Bộ khung bê tông của một trong những tòa nhà cao tầng do người Trung Quốc đầu tư nằm trên mảnh đất thuộc sở hữu của giáo viên tiểu học 51 tuổi Pan Sombo.
“Điều này thật khó tưởng tượng được”, ông Pan Sombo nói khi nhìn lên một tòa nhà cao tầng đã bị bỏ xó nhiều năm.
Một nhà đầu tư Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra đề xuất xây chung cư 10 tầng vào năm 2019, đúng thời điểm Campuchia đang trải qua thời kỳ bùng nổ bất động sản chưa từng có. Nhà đầu tư muốn sử dụng khoảng 750 m2 đất trống của vị giáo viên này.
Với lời hứa rằng tòa nhà sẽ được hoàn thành vào năm 2021 và tạo ra khoảng 20 triệu riel (5.000 USD) mỗi tháng - gấp 10 lần thu nhập của giáo viên, ông Pan Sombo đã đồng ý với dự án.
Khi đại dịch COVID-19 ập đến, nhà đầu tư này về Trung Quốc và nói rằng không thể quay lại Campuchia. Đó là lần cuối cùng ông Sombo nói chuyện với vị chủ đầu tư kia.
Sihanoukville không thiếu những dự án bị bỏ dở như vậy. Theo chính quyền thành phố, có khoảng 360 tòa nhà chưa hoàn thiện và khoảng 170 tòa nhà khác đã hoàn thành nhưng vẫn để trống.
Với vị trí đắc địa bên bờ biển Vịnh Thái Lan, nền kinh tế Sihanoukville bùng nổ vào giữa những năm 2010 trước làn sóng vốn đến từ Trung Quốc. Mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của Campuchia phù hợp với Sáng kiến Vành đai và Con đường - dự án phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới của Trung Quốc.
Tập đoàn bất động sản Prince của Campuchia đã bắt đầu một loạt dự án xây dựng, bao gồm một khách sạn sang trọng và một trung tâm mua sắm. Sihanoukville được mệnh danh là Macao thứ hai khi hàng chục sòng bạc mọc lên.
Rồi đại dịch ập đến. Theo Bộ Du lịch Campuchia, năm ngoái nước chỉ thu hút khoảng 550.000 du khách Trung Quốc, giảm 77% so với năm 2019. Chỉ có 15.754 hành khách đến sân bay quốc tế Sihanoukville vào năm ngoái, giảm 98% so với năm 2019.
Điều này hoàn toàn trái ngược với sự phục hồi du lịch ấn tượng ở Siem Reap, nơi được biết đến với quần thể đền Angkor Wat cổ - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Dòng tiền quay trở lại Sihanoukville một cách chậm chạp sau đại dịch do chính phủ Campuchia kiểm soát các sòng bạc và đà suy thoái của ngành bất động sản tại Trung Quốc. Theo ước tính của chính phủ Campuchia, sẽ cần thêm 1,1 tỷ USD đầu tư bổ sung để hoàn thiện các tòa nhà còn dang dở ở Sihanoukville.
Vào tháng 1, Thủ tướng Hun Manet đã công bố giảm thuế và ưu đãi đối với các đơn xin cấp phép nhằm khuyến khích các nhà đầu tư "giải cứu" các tòa nhà ở Sihanoukville.
Nhưng với nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng chậm, những biện pháp đó sẽ gặp khó khăn để phát huy hiệu quả, theo ông Ky Sereyvath, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Hoàng gia Campuchia.
Các nhà đầu tư Trung Quốc từng đổ tiền vào các nước châu Á láng giềng, khiến những nước này cảm nhận rõ đà suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. Campuchia không phải là ví dụ duy nhất.
Cuộc khủng hoảng nợ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings đã lan sang Malaysia, nơi số phận của khu phát triển khu phức hợp trị giá 100 tỷ USD ở bang Johor đang trong tình trạng bấp bênh.
Campuchia phụ thuộc nặng nề vào dòng vốn từ Trung Quốc. Năm 2022, Hội đồng Phát triển Campuchia đã phê duyệt khoản đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 1,9 tỷ USD. Khoảng 90% trong số đó đến từ Trung Quốc.
Ông Long Dimanche, phó thống đốc tỉnh Preah Sihanouk, cho biết Sihanoukville cần đa dạng hóa cả ngành công nghiệp và các quốc gia đầu tư để có nền kinh tế năng động hơn. Chính phủ Hun Manet đã thể hiện sự cởi mở trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng, giám đốc một công ty xây dựng Campuchia cho biết: “Thật khó để lấp đầy khoảng trống do doanh nghiệp Trung Quốc để lại bằng các khoản đầu tư từ các nước khác”.