Thầy giáo Lê Văn Mạnh bắt nhịp cho các bé đọc bài thơ "Quê em ở Trường Sa". Ảnh: L.A |
Bé Đoàn Kim Vi Sa, 4 tuổi, được sinh ra ở đảo Song Tử Tây và mẹ. Ảnh: L.A |
Đảo Song Tử Tây, cực bắc của quần đảo Trường Sa, là điểm đến đầu tiên của đoàn công tác số 10 chúng tôi hồi cuối tháng 4 vừa qua. Hòn đảo xinh tươi này đã khiến các thành viên trong đoàn chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì sức sống mãnh liệt của nó. Nằm ở giữa biển khơi, từ xa chúng tôi đã thấy hòn đảo này xanh mướt màu xanh của cây phong ba, bão táp, bàng vuông. Khắp đảo rực rỡ màu đỏ của những chùm hoa giấy giăng mắc quanh khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo.
Biết hôm nay có khách, các em tự dậy sớm, bắt bố mẹ cho mặc quần áo đẹp nhất để đón khách. Ảnh: L.A |
Có lẽ đây cũng là đảo có nhiều gia đình sinh con thứ hai tại đây nhất so với các đảo khác ở Trường Sa, chiếm tỉ lệ gần 70%. Đó là các bé Đoàn Phúc Vi Sa, Nguyễn Thị Kim Yến.... đều 4 tuổi. Các bé được sinh ra trong vị mặn mòi của biển cả, được ru hời trong tiếng rì rào của biển cả nên hầu hết khỏe mạnh, không mấy khi ốm đau. Tháng 7 tới, các em sẽ cùng gia đình trở về đất liền, mang theo cả tuổi thơ của vùng biển xinh đẹp này đi theo suốt cuộc đời các em.
5 khối học chung một lớp
Đặc điểm chung lớp học ở Trường Sa là các học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều học chung một lớp và chỉ có một thầy/cô giáo đảm nhiệm. Từ lớp 6 trở đi, các em được gửi về đất liền học.
Dịp tôi ra thăm Trường Sa năm 2010, đến dự giờ học của cô giáo Nhung ở đảo Trường Sa Lớn, tôi ngỡ ngàng vì cách dạy sáng tạo của cô. Cô chia lớp làm hai nửa. Nửa đầu lớp là các em học lớp 1,2,3, nửa cuối lớp là lớp 4,5. Hai nửa lớp quay lưng lại nhau để các em có thể tập trung học bài, cũng như trình độ học tương đồng.
Lớp học của thầy giáo Lê Văn Mạnh ở đảo Song Tử Tây không thế, nhưng gọn gàng và có nhiều đồ dùng, dụng cụ học tập hơn. Có lẽ ngày càng nhiều người đi thăm Trường Sa và ai ai cũng muốn tặng một chút gì đó cho các em nhỏ ở đảo xa, nơi còn thiếu nhiều trang thiết bị học tập cao cấp.
Các em nhỏ ở đảo Song Tử Tây mân mê hộp bút màu được tặng. Ảnh: L.A |
Dịp này, một số nhà báo được các cô giáo tại trường dạy tiếng Việt Hoa Ban ở Berlin (Đức) tin cậy nhờ mang giúp các món quà của họ cho các em nhỏ ở Trường Sa. Đó là các bộ bút màu, sáp màu các loại cho các em tập vẽ. Các bé thích lắm, cứ mân mê bộ bút màu mãi không thôi.
Thầy Mạnh cho biết, các em rất ngoan, luôn nghe lời thầy. " Các em sáng dạ, học tốt. Tôi yên tâm vì biết chắc rằng, khi về đất liền các em sẽ theo kịp các bạn cùng trang lứa," thầy Mạnh chia sẻ.
Búp bê Nga, bowling ở Trường Sa
Các em bé sống ở Trường Sa đều chơi với nhau thân thiết như anh em trong một gia đình. Thường đứa lớn nhất được coi như chị cả hoặc anh cả, các em răm rắp nghe theo. Thế nhưng, các anh chị lớn cũng hay nhường các em nhỏ.
Các em nhỏ ở đảo Trường Sa thích thú chơi xếp hình. Ảnh: L.A |
Hôm chúng tôi tới thăm đảo Trường Sa Lớn đúng vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, các em được nghỉ học. Lớp học đóng cửa, nhưng phòng vui chơi vẫn mở. Một nhóm các bé trai mang bộ xếp hình bằng tiếng Việt và tiếng Anh hí húi cùng nhau xếp, rồi bàn luận sôi nổi.
Lần đầu tiên các bé được chơi búp bê Nga. Ảnh: L.A |
Một nhóm các em gái mang đồ chơi, búp bê ra ngoài hiên chơi. Tôi thấy các em say sưa tháo lắp những con búp bê gỗ của Nga (matrioska). Một số em bé cứ há hốc mồm xem các chị lớn xoáy mở từng con búp bê lớn và con búp bê nhỏ hơn xuất hiện bên trong. "Thú vị lắm cô ạ. Con cứ mở ra, mở ra và lại thấy con bé hơn. Đây là lần đầu tiên trong đời con được chơi búp bê thế này," một bé cười nói với tôi.
Xếp hàng để chơi bowling. Ảnh: L.A |
Ngay trước lớp học là sân chơi khá nhiều đồ chơi ngoài trời như xích đu, đu quay, bập bênh... Một nhóm các em nhỏ đang hò hét nhau ném bowling rất vui nhộn. Trong lòng tôi chợt trào dâng hạnh phúc vì nơi đây cách xa đất liền hàng ngàn hải lý, nhưng các em luôn ấm áp bởi các món quà từ đất liền.
Dịp 1/6 này, dù không được tham dự các lễ hội thiếu nhi ồn ào nơi phố thị hay thôn quê, nhưng chắc hẳn các em sẽ không thiếu niềm vui từ những món quà từ các đoàn công tác mang ra cho các em hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua.