Từ cú sút Panenka huyền thoại năm 1976, cho tới màn trình diễn thượng hạng của Zidane năm 2000, cú đánh đầu của Charisteas đưa Hy Lạp lên ngôi năm 2004 tới một Ronaldo đóng vai huấn luyện viên ngoài đường pitch năm 2016,...giải vô địch Euro có rất nhiều khoảnh khắc lưu lại mãi trong tâm trí của người hâm mộ bóng đá.
Sau một năm phải tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA Euro 2020 sẽ chính thức khởi tranh vào rạng sáng ngày mai.
Thông thường, Euro sẽ do 1-2 quốc gia đồng tổ chức, nhưng giải đấu năm nay đã tăng số đội lên 24 và có tới 11 quốc gia đăng cai tổ chức các trận đấu.
Với việc tăng số đội tham dự vòng chung kết, 6 bảng đấu sẽ chọn ra hai đội nhất, nhì cùng 4 đội hạng ba có thành tích tốt nhất để bước vào vòng đấu loại trực tiếp.
Các thành phố Baku, München, St. Petersburg và Rome sẽ đăng cai vòng tứ kết, trong khai hai trận bán kết và trận chung kết được tổ chức tại Sân vận động Wembley ở London.
Nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc, người hâm mộ châu Âu sẽ được tới sân vận động thưởng thức các trận đấu. Ngoại trừ sân vận động Puskas Arena tại Budapest sẽ được phép mở cửa hết công suất, các sân đấu còn lại sẽ chỉ được lấp đầy 25-50% sức chứa.
Được thai nghén bởi Henri Delaunay - chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), từ năm 1927, nhưng phải tới năm 1960, Euro mới chính thức được diễn ra trên đất Pháp, với nhà vô địch là đội tuyển Liên Xô.
Đương kim vô địch của Euro hiện là Bồ Đào Nha, đội tuyển này vào năm 2016 đã giành chiến thắng nghẹt thở trước đối thủ Pháp dù tiền đạo chủ lực Cristiano Ronaldo đã phải rời cuộc chơi sớm vì chấn thương. Trải qua hơn sáu thập kỷ hình thành và phát triển, giải vô địch Euro đã chứng kiến không ít khoảnh khắc bùng nổ và đáng nhớ.
Panenka và bàn thắng để đời (1976)
Giải vô địch Euro năm 1976 là giải cuối cùng chỉ có 4 đội - và là giải đầu tiên quyết định thắng thua bằng loạt sút luân lưu.
Ở trận chung kết, Tây Đức và Tiệp Khắc bế tắc suốt 120 phút. Các cầu thủ Tiệp Khắc sau đó đã vượt lên dẫn trước với tỷ số 4-3 trong một quả phạt đền khi Uli Hoeness của Tây Đức tung cú sút vọt xà.
Tới lượt Antonin Panenka, cầu thủ với bộ ria đậm quanh mép đã thực hiện một pha chạy đà dài, trước khi thực hiện một cú sút, mà sau đó được đặt theo tên chính Panenka, đưa bóng bay là là vào chính diện khung thành của thủ môn Sepp Maier. Tiệp Khắc đã vô địch giải đấu bằng một bàn thắng lưu danh sử sách.
Cú sút đẹp mắt của Antonin Panenka trong trận chung kết Euro 1976 đã giúp Tiệp Khắc vô địch. |
Panenka sau đó tiết lộ cú sút kiểu "lá vàng rơi" này không xuất phát từ một phút ngẫu hứng mà là thành quả của nhiều buổi tập luyện.
“Pha chạy đà của tôi luôn lâu hơn để giành được một chút thời gian và nhanh hơn để thủ môn không có cơ hội đổi hướng. Cú sút không nên quá nhanh; bạn phải sút thế nào để quả bóng tự lướt đi", Panenka chia sẻ. “Tất cả các bàn thắng, tất cả các đường kiến tạo và đường chuyền của tôi đã bị lãng quên vì quả phạt đền này. Vì vậy, tôi rõ ràng là tự hào về nó, nhưng cũng có một chút tiếc nuối”.
Cú sút xa của Jensen "Chân to" (1992)
Thụy Điển đăng cai tổ chức Euro 1992 với khẩu hiệu “Small Is Beautiful” ("Nhỏ nhưng đẹp"). Giải đấu năm đó đã kết thúc với nhà vô địch là "chú ngựa ô" Đan Mạch.
Đáng chú ý, Đan Mạch chỉ góp mặt tại giải đấu năm đó nhờ việc đội tuyển Nam Tư bị loại vì lý do nội chiến. Tuy vật, Đan Mạch khi đó cũng hội tụ không ít hảo thủ tới từ các giải đấu hàng đầu châu Âu, nổi tiếng nhất là thủ môn Peter Schmeichel, người vừa trải qua mùa giải đầu tiên thi đấu cho câu lạc bộ Manchester United.
Các cầu thủ Đan Mạch đã khiến cả châu Âu sửng sốt khi giành chiến thắng muộn màng 2-1 trước Pháp, rồi tiếp tục hạ gục đương kim vô địch Hà Lan ở trận bán kết với tỷ số 5-4 trên chấm phạt đền.
Đối mặt với những "chú lính chì" Đan Mạch là nhà đương kim vô địch thế giới Đức vừa thống nhất và có sự bổ sung của các cầu thủ Đông Đức. Bằng tinh thần quật cường, Đan Mạch tiếp tục gây bất ngờ khi vươn lên dẫn trước nhờ cú sút xa của tiền vệ John Jensen.
Cú vung chân của John Jensen là tiền đề cho Đan Mạch tạo ra câu chuyện cổ tích tại Euro 1992. Ảnh: NY Times |
Đan Mạch sau đó phòng ngự chắc chắn, với một Schmeichel thi đấu đầy tỉnh táo để bảo vệ lợi thế dẫn trước. Sau khi Kim Vilfort nâng tỉ số lên 2-0, các cổ động viên Đan Mạch đã hô vang khẩu hiệu: “Deutschland, Deutschland, Alles ist vorbei” (“Đức, Đức, tất cả đã kết thúc”).
Kỳ Euro 1992 cũng là giải đấu cuối cùng có 8 đội. Bốn năm sau ở Anh, UEFA đã nâng tổng số đội tuyển vào vòng chung kết lên 16. Còn với John Jensen, tiền vệ này sau đó cũng đến Anh để thi đấu cho câu lạc bộ Arsenal, ghi 1 bàn duy nhất trong tổng số 138 trận cũng bằng cú sút xa.
"Bóng đá đang về nhà" (1996)
Giải đấu Euro 1996 được tổ chức tại Vương quốc Anh - quê hương của môn bóng đá. Năm đó, trong khắp các quán rượu và trên các con phố của Anh đều vang lên khẩu hiệu: “Football’s Coming Home” ("Bóng đá đang về nhà"), vốn là câu hát nổi bật trong ca khúc cổ động “Three Lions”.
Không phụ lòng người hâm mộ, đội tuyển chủ nhà đã giành chiến thắng 4-1 trước Hà Lan và đánh bại Tây Ban Nha trên chấm phạt đền.
Khẩu hiệu “Football’s Coming Home” của các cổ động viên Anh rất nổi tiếng vào Euro 1996. Ảnh: YorkPress |
Trong trận bán kết, các cầu thủ "Tam Sư" gặp đối thủ kị rơ là "cỗ xe tăng" Đức. Dù tiền đạo Alan Shearer đã đưa Anh vươn lên dẫn trước ngay phút thứ 3, thế nhưng Stefan Kuntz của Đức sau đó cũng đã ghi bàn thắng gỡ hòa, kéo hai đội tới loạt đá luân lưu.
Trên chấm phạt đền, hậu vệ Gareth Southgate - người hiện là huấn luyện viên trưởng tuyển Anh, đã tung ra cú sút quá nhẹ và dễ dàng bị cản phá. Dù người hâm mộ sau đó không chỉ trích Gareth Southgate, nhưng chính mẹ ông sau đó đã xoáy vào thất bại của con trai bằng câu hỏi: "Sao con không sút quả bóng mạnh vào?".
Đức sau đó đã giành được chức vô địch châu Âu lần thứ ba sau khi đánh bại Cộng hòa Séc tới tỷ số 2-1. Cả hai bàn thắng đều đến từ cầu thủ vào thay người Oliver Bierhoff, bàn đầu tiên là một cú đánh đầu, bàn thứ hai là một cú sút chìm chạm tay thủ môn Petr Kouba và đi chệch cột dọc. Nó khiến người ta nhớ đến câu châm ngôn của cựu tiền đạo người Anh, Gary Lineker:
“Bóng đá là một trò chơi đơn giản. 22 người đàn ông rượt đuổi một quả bóng trong suốt 90 phút và cuối cùng, người Đức luôn giành chiến thắng”.
