Khi Otin còn nhỏ, bãi biển trước nhà cô ở Labuan, phía tây đảo Java, sạch đến mức có thể nhìn thấy cát trắng ẩn dưới làn nước lấp lánh nắng.
Hiện là một bà nội trợ 42 tuổi kết hôn với một ngư dân địa phương, Otin đã không còn nhớ lần cuối được thấy bãi cát trắng thiên đường mà cô từng chơi khi còn nhỏ là khi nào, thay vào đó là những đống rác nhựa đầy màu sắc. “Mỗi lần thủy triều lên sẽ có hàng tấn rác trôi dạt tới tận sân trước nhà tôi”, Otin nói.
Hầu hết các loại rác thải nhựa, từ túi nilon, giấy gói thực phẩm đến đồ chơi, đều quá cũ kỹ để có thể xác định được, khiến người dân không biết rác thải đến từ đâu. “Chính quyền địa phương thường cảnh báo chúng tôi không được vứt rác trên bãi biển”, Otin nói. “Có vẻ như họ đang đổ lỗi cho chúng tôi.”
Otin nói thêm rằng cô chưa bao giờ xả rác trên bãi biển và tất cả cư dân trong khu vực đều trả tiền để rác được thu gom hàng tuần và xử lý tại bãi rác.
Otin cho biết bãi biển nơi cô đang đứng từng chỉ toàn cát trắng. Ảnh: Nikkei Asia |
Người phụ nữ này cho rằng chính khu chợ gần đó, vốn nằm ở phía đối diện với bờ biển, là nơi thải ra cơ man rác. Nhưng khối lượng rấc khổng lồ tràn vào bờ biển Labuan hàng ngày cho thấy vấn đề sâu rộng hơn.
Trong vài thập kỷ qua, Indonesia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á đã trở thành nơi đổ rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới thông qua các giao dịch “buôn bán rác thải”, một hoạt động buôn bán vẫn tồn tại dai dẳng bất chấp những nỗ lực ngăn cấm.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, mặc dù là nơi sinh sống của chưa đến 9% dân số thế giới nhưng các nước ASEAN đã nhận 17% lượng rác thải nhựa nhập khẩu của thế giới từ năm 2017 đến năm 2021. Tổ chức Greenpeace cho biết chỉ riêng từ năm 2016 đến 2018, khu vực này đã chứng kiến lượng rác thải nhựa nhập khẩu tăng 171%, lên 2,26 triệu tấn.
Hoạt động nhập khẩu bất hợp pháp này đã khiến Đông Nam Á trở thành khu vực có lượng rác thải nhựa đại dương lớn nhất thế giới, phần lớn là do hệ thống sông ngòi, đường bờ biển dài cũng như các quy định và quản lý môi trường yếu kém trong khu vực.
Có tới 6 trong số 10 quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương lớn nhất thế giới đến từ Đông Nam Á vào năm 2021, theo số liệu từ nhà nghiên cứu của Lourens J.J. Meijer, người đứng đầu bộ phận dữ liệu và giám sát tại tổ chức The Ocean Cleanup của Hà Lan.
Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu, riêng Philippines tạo ra 356.371 tấn mỗi năm. Nhìn chung, châu Á tạo ra hơn 80% rác thải nhựa đại dương toàn cầu và là nơi sinh sống của gần 60% dân số thế giới.
Trong nhiều thập kỷ, tái chế nhựa đã qua sử dụng được quảng bá như một giải pháp kinh doanh và quản lý chất thải ở các nước phát triển như một phần trong nỗ lực tạo ra nền kinh tế tuần hoàn, dựa vào việc tái sử dụng vật liệu để tăng cường tính bền vững.
Nhưng các nhà phê bình hiện đang ngày càng chỉ ra rằng, không giống như kim loại, nhựa không thể được tái chế vô thời hạn và phần lớn rác thải nhựa vốn được nhập khẩu để tái chế thay vào đó chỉ đơn giản là được thải bỏ, gây gánh nặng cho các quốc gia nhập khẩu. Kết quả là, hàng triệu tấn rác thải không thể xử lý được đã đổ về các nước đang phát triển, thậm chí không thể tự xử lý rác thải của mình.
Ông Jim Puckett, giám đốc điều hành của Mạng lưới hành động Basel cho biết trong một hội thảo trực tuyến gần đây: “Hãy nghĩ đến những con tàu miệt mài trên biển chỉ để đi từ nước giàu đến nước nghèo, phát thải khí nhà kính chỉ để đổ rác thải”.
"Động lực chính của việc buôn bán rác thải là sự kết hợp của các từ như tái chế và nền kinh tế tuần hoàn. Mọi người nghĩ rằng đó là một hộ chiếu xanh nếu chỉ nói tái chế và loại bỏ nó, nhưng tái chế, giống như bất kỳ hoạt động công nghiệp nào, đầy rẫy những thách thức", ông Puckett chỉ ra.
Các container chứa đầy rác thải nhựa tại Malaysia. Ảnh: AP |
Đối với các nước giàu, xuất khẩu rác sang Đông Nam Á giúp tiết kiệm tiền để xử lý rác thải. Trớ trêu thay, các khu vực pháp lý có quy định môi trường khắc nghiệt nhất lại là một trong những nơi xuất khẩu chất thải lớn nhất sang các nước nghèo.
Theo báo cáo tháng "Unwaste" của Liên Hợp Quốc vào tháng 4, mặc dù sẽ có thay đổi vào năm 2025 với lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn sang các nước không thuộc tổ chức OECD, nhưng Liên minh châu Âu vẫn là khu vực xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng lượng rác thải xuất khẩu.
Thậm chí, ông Masood Karimipour, đại diện Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) tại Bangkok khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, gần đây đã nói với các phóng viên ở Thái Lan: “Đây là một hoạt động tội phạm có lợi nhuận cao, rủi ro thấp đang diễn ra dưới sự giám sát”. Vị quan chức Liên Hợp Quốc cho biết các hành vi vi phạm thường liên quan đến gian lận và khai báo sai dữ liệu hải quan tại nước nhập khẩu.
Tổ chức Interpol mô tả hoạt động buôn bán rác thải nhựa bằng thuật ngữ “tội phạm ô nhiễm”. Trong một báo cáo năm 2022, Interpol đã xác định được một "mối liên hệ" với tội phạm có tổ chức:
“Sự liên quan này, bản chất và ý nghĩa của nó cần được cộng đồng thực thi pháp luật quốc tế hiểu rõ hơn để phát triển các chiến lược thực thi pháp luật có mục tiêu có thể phá vỡ mạng lưới tội phạm đằng sau hoạt động buôn bán chất thải bất hợp pháp và các tội phạm ô nhiễm khác".
Theo Ủy ban Châu Âu, doanh thu được tạo ra từ hoạt động kinh doanh rác được quản lý chỉ riêng ở EU đã lên tới 9,5 tỷ euro mỗi năm. Phần lớn trong số này bao gồm các khoản phí do chính quyền thành phố trả cho các công ty tư nhân để tái chế ở các nước phát triển.
Tuy nhiên, việc loại bỏ chất thải có thể quá đắt hoặc phức tạp để tái chế, nhưng không được đính kèm với quy định xử lý có trách nhiệm. Các nước giàu chỉ đơn giản chuyền quá bóng sang cho các nước nghèo.
Ví dụ, dữ liệu về Philippines cho thấy sự chênh lệch đáng kinh ngạc về lượng rác thải nhựa “được quản lý sai”, nghĩa là rác không được tái chế, đốt hoặc lưu trữ trong các bãi chôn lấp kín, giữa Đông Nam Á và phương Tây.
Theo Our World in Data, lượng rác thải tính trên đầu người ở Philippines từ năm 2019 là 37,23 kg, cao nhất thế giới, so với mức 0,81 kg mỗi người ở Mỹ. Nghịch lý là Philippines chỉ sản xuất 0,07 kg rác thải nhựa mỗi người mỗi ngày, ít hơn 5 lần so với Mỹ.
Phân tích Our World in Data năm 2021 của nhà khoa học dữ liệu Hannah Ritchie lưu ý rằng 7 trong số 10 con sông phát thải nhựa lớn nhất thế giới là ở Philippines. Chỉ riêng sông Pasig đã góp phần gây ra 6,43% lượng rác thải nhựa của thế giới. Sông Klang ở Malaysia đứng thứ hai với 1,33%.
Do chưa có đủ luật chống buôn bán rác thải cũng như ngân sách của chính phủ để giải quyết tình trạng này, nhiệm vụ xử lý các núi rác thải nhựa ở Đông Nam Á thường thuộc về người dân địa phương, như cư dân của bãi biển Labuan như Otin.
Ading, một ngư dân 40 tuổi và là hàng xóm của Otin, cho biết rác đang ảnh hưởng đến sinh kế của ông. “Mỗi lần trước khi ra khơi đánh cá, tôi đều phải dọn sạch rác bám vào chân vịt thuyền của mình”, ngư dân này bức xúc. “Chúng tôi không thể làm gì với rác thải từ biển, nó cứ tiếp tục tràn tới. Vì thế chúng ta phải liên tục dọn dẹp".
