1. Sao la (SEA Games 31, Việt Nam)
Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2021 do Việt Nam đăng cai chọn sao la là linh vật.
Sao la lần đầu tiên được phát hiện trên lãnh thổ Việt Nam vào năm 1992 tại vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Sao la là một trong những loài động vật có vú lớn hiếm nhất trên thế giới, là một trong những loài động vật được Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới chú trọng đặc biệt trong việc bảo tồn. Được mệnh danh là “Kỳ lân của châu Á”, sao la không chỉ là biểu tượng của sự độc nhất, cặp sừng chữ V của sao la còn chỉ ra hai ý nghĩa to lớn nữa, đó là từ "Việt Nam" và từ “Victory” tức là chiến thắng.
Hơn cả một linh vật, hình tượng Sao La tại SEA Games chính là lời kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường, lên án nạn phá rừng, bẫy thú trái phép và kêu gọi sự đầu tư nhiều hơn nữa để bảo vệ những cá thể sao la cuối cùng còn sót lại trên trái đất.
2. Mèo (SEA Games 18 và SEA Games 24, Thái Lan)
Tại hai kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần đây nhất do Thái Lan đăng cai - vào năm 1995 và 2007 - mèo được chọn làm linh vật.
Đại hội thể thao Đông Nam Á 1995 được tổ chức tại Chiang Mai (Thái Lan), linh vật là chú mèo Xiêm tên là Sawasdee. Trong quan niệm của người Thái Lan, mèo Xiêm mang lại may mắn và chúng được nuôi trong cung điện từ thời Vương quốc Ayutthaya. Chiếc ô đỏ mà chú mèo mang theo là đại diện của Làng Bo Sang ở Chiang Mai, nơi nổi tiếng với những chiếc ô được làm bằng tay và sơn tinh xảo. Cái tên ‘Sawasdee’ đại diện cho bản sắc của Chiang Mai.
SEA Games 2007 do Thái Lan đăng cai tổ chức tại tỉnh Nakhon Ratchasima. Linh vật của Đại hội lần này cũng là một chú mèo giống Korat có tên là Can. Nó có nguồn gốc từ quận Phimai của Nakhon Ratchasima. Linh vật Can mặc một “Pha Khao Ma”- một loại khố truyền thống của Thái Lan, tay cầm khaen - một nhạc cụ chơi bằng miệng phổ biến ở vùng Đông Bắc của Thái Lan.
3. Sư tử Nila (SEA Games 28, Singapore)
SEA Games 28 (2015) được tổ chức tại Singapore. Linh vật chính thức của Đại hội này có là chú sư tử có tên Nila. Sư tử là biểu tượng đặc trưng của đất nước Singapore. Trong khi Nila được lấy từ tên của người sáng lập Singapore, Sang Nila Utama.
Tạo hình của chú sư tử Nila có bờm màu đỏ, khuôn mặt hình trái tim, thể hiện sự can đảm, nhiệt huyết và thân thiện mà nước chủ nhà muốn nhắn gửi đến các nước anh em trong khu vực.
4. Hổ Rimau (SEA Games 29, Malaysia)
Ở SEA Games 2017, nước chủ nhà Malaysia đã chọn hổ làm linh vật và đặt tên là Rimau.
Hổ được đánh giá cao ở Malaysia vì nó hiện diện trên quốc huy của Malaysia, tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm. Vì vậy, hổ là biểu tượng cho Malaysia trong thể thao.
Theo nước chủ nhà, Rimau là viết tắt của 5 từ rất có ý nghĩa đối với tinh thần thể thao: Respect (tôn trọng), Integrity (trung thực), Move (di chuyển), Attitude (thái độ) và Unity (đoàn kết). Malaysia hy vọng linh vật hổ Rimau sẽ luôn nhắc nhở các vận động viên thi đấu với tinh thần fair-play cao, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau, góp phần tạo nên một kì SEA Games thành công, tăng sự gắn bó giữa các quốc gia trong khu vực.
6. Pami (SEA Games 30, Philippines)
Một linh vật không nhất thiết phải luôn là động vật. Nước chủ nhà SEA Games 2019, Philippines, không sử dụng một con vật làm linh vật mà là một thiết kế đơn giản, có tên gọi “Pami”.
Pami bao gồm bốn vòng tròn với bốn màu khác nhau từ quốc kỳ của Philippines - trắng, xanh, đỏ và vàng. Theo ngôn ngữ của Philippines, "Pami" có nghĩa là con mèo, nhưng rộng ra, nó nằm trong từ "Pamilya" tức là gia đình. Theo nước chủ nhà, Pami là đại diện cho từng vận động viên và sự đoàn kết như một gia đình của các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, linh vật này cũng tượng trưng cho sự vui vẻ, yêu đời.