1.
Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu đi vào con đường sáng tác bằng truyện ngắn. Cũng bởi là người có nhiều ý tưởng lớn, nên thể loại truyện ngắn hình như là tấm áo quá chật cho những nung nấu của ông. Có lẽ chính nhà văn cũng nhận ra điều ấy, nên sau một vài truyện ngắn như Một đêm, Rừng sâu thì Nguyễn Xuân Khánh dừng lại, ông cần đến những thể loại đủ sức chứa đựng những thông điệp lớn hơn. Không khuôn mẫu, sáo rỗng, không an toàn bình lặng, không trong veo mượt mà, dường như ông thích cả một bản giao hưởng chứ không vừa lòng với những ca khúc chứa đựng chỉ một nét giai điệu ám ảnh để người đời lẩm nhẩm hoặc huýt sáo...
Và rồi Nguyễn Xuân Khánh cũng bắt gặp một giai đoạn nháo nhào trong đời sống chính trị của mỗi cá nhân lẫn toàn cộng đồng, một đại sự kiện đã khiến cho không riêng ai mà cả một thế hệ trực tiếp hoặc gián tiếp bị treo bút. Điều tiêu cực đó xảy ra với ông theo cách riêng. Dù không phải chịu cảnh tù đày, cấm túc nhưng ông đã phải rời quân ngũ, chuyển sang viết báo rồi về hưu non.
Về hưu non, Nguyễn Xuân Khánh làm thợ may để sống. Tay nghề ban đầu chất chưởng cũng được nâng lên dần dần, và điều quan trọng là ông đã “thành danh” trong nghề kim chỉ dao kéo. Vừa làm thợ may, vừa nuôi lợn, vừa viết văn. Ông viết không một lúc nào ngừng nghỉ. Trong căn nhà lụp xụp lợp lốp cao su lẫn lá gồi lẫn giấy dầu, ông ngồi viết. Trong căn nhà ẩm thấp bên hồ nước trong làng Thanh Nhàn phía Chợ Mơ, ông ngồi viết. Trong ngôi nhà nghèo rỗng, đi bán máu kiếm tiền, ông ngồi viết…
2.
Rồi ngòi bút cũng được "tháo xiềng", Nguyễn Xuân Khánh trở lại với nhiều tác phẩm có sức bật, năng lượng sáng tạo dồi dào hơn. Dường như muốn chứng minh cho mọi người biết, là nhà văn, còn hơi thở là còn sáng tác. Ông say nghề, viết cho tới những năm cuối cuộc đời, đến khi sức khoẻ không còn cho phép ông mới thôi viết.
Bộ ba tiểu thuyết lịch sử của ông, là "Hồ Quý Ly", "Mẫu thượng ngàn" và "Đội gạo lên chùa" khi được công bố, sớm trở thành hiện tượng văn học, sách được tái bản nhiều kỳ, được trao nhiều giải văn học có giá trị.
Tiểu thuyết Hồ Quý Ly viết về cuộc sống và con người Việt ở thời trung đại, tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn viết về cuộc sống và con người Việt ở thời cận đại, Đội gạo lên chùa, viết về cuộc sống và con người Việt những năm từ khoảng 1946 đến khoảng 1980.
Nếu như ở Hồ Quý Ly, tác phẩm là tiếng khởi đầu kêu gọi đi tìm bản sắc Việt, và bản sắc đó không có trong sự đình trệ mà chỉ có thể tìm thấy trong sự biến động, trong sự cách tân, dù mỗi lần đổi mới đều là những cơn đau đẻ kinh hoàng. Thì, Mẫu Thượng ngàn là một đề nghị rụt rè về một cơ sở văn hóa nền tảng cho bầy đàn người Việt – mà theo tôi là “đạo Mẫu”. Và có lẽ vì thế mà, đến Đội gạo lên chùa, lời đề nghị của người kiến trúc sư tâm lý dân tộc đã bớt rụt rè để tập trung xây dựng hẳn một Ngôi Chùa Việt Nam viết hoa – một ngôi chùa được chứng thực suốt dọc lịch sử đương đại gần một thế kỷ của bầy đàn Việt.
Sinh thời, Nguyễn Xuân Khánh thường tìm chất liệu từ lịch sử, những giá trị văn hóa xưa cũ. Bởi thế, những tác phẩm sau này vẫn luôn chứa đựng những giá trị quý báu mà tự ông đã tìm tòi, khai phá, đúc kết được, nó như một mảng nổi bật riêng trong sự nghiệp của mình.
3.
Có những nhà văn, những tác phẩm ra đời để trả nợ quê hương, như Nguyễn Mộng Giác với Sông côn mùa Lũ, Xuân Đức với Người không mang họ… thì Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly cũng là một tác phẩm “trả nợ” văn chương, “trả nợ” cuộc đời.
Tôi vẫn còn nhớ, trang cuối khi khép lại Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã đúc kết lại “Con người sinh ra vốn độc hành, độc bộ”.
Và ông cũng đã lặng lẽ từ giã cõi đời ở tuổi 89, kết thúc hành trình mà trên con đường ấy mỗi riêng mình ông độc hành, độc bộ.
Lặng lẽ trong một ngày đất nước nhiều nỗi ồn ào.
Trong suốt mấy chục năm cầm bút, Nguyễn Xuân Khánh nhận nhiều giải thưởng như: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 cho “Hồ Quý Ly”, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 cho “Hồ Quý Ly”, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho “Mẫu Thượng ngàn”, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”.
Nguyễn Xuân Khánh được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời.