Ông Lacroix nhấn mạnh Việt Nam đã điều quân tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ từ năm 2014 và kể từ đó, luôn có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực này. Việt Nam lần đầu tiên triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 cho phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) vào tháng 10/2018. Tính tới nay, Việt Nam đã đóng góp 75 binh sĩ (trong đó có 16 binh sĩ nữ) và đứng thứ 62 trong các nước thành viên LHQ về số lượng binh sĩ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Hiện các binh sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại phái bộ của LHQ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Việt Nam cũng cam kết sẽ sớm cử quân tham gia làm nhiệm vụ trong Lực lượng an ninh lâm thời của LHQ tại Abyei, khu vực có tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan.
Phó Tổng Thư ký LHQ Lacroix đánh giá bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan đã đóng vai trò quan trọng trong sự thành công chung của phái bộ LHQ tại quốc gia châu Phi này, đảm bảo sức khỏe và điều kiện y tế cho lực lượng cán bộ, binh sĩ gìn giữ hòa bình của LHQ, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành. Bên cạnh khám chữa bệnh, các y, bác sĩ quân y của Việt Nam còn tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức về các vấn đề lớn như đại dịch COVID-19, HIV/AIDS và bạo lực giới tại địa bàn.
Ông Lacroix đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, nỗ lực, hy sinh của các binh sĩ Việt Nam khi phải thực hiện nhiệm vụ trong những môi trường khó khăn, đồng thời bày tỏ tiếc thương trung tá Đỗ Anh, người đã thiệt mạng đầu năm nay trong khi đang làm nhiệm vụ ở phái bộ LHQ tại CH Trung Phi.
Phó Tổng Thư ký LHQ Lacroix đưa ra những đánh giá về Việt Nam nhân dịp LHQ phát động chương trình truyền thông quốc tế với chủ đề "Gìn giữ hòa bình LHQ - Sứ mệnh và sự hy sinh" nhằm tôn vinh và tri ân các nước đã cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong những năm qua.
Việt Nam cũng là nước đã tán thành sáng kiến Hành động vì gìn giữ hòa bình (A4P) của Tổng Thư ký LHQ với mục tiêu tập trung hoạt động gìn giữ hòa bình vào các nhiệm vụ mang tính mục tiêu, thực thi các hoạt động mạnh mẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các binh sĩ, đồng thời vận động ủng hộ các giải pháp chính trị cũng như thành lập các lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt hơn tại các quốc gia liên quan.
Kể từ năm 1948 tới nay, hơn một triệu binh sĩ từ nhiều quốc gia đã tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, nhằm hỗ trợ người dân trên khắp thế giới. Các binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nói ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả cùng chung một mục đích: đó là bảo vệ các cộng đồng yếu thế và hỗ trợ các quốc gia đang trong quá trình chuyển tiếp từ thời chiến sang thời bình.
Tính đến nay, đã có hơn 3.500 binh sĩ từ nhiều quốc gia khác nhau đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ./