Không hiểu sao, đọc văn của Lê Xuân Khoa - tác giả cuốn tiểu thuyết “Lá rơi trong thành phố” và tiểu thuyết giả tưởng “Biển nhựa sống - Lời nguyền”, lúc nào tôi cũng thấy thánh thót âm nhạc trong tâm thức.
________________
Thứ âm nhạc trong văn Lê Xuân Khoa khi thì được anh miêu tả trực tiếp, khi lại ngân nga từ đoạn thắt nút này, mở nút kia, có lúc thiết tha như có một dàn hợp xướng trong những trang viết cao trào, vỡ òa cảm xúc. Lối viết ấy rất hiếm gặp, hoặc tôi mới chỉ gặp trong văn Lê Xuân Khoa.
Kể từ ngày cuốn sách đầu tiên “Lá rơi trong thành phố” được Lê Xuân Khoa trình làng năm 2012, đến nay tròn 10 năm anh đã sống với nghề viết.
Với một tác giả trẻ, 10 năm có 3 cuốn sách và 6 cuốn sách dịch thì hẳn không phải ngòi bút chạy theo trào lưu hay số lượng. Và chính anh cũng không thích “chạy xô”, sống nhanh, viết nhanh. Tất cả với Lê Xuân Khoa đều tự nhiên, như một cái duyên, không thể theo ý muốn đẩy nhanh hay chậm. Ba cuốn sách với ba thể loại, ba lối viết khác nhau chứng tỏ anh là một người viết có tâm hồn phong phú, đa góc nhìn.
Nhà văn Lê Xuân Khoa chia sẻ: “Viết lách là niềm đam mê, có người được trời phú cho năng lực cảm thụ hay ngôn ngữ rất dồi dào, nhưng muốn đi đường dài, nhà văn phải bồi đắp kiến thức, vốn sống, kỹ năng viết, học cách tư duy bố cục,… Muốn viết hay trước hết người viết phải nắm vững những yếu tố cơ bản như ngữ pháp, câu cú, phát triển vốn từ..., tiếp đó là tạo dựng phong cách, màu sắc riêng cho ngòi bút. Mỗi nhân vật, mỗi tình huống được tạo ra phải có vai trò, có tác động rõ ràng với cả bức tranh chung của cuốn tiểu thuyết, không nên dư thừa”.
Một yếu tố quan trọng nữa là cảm xúc. Với Lê Xuân Khoa, cuốn sách nào cũng phải được viết từ những cảm xúc và trải nghiệm chân thực.
Thực vậy, cuốn sách đầu tay năm 2012 “Lá rơi trong thành phố” Khoa viết đúng chất lãng mạn của tuổi trẻ, cảm xúc dạt dào, đến cuốn tiểu thuyết giả tưởng “Biển nhựa sống – Lời nguyền” năm 2020, nhiều người lầm tưởng chỉ toàn kịch tính, tưởng tượng hóa ra vẫn đầy thơ mộng, yêu thương và thậm chí cả “biển” nước mắt. Anh kể, cuốn này anh viết trong khoảng 6 tháng, gửi gắm tất cả tình yêu, khát vọng của bản thân. “Tiểu thuyết lãng mạn hay giả tưởng suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện chuyển tải, quan trọng là thông điệp, nội dung mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc, dù thể loại nào chăng nữa vẫn phải chân thực và sắc nét...”, Lê Xuân Khoa nói.
Điều đặc biệt nhất của Khoa là cách kể chuyện giản dị, thật thà như cuộc sống tự dệt nên, không hoa mỹ, kỹ thuật, hoặc hết thảy kỹ thuật đã được chuyển hóa vào bên trong sự tự nhiên đó. Ngay cả giả tưởng cũng rất thật. Giọng văn dễ chịu, dễ đọc, dễ gần với người trẻ. Từ hành trình trưởng thành của chàng trai Củ Đậu trong cuốn tiểu thuyết đầu tay đến cuộc phiêu lưu trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng gần đây nhất, tất cả Khoa đều kể một cách mộc mạc, hồn nhiên. Đan cài vào mạch văn lúc nào cũng là câu chuyện về âm nhạc. Chính Lê Xuân Khoa thừa nhận, âm nhạc thẩm thấu vào văn anh đậm nét.
