Ẩn mình trong rừng sâu
Với mỗi chuyến đi, dường như tác phẩm của nhà văn Chu Lai lại được nối dài. Cứ tưởng, “Mưa đỏ” sẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng, ai ngờ sau cơn “Mưa đỏ” lại đến cơn “Gió xanh”. Nhà văn Chu Lai cho biết: “Thường ở tuổi tôi, người ta đã nghỉ ngơi rồi nhưng tôi cảm thấy nếu chỉ có hưởng thụ, cuộc sống dứt khoát bàng bạc vô nghĩa. Không hiểu sao, đến tuổi này, trong đầu tôi lại nảy nở ra nhiều cái để viết”. Có thể đó là cuốn cuối cùng, có thể chưa, nhưng tóm lại, muốn viết, nhà văn Chu Lai buộc phải tách khỏi sự nhiễu nhương của cuộc đời và không bực dọc với những phi lý vặt vãnh.
Nhà văn Chu Lai nghiệm ra, nên ẩn mình trong rừng sâu, vùi mình trong những lớp cát biển để chỉ sống với nàng thơ, âm thầm ăn ở với nàng văn, tạo ra những đứa con tinh thần. Ấy thế, ông vẫn có những chuyến đi hoàn toàn tách khỏi văn chương. Chuyến đi xuyên Việt năm 2016, ông đã mang theo vợ, nhà văn Trần Thị Hồng.
Nhà văn Chu Lai vẫn bảo đấy là chuyến đi nịnh vợ, chứ hâm nóng tình yêu thì nghe sến sẩm quá. Và chuyến đi ấy, ông đã có dịp thể hiện khả năng xử lý tình huống của mình vẫn còn rất nhanh nhẹn, với chiếc xe số tự động trị giá 370 triệu đồng, vừa mua được nhờ vào những ngày tháng còm cõi bên trang viết. Được thỏa chí tang bồng, có ngày nhà văn Chu Lai đi được 500 cây số khiến cho cánh lái xe chuyên nghiệp cũng phải lắc đầu.
Sau cuốn tiểu thuyết “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai vừa ra mắt bạn đọc cuốn “Gió xanh” |
Còn sống là còn đi
Nhưng hơn cả, chuyến đi này, ông đã đưa bà xã trở về chiến trường xưa của vợ, Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngoài việc đắm chìm trong những kỷ niệm, thậm chí có lúc rưng rưng khi được trở lại với những địa danh, đây thực là một chuyến đi lãng mạn như hai ông bà ngồi ăn gà chỉ trên đèo Le.
Những cảm xúc ấy nhằm giúp vợ ông, Đại tá Trần Thị Hồng trở lại với văn chương, sau 15 năm được điều động sang làm công tác tổ chức, quanh năm toàn làm báo cáo, nghị quyết. Còn nếu để nói là hâm nóng tình yêu, nhà văn Chu Lai sẽ chọn Đà Lạt, vừa lãng mạn trong những mùa hoa lại dễ làm lòng người lay động. Và cũng với Đà Lạt, ông đã viết “Nắng đồng bằng” như một lẽ tất yếu khi đến với mảnh đất và con người nơi đây.
Nhà văn Chu Lai là một phượt thủ lạ lùng bởi ông có thói quen, trước khi lên đường sẽ viết di chúc cho con cháu. Có thể, đó là thói quen của người lính trước khi lâm trận bao giờ cũng gửi gắm lại cho gia đình, hoặc ông cũng đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhiều điều ngộ nhỡ có thể xảy ra.
Tài sản để lại, nhà văn Chu Lai khoe có vài chục triệu là chuyện nhỏ, chứ miếng đất vài trăm mét bên Long Biên, ông cũng không ngại kể. Việc làm ấy cũng nhằm chuẩn bị cho sau này, để cậu con trai độc nhất không bị hẫng hụt, cuống quýt. Vẫn coi văn chương là một cuộc chơi nhưng ông cũng thú thực, nghề đã tạo ra niềm vui sống với ông.
Mỗi ngày trôi qua, với nhà văn Chu Lai nếu không neo được tâm hồn loạng choạng của mình vào trang giấy, ông sợ tấm thân mình còn xiêu vẹo hơn. Vì thế, ông lao vào viết. Những trang giấy trong căn phòng sáng tác chính là cái neo tâm hồn, tính cách ông vào cuộc đời. Nhà văn Chu Lai cho hay: “Khi nào tôi còn neo vào hơi thở cần lao, còn hết lòng yêu thương con người, tôi còn tạo cho nhịp điệu trái tim mình”. Và lẽ tất yếu, những chuyến đi phượt dài ngày, thích thì “xách ba lô lên và đi” cũng không ngừng lại. Còn sống là còn đi, còn sống là còn viết, nhà văn Chu Lai chắc chắn như vậy.