Sân khấu của mình Zizou (2000)
Kỳ Euro 2000 được tổ chức trên đất Bỉ và Hà Lan, năm đó nhà vô địch World Cup 1998 là đội tuyển Pháp đem tới một dàn "sao số" hạng nhất thế giới với những cái tên Thierry Henry, Emmanuel Petit, Patrick Vieira, Didier Deschamps và đặc biệt là "nhạc trưởng" Zinedine Zidane.
Màn trình diễn của một Zizou đang ở đỉnh cao phong độ đã giúp Pháp dễ dàng vượt qua vòng bảng. Sức mạnh cùng khả năng tăng tốc, khống chế trong không gian hẹp, đặc biệt là những cú chạm bóng nhẹ như lông hồng trước khi lắc người và tung ra một đường chuyền tuyệt hảo,...chính những yếu tố đó đã giúp Zidane chinh phục được trái tim của giới mộ điệu túc cầu giáo.
Zinedine Zidane cùng đội tuyển Pháp đã giành cú đúp danh hiệu World Cup và Euro trong giai đoạn 1998-2000. Ảnh: UEFA |
Trong trận bán kết với Bồ Đào Nha, Zizou tỏ ra không biết mệt mỏi trong khâu sáng tạo trên sân và là đạo diễn cho chiến thắng của đội tuyển Pháp bằng bàn thắng vàng trên chấm phạt đền.
Ở trận chung kết, Pháp bị Ý vươn lên dẫn trước ở phút 55, nhưng Zidane và các đồng đội vẫn thi đấu như thể họ sẽ sớm tìm ra cách để chiến thắng.
Bàn gỡ hòa muộn màng của Sylvain Wiltord ở phút 90+4 đã báo hiệu cho điều này. Sau đó, cú vô lê tuyệt vời của David Trezeguet ở phút thứ 103 đã khẳng định điều mà mọi người đều phải thừa nhận: Pháp là đội bóng xuất sắc nhất châu Âu và nhà vô địch thế giới, còn nhạc trưởng Zizou của họ thì đến từ một hành tinh khác.
"Vua" Otto và đám thuộc hạ (2004)
Chiến thắng năm 2004 của Hy Lạp khiến nhiều người liên tưởng tới câu chuyện "David đánh bại người khổng lồ Goliath". Những chiến tích huy hoàng của Hy Lạp năm đó là hai lần đánh bại nước chủ nhà Bồ Đào Nha ở vòng bảng và trận chung kết, loại đương kim vô địch Pháp tại vòng tứ kết và Cộng hòa Séc ở bán kết.
Từng là một đội tuyển chưa từng thắng một trận nào tại một giải đấu lớn, Hy Lạp bị coi là một đội "lót đường" và thường xuyên gặp rắc rối bởi sự vô kỷ luật và đấu đá nội bộ. Nhưng mọi rắc rối đó đều được một tay huấn luyện viên kỳ cựu người Đức Otto Rehhagel dẹp bỏ.
“Vua" Otto đem tới tính tổ chức, kỷ luật và tinh thần mạnh mẽ vào lối chơi của Hy Lạp. Đoàn quân của Otto Rehhagel luôn giành những chiến thắng xấu xí, không gì khiến người Hy Lạp sung sướng hơn là chứng kiến những pha tấn công dồn dập của đối thủ.
Kỳ tích của Hy Lạp tại Euro 2004 gắn liền với tên tuổi của huấn luyện viên Otto Rehhagel. Ảnh: UEFA |
Các đối thủ của Hy Lạp luôn khó chịu khi chứng kiến một khối phòng ngự kín kẽ ngay từ giữa sân, một dàn hậu vệ cao lớn luôn rình rập trong vòng cấm và chực chờ các đường tạt bóng.
Vũ khí bí mật của Hy Lạp để đánh bại những "người khổng lồ" đó chính là các pha đá phạt cố định, khi "vua" Otto và đám thuộc hạ đã giành chiến thắng tại bán kết tới chung kết nhờ các bàn đánh đầu từ phạt góc mà đỉnh cao nhất là cú đánh đầu của tiền đạo Angelos Charisteas trong trận tái đấu với Bồ Đào Nha, qua đó giúp Hy Lạp lên đỉnh châu Âu.
