Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong ký ức ông Phạm Thế Duyệt

"Tôi có quá trình công tác không dài với đồng chí Phiêu nhưng tôi cảm nhận những việc đồng chí làm mang lại hiệu quả rất rõ ràng. Tỏ rõ vai trò của người lãnh đạo vừa dám chịu trách nhiệm cá nhân vừa giữ nguyên tắc của Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo tập thể, giữ được đoàn kết".
Năm 1999, trận lũ kinh hoàng khiến làng Phương Trung (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) gần như xóa sổ. Ở thời điểm đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trực tiếp vào thăm hỏi, động viên người dân Phương Trung. Do đường bộ chưa thể thông, nước vẫn b
Năm 1999, trận lũ kinh hoàng khiến làng Phương Trung (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) gần như xóa sổ. Ở thời điểm đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trực tiếp vào thăm hỏi, động viên người dân Phương Trung. Do đường bộ chưa thể thông, nước vẫn b

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước và tập thể các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu, vào hồi 2h52’ sáng ngày 7/8/2020 tại Hà Nội, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từ trần. Ông mất đi là tổn thất lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc gặp gỡ với ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, để được nghe người đồng chí, người anh em, người từng làm việc trực tiếp với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kể về ông với những hồi ức đầy xúc động.

“Đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII, anh Lê Khả Phiêu là Thường trực Bộ Chính trị còn tôi là Trưởng ban Dân vận. Đến Hội nghị Trung ương 4 (tháng 12/1997) anh Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư, tôi làm Thường trực Bộ Chính trị” - ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhớ về một thời gian làm việc trực tiếp với ông Lê Khả Phiêu “tuy không dài, nhưng đầy ấn tượng”. Ông đưa tay lên chấm nước mắt kể rằng 3h sáng ngày 7/8 nhận được tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, tuổi cũng đã cao ông không thể tới ngay lúc ấy, “đợi sáng mới chạy lên, nhìn anh Phiêu vẫn còn nằm ở nhà, thấy rất bùi ngùi”…

PV: Thưa ông, nhớ về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII mà ông ở cương vị gần gũi trực tiếp là Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, ông nhớ nhất là điều gì?

Ông Phạm Thế Duyệt: Nhiệm kỳ khoá VII tôi là Bí thư Thành uỷ Hà Nội nên không có điều kiện làm việc trực tiếp. Đến đầu khoá VIII, anh Đỗ Mười làm Tổng Bí thư, anh Lê Khả Phiêu là Thường trực Bộ Chính trị, tôi là Trưởng ban Dân vận. Có lẽ việc đầu tiên ấn tượng cho đến bây giờ là khi có vụ việc xảy ra ở Thái Bình, tôi được phân công trực tiếp xử lý thì hàng ngày trực tiếp báo cáo và thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Bộ Chính trị lúc bấy giờ là anh Lê Khả Phiêu. Hôm nào nghe báo cáo tôi điện sang mà anh thấy cần thiết thì bao giờ cũng bố trí gặp để trao đổi ngay.

Lúc đầu còn chưa thành lập tổ công tác (mãi tháng 10 mới lập Tổ công tác xử lý điểm nóng Thái Bình) nhưng với tư cách Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận, tôi đã chủ động lăn vào những nơi khó khăn của hầu hết các xã ở Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà, Thái Thụy, Tiền Hải… những nơi đang rất nóng. Khi điện thoại về bao giờ anh Phiêu cũng lắng nghe, tỏ quan điểm đồng tình hay không đồng tình một cách kịp thời không bao giờ chậm trễ. Sau khi tôi lắng nghe ý kiến các đồng chí lãnh đạo lão thành ở tỉnh, ở các huyện, các cơ sở, thì đã cơ bản nắm được tình hình, đã hình dung ra hướng giải quyết. Để dứt điểm được phải giải quyết công tác tổ chức, phải đảm bảo được công bằng, dân chủ với nhân dân. Không thể để kéo dài tình trạng nhân dân kêu ca mãi mà không giải quyết.

