PV Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Nhung về những bí quyết cũng như vui buồn khi chị cầm máy.
PV: Thưa chị, chị có còn nhớ về ký ức lần đầu tiên được cầm máy ảnh trên tay?
NAG Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng): Vào năm lớp 9, bố có đưa cho tôi một chiếc máy ảnh du lịch để tôi chụp cả nhà trong một chuyến đi chơi. Khi về bố quên không lấy lại nên hễ rảnh là tôi cầm nó lang thang chụp phố xá, con người. Lén lút dùng được vài tháng, bố tôi phát hiện ra bèn thu lại máy để tôi tập trung học hành.
Những góc máy Hồng Nhung |
Lúc ấy tôi không hiểu được đam mê là thế nào, chỉ biết lòng mình thật trống vắng nếu không được chụp ảnh nữa. Chụp ảnh như một cuộc chơi của riêng tôi, ở đó tôi tò mò quan sát, khám phá thế giới.
Vậy chị đã làm thế nào để “thế giới” đem chiếc máy ảnh về bên chị?
À, ngay mùa hè hết lớp 9, mẹ cho tôi rèn luyện bằng cách gửi tôi làm thêm ở một cửa hàng bán quần áo, mỹ phẩm. Lương 3 tháng hè của tôi được 5 triệu đồng. Tôi dùng một nửa để mua một chiếc máy ảnh film, nửa còn lại “nhét lợn” để dành sau này mua máy ảnh kỹ thuật số.
Là một cô bé đã tự lực mua được chiếc máy ảnh mong ước, có phải lúc ấy chị đã xúc động nhiều lắm?
(Cười)… Lúc ấy tôi chỉ thấy khó thôi! Máy ảnh film rất khó dùng. Tôi trót mua vì nó rẻ hợp túi tiền rồi, phải cố sao cho dùng được. Mà thứ gì càng khó tôi càng muốn chinh phục, tôi cuối cùng đã “sống sót” với máy film, hiểu rõ hơn về kỹ thuật nhiếp ảnh.
Những góc máy Hồng Nhung |
Đến sau này khi mua chiếc máy ảnh số đầu tiên, tôi mới thông suốt: Nếu mình khởi đầu từ máy ảnh số thì sẽ lười nhác, dễ dãi với tấm ảnh của mình hơn. Chắc tại giá một cuộn phim đắt quá so với một cô bé. Mỗi khi giơ máy lên bấm tôi đều nghĩ ngợi, cân đo ánh sáng, tránh các chi tiết thừa...
Có phải từ ấy con đường trở thành một nhiếp ảnh gia của chị bằng phẳng hơn?
Tôi nghĩ là không đâu. Năm tôi lớp 10, gia đình tôi phá sản. Mọi kế hoạch tính trước cho tôi đều lung lay. Ví như bố mẹ từng định hướng cho tôi sang Úc học Marketing nhưng không còn đủ điều kiện. Tôi vốn thích những điều khác lạ, không phù hợp với môi trường đại học tại Việt Nam nên chọn sang Đức, ngành Công nghệ thực phẩm vì bên ấy miễn học phí. Cũng nghĩ việc tạo ra một thực phẩm mới sẽ rõ ràng hơn là nhiếp ảnh - một nghề đòi hỏi “máu nghệ thuật”.
Những góc máy Hồng Nhung |
Vậy bước ngoặt nào sau ấy khiến chị lại rẽ hướng về Việt Nam với đam mê của mình?
Tuổi 18, tôi đã trải nghiệm nhiều, làm bánh, kinh doanh thời trang, làm thêm công việc chụp ảnh tại một tiệm đồ da thiết kế, sang nước Đức học ngành Công nghệ thực phẩm… Chắc bởi dù ở Việt Nam, Đức hay bất cứ nơi đâu, tôi vẫn canh cánh trong lòng với máy ảnh, không ngại thử nộp hồ sơ các cuộc thi dành cho các nhiếp ảnh gia vùng Đông Nam Á và quốc tế. May mắn thay, tôi lọt vào vòng trong các cuộc thi Canon Photo Face-off Vietnam Champion Season 2 (2015) tại Philippines, Angkor Photo Festival 2016 Alumni tại Campuchia và Canon Photo Face-off Redemption (2018) tại Đài Loan. Hiện tôi là gương mặt hợp tác cùng thương liệu máy ảnh Leica năm 2019.
Những góc máy Hồng Nhung |
Mỗi cuộc thi đều cho tôi gặp gỡ, học hỏi biết bao bạn bè bốn phương, mở mang tư duy về nhiếp ảnh: Đây thực sự là một ngành công nghiệp lớn mà tôi chưa biết. Các anh chị đến đó đều là phóng viên các tờ báo lớn như The New York Times, The Washington Post... Tôi đã trăn trở câu hỏi mình đến đó tranh tài để làm gì? Liệu sau này có khi nào mình có sự nghiệp nhiếp ảnh như họ và tạo nên những giá trị.