Đọc văn anh thấy âm nhạc là chất liệu tuyệt vời xuyên suốt. Dù trong bất kỳ hình dạng hay trạng thái nào thì bao trùm thế giới mà Khoa tạo dựng luôn là một “biển nhựa sống” với thiện - ác, xấu - đẹp, hạnh phúc - khổ đau mà tất cả mọi người đang trải qua. Trong “Biển nhựa sống”, cuộc phiêu lưu của Trùm Bánh và Tâm là thế giới đầy màu sắc, âm thanh với bao la những điều kì diệu và lý thú mà nổi bật lên đó là nét trong sáng, hồn nhiên. Điều đó nằm ngay ở những tên gọi ngộ nghĩnh như Hoàng đế Hải Cẩu Lông Xù, Sói “khờ”, Lãnh chúa Chích Bông, Kỳ Nhông, Củ Chuối, lục địa Thân Sên… Cuốn sách khiến chúng ta xao động bởi những bài học nhỏ nhắn xinh xắn về tình bạn, lòng vị tha… rút ra từ mỗi chặng của cuộc phiêu lưu đi giải lời nguyền, đôi khi nhắc nhở chúng ta rằng chơi đàn hay làm việc gì cũng phải dồn hết tâm trí tâm lực: “... Mỗi loại đàn có nguyên liệu, kỹ thuật chế tác riêng. Nhưng dù là đàn gì thì người chơi đều phải tự tay tạo nên hình dạng cho nó, để cho một phần nhựa sống của mình theo những giọt mồ hôi thẩm thấu vào thanh âm mà nó phát ra...”.
Có độc giả phải thốt lên, mỗi bước đi của Trùm Bánh và Tâm giống như những nốt nhạc “tích tịch tình tang” nhảy nhót trên khuông nhạc, giai điệu ấy vui có buồn có, tưởng chừng như chỉ là những giai điệu vu vơ, không ăn nhập nhưng khi đọc hết tác phẩm mới vỡ lẽ đây chính là một bản giao hưởng hoàn chỉnh và hoành tráng. Sách của Khoa, không chỉ thanh thiếu niên yêu thích, mà cả những người từng trải cũng thấm thía.
Sau những giây phút sống hết mình với từng trang sách, nhà văn Lê Xuân Khoa còn sống hết mình với âm nhạc, với văn hóa truyền thống. Điều may mắn là anh được thỏa sức “bay” trong địa hạt văn hóa, vừa thưởng thức cảm nhận, vừa học hỏi và trình bày luôn những thể loại khó như hát xẩm, chèo, ca Huế...
Nhà văn Lê Xuân Khoa nói, những đam mê đó hỗ trợ rất nhiều cho nghề viết. Nó giúp anh tích lũy kinh nghiệm riêng, trau dồi vốn sống riêng. Anh có hiểu biết nhất định về âm nhạc nói chung, âm nhạc truyền thống và văn hóa truyền thống – điều này lý giải vì sao trong văn Khoa lúc nào cũng ngân nga tiếng đàn.
Lê Xuân Khoa kể, trước đây anh là cây văn nghệ, anh thích hát nhạc nhẹ, nhạc Hàn, Trung, Nhật..., có lúc hứng lên viết cả lời, như nhạc phim “You are the apple of my eye” được anh viết lời Việt là bài hát “Những năm tháng ấy” được khá nhiều người yêu thích. Rồi nhạc phim hoạt hình One Piece với bài hát “Bink’s Sake” lời Việt cũng thu hút cả triệu lượt xem trên Youtube....
Tám năm trở lại đây, nhà văn Lê Xuân Khoa có duyên đến với âm nhạc truyền thống và rồi phải lòng nó lúc nào chẳng hay. “Tôi có nhân duyên được “mon men” chạm vào âm nhạc truyền thống, được các tiền bối trao cho những chìa khóa cốt lõi ở một vài bộ môn, cộng với chút năng khiếu về âm nhạc sẵn có nên càng say. Tôi may mắn được chỉ giáo từ các bậc thầy kỳ cựu trong nghề như NSND Đoàn Thanh Bình, NSND Xuân Hoạch... Thế rồi cứ đắm chìm trong đó, tự nhiên có thêm nghề tay trái, khi là diễn giả, khi là MC...”, Lê Xuân Khoa vui vẻ kể.
Tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhà văn Lê Xuân Khoa đã hơn một lần đóng vai trò người chủ trì, dẫn chuyện xuyên suốt các chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống và văn hóa. Thậm chí, anh còn tham gia hát chèo, xẩm, ngâm thơ... ở nhiều chương trình nghệ thuật. Bên cạnh đó, anh là một trong những chủ xướng của phong trào đưa áo dài ngũ thân nam giới trở lại đời sống đương đại.
Lê Xuân Khoa cũng là “chú dế mèn” thích lang thang khám phá thế giới tâm thức con người.. Anh là dịch giả một số đầu sách của những bậc thầy tâm linh nổi tiếng thế giới như Osho, Krishnamurti. 6 cuốn sách dịch của anh lọt Top Best seller là Osho - Đức Phật, Cuộc đời và giáo huấn (2019), Osho - Đạo, Trạng thái và nghệ thuật (2019), Osho - Thiền, Lịch sử và giáo huấn (2019), Osho - Tantra, Con đường của sự chấp nhận (2019), Osho - Upanishad, Cốt tủy của giáo huấn (2019), Krishnamurti - Từ ánh sáng đến bóng tối (2020). Với Khoa, thế giới luôn bí ẩn và sâu sắc, càng khám phá càng thấy thú vị, động lực khám phá đó tạo nên chất liệu để anh có nhiều ý tưởng hơn trong lúc viết tác phẩm của mình.
Nói Lê Xuân Khoa hướng nội, chỉ đằm mình trong những câu ca chèo, tuồng, ví dặm hay ẩn mình trong thế giới tâm thức mới đúng một nửa. Bởi một nửa con người nữa, anh luôn theo sát, thậm chí đi trước, đón đầu những xu hướng mới, hiện đại. Một trong những xu hướng đó là audio books – sách nói online – một xu hướng xuất bản sách đang được ưa chuộng trên thế giới.
Cuốn sách “Lá rơi trong thành phố” Lê Xuân Khoa viết từ tháng 2/2012. Đến tháng 12/2012, anh bắt đầu đưa tác phẩm lên mạng dưới dạng truyện audio qua chính giọng đọc của mình. Sản phẩm được anh thu âm tại nhà. Anh cũng kiêm luôn vai trò xử lý âm thanh, biên tập âm nhạc.
Đến cuốn tiểu thuyết giả tưởng “Biển nhựa sống – Lời nguyền”, 468 trang sách tiếp tục được Lê Xuân Khoa dựng thành sách nói.
Anh kể, anh phải kì công sở hữu bộ thu âm chuyên nghiệp, card âm thanh, mic kết nối máy tính, rồi mày mò học cả phần mềm xử lý hậu kỳ, lọc nhiễu, chỉnh âm... Anh không dám nghĩ đến chuyện kiếm tiền nhờ nghề viết hay làm sách nói, chỉ đơn giản vì anh thích lĩnh vực media và muốn đưa tác phẩm đến gần những người không thể đọc bản sách in. Anh cũng thường đưa lên kênh Youtube cá nhân những đam mê riêng về văn hóa nghệ thuật để chia sẻ với công chúng, trong đó cả cả tiểu thuyết lẫn những làn điệu chèo...
Dù “nhúng tay” vào nhiều lĩnh vực nhưng Lê Xuân Khoa rất khiêm nhường và kiệm lời trên mạng xã hội. Với anh, được cống hiến thầm lặng cho độc giả, khán giả những tác phẩm tâm huyết của mình, thế là đủ!
Bài: Việt Đan
Thiết kế: Thúy Hà