Khi tôi báo cáo anh Phiêu bao giờ cũng cho ý kiến ngay, nên tôi giải quyết rất thuận lợi. Đến lúc thành lập Tổ công tác, tôi báo cáo với anh Phiêu, anh Khải (Thủ tướng Phan Văn khải), thì anh Phiêu dành thì giờ về họp trực tiếp với lãnh đạo Thái Bình. Anh lắng nghe những trao đổi thẳng thắn khi nói những vấn đề cần xử lý công tác tổ chức, công tác cán bộ và bao giờ anh cũng tỏ chính kiến chứ không lưỡng lự gì. Đó là điều tôi cảm nhận được thái độ của một người lãnh đạo từng kinh qua công tác ở quân đội thì có cái gì đó rất rõ ràng, nhanh nhạy, suy nghĩ, giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn để cho mình yên tâm khi đưa ra phương pháp.

Anh Phiêu về Thái Bình là hỗ trợ cho tôi rất lớn trong việc thể hiện cách thực sự dân chủ lắng nghe ý kiến của địa phương, của Tỉnh ủy, tự hiểu được tình hình, không cần nghe qua báo cáo, phản ánh. Để thống nhất hướng giải quyết ổn định tình hình Thái Bình. Nói như thế để thấy một người có trách nhiệm khi mà lo công việc cho Đảng là phải có thái độ dám chịu trách nhiệm,  có tầm, có suy nghĩ, có quyết đoán. Tôi thấy anh Lê Khả Phiêu là người như vậy...

Thưa ông, nhiều người nhắc đến thời kỳ đó thường nghĩ đến công cuộc chỉnh đốn Đảng của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII?

- Tôi sẽ nói về Trung ương 6 (lần 2), nhưng nhắc đến anh Phiêu đừng chỉ nghĩ đến Chỉnh đốn Đảng. Anh Phiêu làm Tổng Bí thư không dài nhưng làm được rất nhiều việc. Vào thời điểm ấy, Tổng Bí thư phải gánh vác những trọng trách rất lớn. Đấy là thời điểm phải vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á 1997, mà mình thì vừa chập chững gia nhập WTO, chuẩn bị ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, những việc ấy đều phải bàn đến nơi đến chốn mới thống nhất được.

Tổng Bí thư phải lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, của Chính phủ để có đủ cơ sở đưa ra chủ trương. Cho nên chỉ trong một thời gian không lâu chúng ta vượt qua được khủng hoảng kinh tế đưa kinh tế đất nước phát triển, năm 2000 ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. Cái đó không thể không kể đến công lao của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, không thể xem nhẹ công lao của anh Phiêu được.

Thưa ông, trong số các quyết định mang tính vận mệnh quốc gia dân tộc vào thời điểm ấy, khó khăn nhất đối với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là gì?

- Thời gian gặp rất nhiều khó khăn phải giải quyết một vấn đề có tính lịch sử, chịu trách nhiệm trước lịch sử, đó là vấn đề biên giới. Hơn 1000 cây số biên giới của 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Không có thái độ xử lý dứt khoát thì làm sao đất nước yên bình, ổn định được. Anh Phiêu có quan điểm rất rõ ràng, lúc ấy các đồng chí Cố vấn cũng rất đồng tình, đưa ra Bộ Chính trị, đưa ra Ban Chấp hành Trung ương bàn đều thống nhất phải sớm ký kết Hiệp định biên giới với Trung Quốc, giải quyết việc cắm mốc biên giới.

Những chỗ khó khăn như là bãi Tục Lãm hay là Thác Bản Giốc mà sau này dư luận hay bàn tán thì cũng đều được bàn rất kỹ lưỡng, có những lúc còn có những ý kiến băn khoăn thắc mắc trong nội bộ Trung ương thì anh Phiêu giao cho tôi mời các đồng chí lãnh đạo các tỉnh biên giới về Hà Nội họp để trao đổi thẳng thắn, trình bày rõ với Trung ương, phương án xử lý phải thế này thế kia, nó có cơ sở pháp lý, có đạo lý, trên nguyên tắc độc lập chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ được đặt lên cao nhất. Không có chuyện thiếu cẩn thận hay không cương quyết bảo vệ chủ quyền của quốc gia như nhiều ý kiến sau này phán xét.

