Nghệ sĩ Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ ông Trương Nhuận ra đi lúc 19h55' ngày 13/1 tại nhà riêng ở Hà Nội. Ba năm nay, ông thường xuyên đi lại giữa Việt Nam - Singapore để chữa bệnh ung thư phổi.
NSND Minh Hằng rất đau buồn thốt lên rằng, chị đã mất đi người anh trong nghề đáng kính. "Một người anh đáng trọng trong nghề đã ra đi, về nơi ấy bình yên anh nhé", NSND chia sẻ.
Trương Nhuận sinh năm 1957 ở Bắc Ninh, tốt nghiệp loại giỏi khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Dù không tham gia diễn xuất, ông gắn bó sâu sắc với nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ.
Ông được bổ nhiệm là Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của nhà hát từ năm 1991. Năm 2001, ông giữ chức Phó giám đốc phụ trách Biểu diễn và Đối ngoại. Từ năm 2012, ông kế nhiệm NSND Lê Hùng, quản lý nhà hát trên cương vị giám đốc. Sau khi ông về hưu năm 2017, nghệ sĩ Chí Trung thay ông làm lãnh đạo. Trước khi công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ, ông là giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh giai đoạn 1980 - 1990. Ông là người yêu thơ ca, hội họa, là thành viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Không chỉ là một nhà báo, một người thầy dạy văn học, sau này làm công tác quản lý, Trương Nhuận đúng là một người có tư chất nghệ sĩ, mặc dù không biểu diễn hay dàn dựng.
Nói về con người Trương Nhuận, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, có thể dùng từ “thâm trầm, sâu sắc và đương đại”. Ông là người lãnh đạo khá đặc biệt đối với các nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên ở địa chỉ nghệ thuật này. Mỗi vở diễn của nhà hát từng được ông rất cân nhắc khi thực hiện. Vì thế mà nhiều đồng nghiệp nghĩ về Trương Nhuận như một người luôn trăn trở làm sao để các vở diễn của nhà hát vẫn luôn đi được bằng hai chân là nghệ thuật và thị hiếu, tìm lối đi riêng để thuyết phục một lượng khán giả lớn của miền Bắc.
Lúc còn là người đứng đầu Nhà hát Tuổi trẻ, Trương Nhuận thừa hưởng được những vốn quý của thế hệ trước một cách khéo léo để Nhà hát thường xuyên là nơi được các địa chỉ văn hóa như Quỹ Nhật Bản (Japan Foudation), Viện Goethe… hợp tác, lại được bạn bè các nước biết đến. Tranh thủ những chuyến đi công tác ở các nước trên thế giới, Trương Nhuận học hỏi cách làm nghệ thuật của các nước bạn để sau đó kết nối, giao lưu, mang về cho Nhà hát Tuổi trẻ những tác phẩm cập nhật xu hướng mới.
Suốt thời gian ở vị trí người đứng đầu của nhà hát, ông luôn muốn thay đổi nhiều trong cách làm nghệ thuật, làm sao để công chúng cùng hòa mình những vở diễn mới có lối tư duy văn minh hơn, hiện đại hơn. Bởi thế mà bây giờ, ở mảng đối ngoại của nhà hát, lớp người sau cũng đã chịu ảnh hưởng và cách làm việc của ông, nhất là sự khéo léo khi làm việc với các đối tác nước ngoài, để từ đó nhà hát được giao thoa với nhiều loại hình nghệ thuật trên thế giới, các nghệ sĩ được trau dồi về chuyên môn và kỹ thuật diễn, để đem vào những tác phẩm của nhà hát nhiều mầu sắc tươi trẻ khác nhau phục vụ khán giả.
Ông am hiểu và nhạy cảm với nghệ thuật, tận tụy với những đam mê. Ông yêu tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng, có thể nói Trương Nhuận là người có nhiều tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng nhất cho đến hiện nay, điều này như một mối lương duyên tự nhiên của tạo hóa.
“Khi đã bước qua tuổi 60 tôi mới ngẫm và hiểu ra được nhiều điều mà ngày thường lắm khi bỏ lỡ để trôi qua không nhận thấy một lý lẽ rất giản đơn: “Hãy bằng lòng với những gì mình được cuộc sống ban tặng, đừng quá gắng sức, phí thời gian lao vào những chuyện hư danh mà làm tổn thương hệ lụy đối với người thân yêu! Và hãy làm ngay những việc thiết thực dù nhỏ chớ nấn ná nếu điều ấy mang lại niềm vui đối với gia đình và bạn hữu như một bổn phận làm người trọn vẹn”, ông Trương Nhuận từng chia sẻ khi đón sinh nhật ở tuổi 60.