Ảnh hưởng lan rộng
Hiện chưa rõ bao nhiêu rác thải nhựa ở Đông Nam Á có nguồn gốc từ bên ngoài khu vực. Điều rõ ràng là các nước ASEAN không có khả năng tự xử lý rác, còn các nước bên ngoài đang làm trầm trọng thêm vấn đề đó bằng việc xuất khẩu rác không thể tái chế.
Về số lượng, nhựa thải chiếm chưa đến 5% tổng lượng rác thải được vận chuyển trên toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2022 và có giá trị khoảng 20 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nó gây ra thiệt hại môi trường cao hơn nhiều so với các loại chất thải khác, bao gồm cả kim loại và giấy.
Quy định lỏng lẻo được cho là nguyên nhân chính của vấn đề. “Một trong những lý do tại sao buôn bán rác thải có rủi ro thấp là vì ở nhiều quốc gia, pháp luật không có quy định tội danh hình sự mà chỉ là trách nhiệm dân sự và hành chính”, ông Karimipour, đại diện UNODC, cho biết.
Vấn đề rác thải nhựa ở Đông Nam Á không phải hề mới. Năm 2010, Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt của Indonesia đã công bố nhiều hình ảnh kinh hoàng về ba container vận chuyển từ Đức chất đầy bao cao su đã qua sử dụng.
Vấn đề rác thải nhựa trong khu vực trở nên trầm trọng hơn sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa và rác thải điện tử từ đầu năm 2018 vì phần lớn trong số đó không thể tái chế và gây ô nhiễm. Vào thời điểm đó, Trường Giang vào thời điểm 2018 là con sông ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc đã nhập khẩu gần một nửa số nhựa và thiết bị điện tử phế thải trên thế giới.
“Lệnh cấm nhập khẩu chất thải của Trung Quốc khiến Đông Nam Á trở thành mục tiêu của những kẻ buôn bán chất thải bất hợp pháp", ông Karimipour cho biết.
Tại Lào, quốc gia không giáp biển và không có ngành tái chế rác phát triển, lượng rác thải nhựa nhập khẩu đã tăng hơn 25 lần từ năm 2017 đến năm 2019.
Tổ chức Greenpeace vào năm 2019 đã kêu gọi áp dụng lệnh cấm ngay lập tức tất cả việc nhập khẩu chất thải nhựa, ngay cả những chất thải nhựa để “tái chế” và yêu cầu tất cả các nước ASEAN phê chuẩn Văn kiện sửa đổi Công ước Basel, được các quốc gia thành viên OECD, EU và Liechtenstein ký năm 1994 để cấm vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại.
"Ác mộng" nhựa của Myanmar
Myanmar, một quốc gia chìm đắm trong cuộc nội chiến suốt ba năm qua, đã tràn ngập rác thải nhựa nhập khẩu. Sông Irrawaddy hùng vĩ đang trở thành nguồn phát thải nhựa hàng đầu thế giới.
Nhựa phế thải có thể được tìm thấy trên khắp Myanmar, nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn ở Yangon, thủ đô cũ vẫn là trung tâm thương mại và thành phố lớn nhất của đất nước, với các khu công nghiệp gần đó.
Rác thải được vận chuyển qua biên giới Thái Lan đến các cơ sở tái chế tại ba khu công nghiệp tại Shwepyitha, Wartayar và Thhardukan.
Những người thu gom rác thải ở Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP |
Về lý thuyết của các nhà nhập khẩu rác tại Đông Nam Á, nhựa nước ngoài thường có chất lượng cao hơn so với nhựa trong nước và do đó phù hợp hơn để tái chế. Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể rác không thể tái chế, dù chỉ một lần, lại nằm trong các bãi chôn lấp hoặc bị đốt cháy.
Theo Myanmar Recycles, công ty điều hành nhà máy tái chế nhựa thương mại đầu tiên tại Yangon, Myanmar đã tạo ra 3.750 tấn rác thải nhựa mỗi ngày. Tại thị trấn Shwepyitha, các bãi rác bao gồm sân bóng đá và các khu vực cây xanh cũ khác, làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Myanmar có các quy định về môi trường, nhưng tác động của chúng không đáng kể: Nước này đã ký Công ước Basel vào năm 2015 và dự kiến sẽ ký Quy trình vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và các chất thải khác sau khi hoàn tất. Luật đầu tư của Myanmar nghiêm cấm các hoạt động kinh doanh liên quan đến chất thải độc hại và hình phạt vi phạm Luật Bảo tồn Môi trường có thể lên tới 5 năm tù và 2 triệu kyat (949 USD) tiền phạt. Nhưng ở hầu hết mọi nơi, hình phạt đối với tội buôn bán nhựa không đáng kể.