Trong lúc giải quyết có những chỗ mình được nhiều hơn, có những chỗ mình cũng phải nhân nhượng, nhưng về nguyên tắc là giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ. Đúng là có những chỗ đáng tiếc do những sơ xuất trong lịch sử chứ không phải là trách nhiệm riêng của anh Phiêu. Anh ấy chịu lắng nghe và chịu trách nhiệm trước lịch sử để giải quyết một vấn đề rất khó. Đích thân phải trực tiếp qua lại giữa hai nước để giải quyết vấn đề này nhưng anh ấy là người rất vững vàng. Tôi vẫn đánh giá là như thế. Có thể nói như thế.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931 - 2020). Ảnh: Thế Dũng.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931 - 2020). Ảnh: Thế Dũng.

Thưa ông, trở lại công cuộc chỉnh đốn Đảng, đó có phải là dấu ấn đậm nét nhất của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu?

- Chúng tôi nói chung trong Thường vụ, trong Bộ Chính trị, trong Trung ương có ý thức quyết tâm rất cao trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII là phải có một nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng và quyết tâm thực hiện nó. Thời gian thì không có nhiều, tôi nhớ đó là năm 1999, chỉ còn hơn 2 năm là hết nhiệm kỳ. Nhưng Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) rất có ý nghĩa, rất có giá trị về nguyên tắc, về vai trò lãnh đạo của Đảng, để giữ vững Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làm sao phải củng cố lại, không thể để những nguy cơ mà Đại hội VI, Đại hội VII đã chỉ ra. Gọi là Trung ương 6 (lần 2) vì Hội nghị Trung ương 6 chỉ bàn được một việc về kinh tế, nên phải họp tiếp một phiên, bàn riêng về vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng, lấy tên là Trung ương 6 (lần 2). Nghị quyết đã là quan trọng. Quan trọng là vấn đề chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Chúng tôi đã có những bàn bạc, anh Phiêu đã chỉ đạo rất chặt chẽ, đặt ra vấn đề phải có cơ quan thường trực giúp cho Bộ Chính trị, cho Thường vụ, cho Thường trực, cho Tổng Bí thư. Đưa anh Vũ Quốc Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sang làm Trưởng Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2) làm việc ngay ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân. Hàng ngày bận gì thì bận tôi cũng trực tiếp xuống lắng nghe anh em ở bộ phận thường trực báo cáo thu thập ý kiến phản ánh các nơi, tiến hành chỉnh đốn Đảng ra làm sao, nơi nào chậm nơi nào nhanh, nơi nào làm tốt. Các vụ việc lớn mà Trung ương phải xử lý thì việc gì phải đưa ra Bộ Chính trị, ra Thường vụ, ra Trung ương, các cái đó đều phải bàn. Nên với quyết tâm rất lớn từ đồng chí Tổng Bí thư, đó là thời gian giải quyết được rất nhiều vụ việc.

Đó là thời gian ngắn thật, nhưng làm được rất nhiều việc. Có những vụ việc lớn như xử lý kỷ luật các đồng chí lãnh đạo cấp cao thì Đảng đều có thái độ rất rõ. Điều này đã tạo sự chuyển biến thì trên xuống dưới. Tạo được thái độ thẳng thắn chân thực không bị dao động hay thiếu bản lĩnh trong những quyết định. Trước những vấn đề phức tạp động chạm đến những đồng chí lãnh đạo cấp cao, có những vướng mắc, có khó khăn cần phải làm rõ đều phải yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thẩm định rõ ràng báo cáo trước Trung ương và Bộ Chính trị.

