Trả lời HĐXX đầu tiên, bị cáo Ngô Văn Thanh (thành viên Tổ giám sát) cho rằng tại thời điểm sự việc xảy ra bị cáo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dù vậy khi HĐXX hỏi lại “vào thời điểm này” thì ông Thanh nói rằng “thấy mình cũng có thiếu sót”.
Theo ông, việc VKS truy tố trách nhiệm liên quan đến số tiền thiệt hại 10.000 tỷ đồng chưa hoàn toàn đúng với quá trình thực hiện và diễn biến khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, đồng thời còn một số vấn đề chưa được làm rõ.
Trong khi đó, bị cáo Phạm Thế Tuân (Tổ phó Tổ giám sát) cho rằng mình đã cố gắng làm hết sức theo quy định về trách nhiệm, quyền hạn của tổ viên. Ông cũng là người không đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thực hiện một số giao dịch có giá trị trên 5 tỷ.
“Đại Tín rất phức tạp, tinh vi, không làm theo khuyến cáo của tổ giám sát. Hôm nay phải đứng đây tôi rất xót xa, xấu hổ khi là cán bộ ngân hàng đã làm ba mươi mấy năm, dù thành công rất nhiều nhưng giai đoạn cuối vướng vào một ngân hàng quá khó khăn, không chấp hành quy định của NHNN, Chính phủ và gần nhất là Tổ giám sát” – ông Tuân bày tỏ.
Về phần mình, bị cáo Lê Văn Thanh (Tổ trưởng Tổ giám sát) cho rằng bản thân “nhận thức có thiếu sót nào đó”. Ông Thanh xin được trình bày lại công việc của Tổ giám sát và cho biết trong giai đoạn đó Tổ đã phát hành tới 38 văn bản, 10 báo cáo về hoạt động của VNCB.
Trình bày rành mạch trước HĐXX, bị cáo Hà Tấn Phước nhận định rằng nội dung cáo trạng tường trình và mô tả các sự việc vi phạm là đúng, “nhưng về kết luận có một số nội dung chưa được chính xác”.
Bị cáo Đặng Thanh Bình. |
Ông Phước cho biết với vai trò là Tổ trưởng đã ý thức được đây là vấn đề rất quan trọng nên ngay từ đầu đã có bản phân công chi tiết trách nhiệm, nhiệm vụ của các thành viên.
Ông khẳng định “đã làm đúng trách nhiệm, nhiệm vụ và nghĩa vụ được giao” nhưng thừa nhận “do năng lực còn hạn chế và trong công tác chỉ đạo điều hành có thiếu sót nên có hậu quả xảy ra”.
Trả lời HĐXX cuối cùng, bị cáo Đặng Thanh Bình (nguyên Phó thống đốc NHNN) nói rằng phần truy tố ông không đúng. Theo ông Bình, Quyết định 12 của NHNN (giám sát các ngân hàng yếu kém) là để thực hiện chủ trương của nhà nước về tái cơ cấu một số ngân hàng hoạt động không hiệu quả.