chúng phải đối diện cùng lúc với hai mối nguy đó là cá và chim ăn thịt bởi lúc này mai của chúng còn mềm” - ông Ái cho biết. Và cũng theo vị chuyên gia về rùa biển này, các nhà khoa học tính toán rằng, cứ mỗi 1.000 rùa con từ lúc trên bờ xuống biển, chỉ có khoảng vài con sống sót và trưởng thành theo quy luật tự nhiên. Nghĩa là với cách hành xử thô bạo, tác động xấu đến tự nhiên của con người, thì xác xuất cho rùa còn sống sót trở nên nhỏ bé hơn, và mối nguy này còn thường trực cả với rùa trưởng thành.
2. Đã bảo tồn được rùa, vậy rùa Côn Đảo sẽ đi đâu? Câu hỏi ấy quẩn quanh mãi trong suy nghĩ của ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Côn Đảo, nên đã xây dựng dự án theo dõi đường di cư của rùa Côn Đảo và được các tổ chức, chuyên gia quốc tế hỗ trợ máy theo dõi qua vệ tinh vào năm 2006. Trong năm này, có 4 lần đeo máy cho 4 cá thể rùa. Ông Ái kể: “Họ dựa vào đặc tính của rùa là vài tiếng đồng hồ sẽ nổi lên mặt nước để hít thở không khí, nên gắn máy theo dõi lên mai rùa bằng 1 loại keo đặc biệt. Cứ mỗi lần rùa trồi lên hít thở, là tín hiệu được truyền về trung tâm ghi nhận dữ liệu của họ, rồi họ gửi số liệu ấy cho mình. Nhờ đó mới biết khả năng di cư rất xa của rùa biển tại Côn Đảo, có khi rùa đến tận đảo Palawan của Philippines với chiều dài lên đến 1.449 km. Hơn nữa, đường đi của rùa gần như chỉ là một đường thẳng nhờ khả năng cảm nhận đặc biệt từ tính để định hướng đi rất tuyệt vời”.
Sau khi có được số liệu từ các chuyên gia, tổ chức rùa biển hỗ trợ cung cấp. Vài năm sau, ông Ái ra Hà Nội báo cáo mà không quên hài hước rằng: “Ở Côn Đảo, có một loại cư dân có thể tự do đi du lịch nước ngoài mà không cần đến hộ chiếu, thị thực”. Dừng một lát trong cái tò mò của mọi người, ông Ái tiếp tục: “Đó chính là rùa biển”. Cả phòng họp vỡ òa ra. Cùng với gắn máy theo dõi, là gắn thẻ vào hai vây trước của rùa. Việc này chỉ đơn thuần là nhằm để dễ dàng theo dõi, nghiên cứu các đặc điểm sinh học của rùa biển nhằm chia sẻ kinh nghiệm, xin tài trợ nghiên cứu, chứ không ngờ rằng những dữ liệu thu về cho thấy phạm vi hoạt động của rùa biển rất rộng, vượt phạm vi quốc gia.
Điều này đồng nghĩa với việc các nước trong khu vực phải chung tay nhau bảo vệ rùa biển, chứ không thể mạnh ai nấy làm. Và trên thực tế, Việt Nam và các nước trong khu vực đã có nhiều ký kết, biên bản, ghi nhớ về chung tay bảo vệ rùa biển. Như lần gần đây nhất, là vào đêm 6/6/2018, tại hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), có một rùa mẹ lên bờ đẻ, các kiểm lâm phát hiện con rùa này mang quốc tịch Indonesia thông qua số thể trên vây. Chuyên gia về rùa biển Lê Xuân Ái đưa ra hai giả thuyết: Thứ nhất, dựa vào đặc tính trở về nơi ra đi từ lúc còn nhỏ của rùa, thì có thể con rùa này xuất phát từ Côn Đảo, nhưng khi đến Indonesia mới được đeo thẻ; thứ hai, có thể là môi trường sống, bãi đẻ ở Indonesia đã bị xâm hại khiến cho rùa phải tìm nơi mới.Còn lãnh đạo Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, sẽ cho người làm việc với phía Indonesia để tìm hiểu rõ hơn, tất cả chỉ nhằm ghi nhận thêm dữ liệu để công tác bảo tồn được tốt hơn.