"Sóc nhỏ" Arshavin (2008)
Tiền vệ Andrei Arshavin của đội tuyển Nga khởi đầu kỳ Euro 2008 bằng án treo giò hai trận vì hành vi bạo lực ở vòng loại. Tuy nhiên, huấn luyện viên Guus Hiddink vẫn đặt niềm tin vào chàng cầu thủ nhỏ con với đôi má luôn ửng hồng này.
Sau khi trở lại, Arshavin đã ghi bàn trong chiến thắng 2-0 trước Thụy Điển để giành vé vào tứ kết để gặp Hà Lan, quê hương của Guus Hiddink.
“Khi tôi là một kẻ phản bội, tôi thích trở thành một kẻ phản bội giỏi” Hiddink nói trước trận đấu. "Tôi muốn trở thành kẻ phản bội của năm ở Hà Lan".
Arshavin có một màn trình diễn xuất sắc tại Euro 2008 trên đất Áo và Thụy Sĩ. Ảnh: NY Times |
Trận đấu giữa Nga và Hà Lan kết thúc với tỷ số hòa 1-1 sau hai hiệp thi đấu chính thức. Tới hiệp phụ thứ hai, Arshavin đã phát tiết hết mọi tinh hoa của mình, đầu tiên anh băng xuống từ biên trái, sau đó xoay người và tạt bóng vào vòng cấm tạo điều kiện cho Dmitri Torbinski đánh gót ngược vào lưới. Sau đó, tiền vệ số 10 này vung chân cực nhanh đưa bóng lăn qua giữa hai chân thủ môn Edwin van der Sar, ấn định tỷ số 3-1.
Tuy nhiên, đó cũng là phút lóe sáng cuối cùng của "sóc nhỏ" Arshavin tại Euro 2008, khi đội tuyển Nga đã bị Tây Ban Nha đánh bại 3-0 trong trận bán kết.
"Huấn luyện viên" Ronaldo (2016)
Dù được coi là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, nhưng tới tận năm 2016 tiền đạo Cristiano Ronaldo vẫn chưa thể đem vinh quang về cho đội tuyển Bồ Đào Nha.
Ở tuổi 19, Ronaldo đã khóc nức nở khi chứng kiến Hy Lạp phá hỏng bữa tiệc của Bồ Đào Nha ngay trên sân nhà. Năm 2012, vẫn là một Ronaldo bất lực khi anh không kịp thực hiện quả đá phạt luân lưu trước đối thủ Tây Ban Nha.
Ở giải đấu năm 2016 trên đất Pháp, Ronaldo tỏ ra vô cùng căng thẳng, tới độ anh còn ném một chiếc micro của phóng viên xuống hồ nước trong khi đang đi bộ.
Nhưng Bồ Đào Nha vẫn lọt vào vòng loại trực tiếp, đánh bại Croatia, Ba Lan và Xứ Wales để tiến vào chung kết với nước chủ nhà Pháp.
Trận đại chiến trên sân Stade de France suýt chút nữa đã trở thành ác mộng đối với Ronaldo sau khi anh dính một chấn thương sau pha vào bóng của Dimitri Payet ngay phút thứ 8. Tiền đạo này một lần nữa đã phải rơi nước mắt trong trận chung kết Euro do không thể tiếp tục thi đấu.
Ronaldo với một bên chân đang băng bó vẫn đứng sát đường pitch để cổ vũ các đồng đội. Ảnh: Bleacher Report |
Thế nhưng Ronaldo không bỏ cuộc, anh vẫn đồng hành cùng các đồng đội ngoài đường pitch. Khán giả thích thú khi thấy hình ảnh một Ronaldo đứng ngay sát đường biên, hô hào, cổ vũ các đồng đội trên sân còn quyết liệt hơn huấn luyện viên Fernando Santos.
Chỉ đến khi tiền đạo Eder ghi bàn thắng quyết định ở phút thứ 20 của hiệp phụ, Ronaldo mới có thể yên tâm rằng anh sẽ không bị bóng ma Euro ám ảnh nữa. Từng bị chế giễu là đội tuyển "Ronaldo", thế nhưng Bồ Đào Nha năm đó đã vô địch mà không cần thủ quân của mình trong trận chung kết.