UNODC lưu ý trong báo cáo "Unwaste": “Ngành chất thải có nguy cơ tham nhũng cao do tính phức tạp của hoạt động buôn bán chất thải, rủi ro bị phát hiện thấp và ở một số khu vực pháp lý, hình phạt không đáng kể đối với các vi phạm về chất thải”.
Trong khi các nhà phê bình cho rằng hải quan Thái Lan thường lỏng lẻo trong việc kiểm tra các container, thường cho qua nếu thủ tục giấy tờ có vẻ hợp lệ, nội các của cựu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã quyết định cấm hoàn toàn tất cả rác thải nhựa nhập khẩu vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, có 14 nhà máy tái chế trong khu vực miễn thuế cần phải loại bỏ dần nếu không sẽ dẫn đến nhiều trường hợp ngoại lệ được cấp phép.
“Lệnh cấm của Thái Lan sẽ có một lỗ hổng lớn, nó sẽ không hạn chế dòng chất thải nhựa lớn được gửi đến nước này để quá cảnh sang Myanmar”, theo tổ chức Lighthouse Reports, cơ quan tiên phong về hợp tác báo chí tập trung vào di cư, khí hậu, xung đột và tham nhũng , cho biết vào đầu năm nay.
Thái Lan từ năm 2017 đến năm 2022 là nước xuất khẩu rác thải nhựa lớn thứ 10 thế giới và lớn nhất trong ASEAN, theo dữ liệu của UN Comtrade. Trong khi đó, Malaysia là nước nhập khẩu lớn thứ 4 toàn cầu, Việt Nam ở vị trí thứ 9. Việt Nam hiện hy vọng sẽ thực hiện lệnh cấm nhập khẩu tương tự như Thái Lan vào cuối năm 2025.
Nỗ lực quản lý
Sau lệnh cấm của Trung Quốc vào năm 2018, dòng chất thải chảy vào Đông Nam Á đã nhanh chóng gây ra sự phẫn nộ nhưng phần lớn đã tan biến. Vào thời điểm đó, Philippines đã trả lại 69 container cho Canada và Malaysia từ chối 450 tấn rác thải nhựa từ nhiều quốc gia khác nhau.
Vào tháng 7 năm 2018, Campuchia phát hiện 70 container vận chuyển từ Mỹ và 13 container từ Canada chứa đầy rác thải nhựa tại cảng Sihanoukville.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường nước này cho biết vào thời điểm đó: “Campuchia không phải là thùng rác nơi nước ngoài có thể xả rác thải điện tử đã lỗi thời và chính phủ cũng phản đối mọi hoạt động nhập khẩu chất thải nhựa và chất bôi trơn để tái chế ở nước này”.
Không lâu sau, Indonesia đã gửi 8 container rác thải không thể tái chế, bao gồm cả tã bẩn, từ Surabaya trở lại Australia và 49 container khác đã được trả lại cho nhiều quốc gia khác nhau.
EU đang tài trợ cho "Unwaste", một dự án kéo dài ba năm hợp tác với UNODC và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), để chống buôn bán rác thải giữa EU và Đông Nam Á.
Quy định về vận chuyển chất thải được Ủy ban Châu Âu đề xuất lần đầu tiên vào cuối năm 2021 sẽ được Nghị viện châu Âu thông qua vào cuối tháng này. Nó bao gồm lệnh cấm xuất khẩu chất thải sang các nước thứ ba và đặc biệt là cấm vận chuyển chất thải nguy hại sang các nước không thuộc OECD, trừ khi được cho phép cụ thể.
Các đối tác khu vực của dự án, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, là 4 trong số 10 thành viên của ASEAN nhưng nhận hơn 90% lượng rác thải nhựa nhập khẩu hợp pháp của khu vực.
Đối với người dân Bãi biển Labuan ở Indonesia, giải pháp không thể đến sớm được.
“Tôi đã từ bỏ và đầu hàng trước hoàn cảnh của mình. Thật vui khi thấy những bãi biển khác tràn ngập khách du lịch. Tất cả những gì chúng tôi nhận được chỉ là rác rưởi", Otin nói khi đứng cạnh một ụ rác thải nhựa đầy bùn, cách cửa nhà cô chưa đầy 100 m.