Phải đến năm 2018, nhận thấy vùng Đông Nam Á phát triển rất nhanh, mình có đất để làm một điều gì đó, từ vô danh đến được công nhận, tôi mới mạnh dạn từ Đức về nước.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Nhung |
Luôn có những góc khuất phía sau những cơ hội, về Việt Nam theo đuổi con đường nhiếp ảnh, chị có phải đánh đổi nhiều không?
Theo đuổi một con đường không được định sẵn, vốn là sự đánh đổi rồi, đầu tiên là đánh đổi sự ổn định và an toàn, rồi đánh đổi lấy sự lo lắng từ những người thân yêu. Gia đình, sau cùng cũng chỉ mong muốn những đứa trẻ của mình có một cuộc đời hạnh phúc và sung sướng thôi mà. Còn bên ngoài, người ta sẽ nghi ngại nhiều hơn với những con đường lạ lẫm không theo chuẩn mực từ trước. Nói gia đình tôi từng cấm cản không, thì chắc chắn có, người thân từng khoá trái cửa chỉ để cho tôi không đi chụp ảnh. Mất một thời gian tôi mới thuyết phục được mọi người ủng hộ.
Vì sao chị lựa chọn chuyên tâm vào chụp ảnh thời trang cao cấp…?
Gia đình tôi có truyền thống làm ngành may mặc. Ngày nhỏ bố mẹ bận nên cho con ra xưởng vừa làm vừa trông, thành ra tôi vốn có sẵn cảm xúc với vải vóc. Nhiếp ảnh thời trang đòi hỏi tôi trở thành một người không lười biếng, luôn miệt mài nghĩ ý tưởng, hiểu sự tinh tế. Ngoài chụp thời trang, chân dung nhân vật cũng là thể loại tôi tập trung.
Mỗi người phụ nữ có một gương mặt, tính tình, phong cách… nhưng dường như qua ống kính Hồng Nhung, người phụ nữ nào cũng đẹp đẽ đáng yêu?
Nếu nói tôi yêu phụ nữ, cũng không sai chút nào. Tôi không thấy có người phụ nữ nào xấu. Hôm chụp bộ ảnh nhân “Ngày của Mẹ” tặng các gia đình, tôi nhìn những người chị, người mẹ, người bà ấy giống như chính những người phụ nữ trong cuộc đời tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường, mẹ dạy tôi sống tử tế và không được gục ngã trước khó khăn, mẹ của những người tôi chụp cũng vậy.
Đối với chị, chụp những người phụ nữ còn lạ lẫm ống kính sẽ khó hay dễ hơn chụp ảnh các hoa hậu, diễn viên, các nhân vật của công chúng?
Khó để tôi nói đâu khó, đâu dễ, nhưng có sự khác biệt rõ rệt về cảm xúc, cách thực hiện của tôi khi chụp mỗi nhân vật. Chụp người nổi tiếng rất nhanh, họ đã quen chụp ảnh rồi nên không ngại ngùng, lại có cả ekip đi theo hỗ trợ. Song, họ có định hướng hình ảnh rất chặt chẽ, khó có thể dễ dàng chấp nhận một ý tưởng đột phá cùng nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, việc thuyết phục những người nổi tiếng muốn thay đổi mình, từ hình ảnh đang bị đóng đinh, trở thành một hình ảnh mới là điều khiến tôi luôn hứng thú.
Về những người phụ nữ đời thường, tôi thích bởi họ như một tờ giấy trắng với nhiếp ảnh, họ sẽ cùng tôi viết lên đó những tấm ảnh chất chứa nội dung. Họ có thể có những khuyết điểm không hài lòng với bản thân nhưng tôi coi đó là vẻ đẹp khác biệt. Một vẻ đẹp vượt khỏi khuôn thước ngoại hình, là tâm hồn con người. Tôi thường nói chuyện, tìm ra điểm chung giữa mình và họ trong thường nhật như một món ăn, nơi chốn… từ ấy chụp dễ dàng hơn.
“Phái đẹp” theo nghề nhiếp ảnh ít nhiều vất vả, chị làm thế nào để vững bước?
Phụ nữ theo nhiếp ảnh có những vất vả nhất định: Sức nặng của thiết bị, lăn lộn đi đến những địa điểm hiểm trở và thời tiết phức tạp, đôi khi xa nhà vài tháng không được về, thức đêm không ngủ, có khi mỗi buổi chụp dài 8 - 10 tiếng tập trung không để tâm tới ăn… Nhưng ngành nghề nào cũng có khó khăn riêng mà, nếu ngại vất vả thì tốt nhất chúng ta không nên làm gì cả.
Nhiếp ảnh “mưa dầm thấm lâu” ăn sâu vào tôi, trở thành niềm đam mê sâu sắc. Chính gia đình cũng là động lực để tôi cố gắng hơn mỗi ngày. Tôi là chị cả, là hình ảnh của hai em gái nhỏ luôn hướng đến, các bé không thể thấy người chị lớn thất bại phải không?
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện, chúc chị luôn sức khỏe và thành công!