Khi triển khai cuộc kiểm điểm phê và tự phê trong Bộ Chính trị được làm rất nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn tới mức dư luận bên ngoài lúc ấy đặt câu hỏi, người ta không hiểu trong nội bộ có việc gì. Bộ Chính trị phải kiểm điểm từ đồng chí Tổng Bí thư trở xuống. Những cuộc kiểm điểm ấy khác so với các cuộc sinh hoạt bình thường. Quyết tâm chỉnh đốn Đảng từ đó mới lan toả ra toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, lan toả ra toàn thể các cấp uỷ. Không phải chỉ ở Trung ương mà các địa phương đều xử lý được tình trạng mất đoàn kết, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực. Có nhiều địa phương rất phức tạp, như Nghệ An tôi phải trực tiếp vào xử lý. Tất cả những cái đó đều nhờ đồng chí Phiêu có sự quyết đoán, có tâm trong sáng, vì mọi người, khi đã quyết định là thể hiện nguyên tắc của Đảng, nhưng cũng rất coi trọng dân chủ.

Thời gian đó cho đến Đại hội IX còn rất ngắn. Tại Đại hội đã nói rất rõ những gì còn chưa làm được, chưa giải quyết được thì đề nghị khoá IX tiếp tục xử lý giải quyết. Chỉ tiếc là sau đó, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã không được tiếp tục triển khai quyết liệt.

Đó cũng là thời điểm ông chuyển hẳn sang làm công việc Mặt trận và Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nghỉ hưu. Ông còn nhớ những quyết định vào thời điểm đó?

- Năm ấy thì chắc mọi người cũng suy nghĩ bàn tán nhiều về việc đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xin nghỉ. Tôi là người trong cuộc tôi biết, quyết định đó được đưa ra vì sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, vì lợi ích chung của Đảng. Đấy cũng là một bản lĩnh chính trị rất rõ ràng, không lấn cấn gì. Tất nhiên ai thì cũng suy nghĩ nhưng lúc bấy giờ cần phải lựa chọn quyết định để tạo được sự thống nhất trong Trung ương, tạo sự thống nhất trong Đảng. Tôi coi cái đó là điều rất quý.

Tôi có quá trình công tác không dài với đồng chí Phiêu nhưng tôi cảm nhận những việc đồng chí làm mang lại hiệu quả rất rõ ràng. Tỏ rõ vai trò của người lãnh đạo vừa dám chịu trách nhiệm cá nhân vừa giữ nguyên tắc của Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo tập thể, giữ được đoàn kết.

Về sinh hoạt đời thường, ông nhớ gì về đồng chí Lê Khả Phiêu trong những năm tháng ấy?

- Lúc bấy giờ làm việc bao giờ hai anh em tôi cũng ở lại cơ quan buổi trưa, nằm giường xếp tranh thủ chợp mắt. Ăn trưa thì anh em hành chính quản trị nấu cho ăn. Nhưng tuần nào chị Bích vợ anh Phiêu cũng gửi cho một ít bánh khúc, chị ấy làm rất ngon. Bao giờ ông Phiêu được ăn 4 cái thì tôi cũng được 3 cái (cười). Những kỷ niệm ấy tình cảm lắm.

Khi tôi là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, có lần phải phẫu thuật cắt mật, anh Đỗ Mười và anh Lê Khả Phiêu vào thăm ngay. Khi ấy có tin đồn tôi bị ung thư, tôi đùa các anh vào kiểm tra xem tôi có ung thư không, để quyết định cho tham gia Bộ Chính trị nữa hay không à.

Thưa ông, phẩm chất lớn nhất của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu theo cảm nhận của ông là gì?

- Đó là một người nghe kỹ, đánh giá đúng là quyết đúng. Một người tình cảm, sâu sát, trung thực, quyết đoán. Đồng chí Lê Khả Phiêu với suy nghĩ của tôi là đồng chí sống có tình nghĩa, chân thành, thẳng thắn, biết lắng nghe. Một người có tính Đảng rất cao. Đạo đức của người lãnh đạo, tính nguyên tắc của người lãnh đạo là rất quan trọng, rồi đến bản lĩnh, tính quyết đoán, lãnh đạo mà do dự không dám quyết thì chùn hết. Anh Phiêu cũng là người tình nghĩa sâu sắc, trung thực thẳng thắn. Không ai có thể hối lộ, mua chuộc được anh Phiêu. Hai anh em chúng tôi nhất trí rất cao quan điểm ấy. Nói ra thì bảo kể lể nhưng thực sự đó là một người rất đáng quý trọng về cái tâm cái tầm của nhà lãnh đạo.

Khi anh Phiêu đã nghỉ hưu rồi, thì quan hệ của chúng tôi vẫn rất gần gũi. Thường xuyên thăm nhau. Anh có điều gì cần đóng góp cho Trung ương thì đều gọi chúng tôi trao đổi để góp với Đảng có tính nguyên tắc bằng văn bản hẳn hoi để các đồng chí Bộ Chính trị đương nhiệm nghiên cứu, tham khảo. Anh Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến công việc Mặt trận.

Lúc anh Lê Quang Đạo mất, năm 1999, thì tôi đang là Thường trực Bộ Chính trị nhưng vẫn được Bộ Chính trị cử sang lo việc Mặt trận. Đấy là quyết định của anh Phiêu. Anh có nói với tôi là dành thì giờ cho cả hai bên, mà là làm việc thực sự, chứ không phải hình thức. Bên Mặt trận thì đã có anh Trần Văn Đăng gánh vác chính, cái gì khó thì tôi chịu trách nhiệm. Anh Phiêu thường xuyên đến Mặt trận. Khi anh ấy nghỉ rồi những cuộc góp ý kiến ở Mặt trận cho Đảng, anh ấy đều trực tiếp đến, góp ý những việc Mặt trận phải làm để tham gia vào xây dựng Đảng, động viên nhân dân đoàn kết.

Vừa ngày hôm trước tôi vào Bệnh viện 108, hỏi anh em bảo gia đình đưa anh ấy về nhà, để được mất ở nhà theo nguyện vọng của anh ấy. 3 giờ sáng nhận điện thoại cứ thấy sững sờ, sáng chạy lên nhà anh xem tang lễ thế nào. Bùi ngùi nhiều suy nghĩ, nhưng quy luật tuổi già, mình cũng đến lúc thế thôi…

(Nói đến đây giọng ông Phạm Thế Duyệt chùng xuống, nghẹn ngào và chúng tôi đã phải dừng cuộc phỏng vấn lại)

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị; nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam:

“Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (tháng 12/1997), anh Lê Khả Phiêu trở thành Tổng Bí thư của Đảng. Tôi được điều động sang làm Thường trực Bộ Chính trị, thay công việc của anh Phiêu. Các anh Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt trở thành Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương. Ở vị trí mới chúng tôi càng có điều kiện hàng ngày gắn bó với nhau. Trong quan hệ công việc chúng tôi có sự nhất trí rất cao trong nhiều vấn đề phải giải quyết. Những vấn đề lớn thuộc về nguyên tắc thì phải báo cáo Thường vụ, lúc bấy giờ không có Ban Bí thư, 5 đồng chí Thường vụ chỉ cần hội ý một tiếng buổi sáng chứ cũng chẳng cần họp nhiều nhưng xử lý công việc trôi chảy. Hàng ngày có việc gì trao đổi thì anh ấy đều thể hiện trách nhiệm lớn của Tổng Bí thư nhưng vẫn giữ tính nguyên tắc rất cao chứ không giản đơn. Mặc dù quyền của Tổng Bí thư lớn thật, nhưng có những vấn đề gì cần phải bàn thống nhất trong tập thể thì đều đưa ra Thường vụ. Việc gì cần thảo luận kỹ hơn thì đưa ra Bộ Chính trị. Trong nhiều việc anh Phiêu cùng tôi phải xử lý đều rất kịp thời, dứt khoát, đến đâu được đấy, không phải vướng mắc gì”.

 
Theo Đại Đoàn Kết
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.