3. Khi ca nô đến Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh - một trong những trạm bảo tồn rùa biển lớn nhất của Vườn Quốc gia Côn Đảo, cũng là lúc mực trủy triều thấp nên không thể vào sát bờ, vì thế chúng tôi phải lội bộ từ mực nước ngang hông để vào bờ. Người thì không sợ ướt, chỉ sợ vấp ngã, thiết bị máy móc “nhúng
nước” là… toi cả hành trình. Phải mất thêm khoảng 20 phút nữa, mới lội bộ vào đến bờ và trên đường từ đó về trạm kiểm lâm, mới biết có một luồng lạch từ ngoài biển đi xuyên qua rừng ngập mặn, nếu nước lớn thì ca nô sẽ vào được tận sát bờ, và đó là nơi có nhiệm vụ như cầu cảng thu nhỏ. Có điều, việc ra vào luồng lạch này bằng ca nô phụ thuộc vào mực nước thủy triều lên xuống. Dài dòng như thế, để thấy rằng, nếu chỉ cần xây dựng cầu cảng, thì việc cập ca nô để lên hòn Bảy Cạnh trở nên dễ dàng hơn.
Nhưng họ không làm thế, vì sẽ phá vỡ cấu trúc cảnh quan, hệ sinh thái biển đang được bảo tồn. Bãi Bấc - Cù Lao Chàm, nơi đang được thiết lập thành bãi đẻ của rùa, có một doanh nghiệp du lịch xin xây dựng cầu cảng để đưa khách trực tiếp từ Đà Nẵng đến Cù Lao Chàm. “Nếu cho họ làm cảng, thì thôi, khỏi làm bảo tồn rùa chi cho mất công và tốn kém. Vì điều đó sẽ làm hủy hoại môi trường biển lẫn trên bờ ở đây và chắc chắn rùa sẽ không trở về” - ông Ái bày tỏ. May mắn, cách đây vài ngày, sau cuộc họp với doanh nghiệp này, chính quyền TP.Hội An (Quảng Nam) đã lắc đầu với kế hoạch xây cầu cảng của doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và trình phương án đưa khách đến Cù Lao Chàm tại nơi khác chứ không phải Bãi Bấc.
Dẫu vậy, ông Ái cũng đưa ra khuyến cáo, là Cù Lao Chàm nên hạn chế sự hoạt động của ca nô đưa khách từ bãi này sang bãi khác. Vì điều này đồng nghĩa với việc tác động xấu đến môi trường biển, và làm giảm hiệu quả công tác bảo tồn. Trái ngược với Cù Lao Chàm, ở Côn Đảo có rất ít ca nô hoạt động trên biển và họ thường dùng xe điện để đưa khách từ bãi này đến bãi khác. “Thêm nữa, Cù Lao Chàm cũng nên tuyên truyền người dân không nên sử dụng lưới ba màng để đánh bắt cá. Loại lưới này, nếu chẳng may bị dính, càng vùng vẫy, rùa sẽ càng bị dính chặt hơn. Mà đặc tính của rùa là cần phải ngoi lên mặt nước để hít thở, nên mắc lưới quá lâu rùa sẽ chết vì thiếu oxy” - ông Ái nói thêm. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, thỉnh thoảng tại Cù Lao Chàm có rùa chết vì mắc lưới ngư dân. Lần gần nhất, là vào cuối tháng 6/2018, một cá thể rùa nặng gần 80kg đã mắc
Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu, bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Cù Lao Chàm cho rằng, rùa bị mắc lưới ngư dân, là dấu hiệu cho thấy rùa biển trở về. Tuy nhiên, trong môi trường đầy rẫy hiểm nguy như thế, sự sống của rùa đang bi đe dọa rất nhiều. Nghiêm trọng hơn, là các bãi đẻ của rùa trước đây tại Cù Lao Chàm hầu như không còn, nên mới có chuyện rùa đẻ dưới nước. “Theo tập tính trở về nơi ra đi để sinh đẻ, nhưng nơi đó, tức các bãi đẻ, đã bị con người xâm chiếm, phá hoại. Khiến cho rùa không còn bãi đẻ, “bí” quá mới đẻ dưới nước, mà trứng rùa ngâm nước sẽ bị hỏng” - ông Ái giải thích. Và ông cũng cho rằng, việc cấp thiết của Cù Lao Chàm bây giờ, là tạo bãi đẻ cho rùa, mà duy nhất và cụ thể là ở Bãi Bấc có triển vọng.
Bài 2: Đêm theo dấu chân rùa