Trí tuệ nhân tạo “ra tay” giúp học sinh kém
Điểm số môn Toán của cậu nam sinh 13 tuổi Zhou Yi từng rất tệ. Gia đình Zhou Yi lo lắng con không đỗ bất cứ đại học nào trong tương lai. Đúng lúc ấy, một công ty có tên Squirrel AI đã đến trường của Zhou ở Hàng Châu, Trung Quốc với lời quảng cáo hấp dẫn về một chương trình dạy kèm cá nhân. Thay vì một gia sư như thông thường, AI sẽ phụ trách kèm cặp Zhou Yi.
Khi giáo dục AI chiếm ưu thế, giáo viên sẽ giống như một phi công. Họ sẽ theo dõi các thông số trong khi thuật toán giữ cho máy bay thăng bằng và di chuyển...”.
Gia đình Zhou Yi quyết định đánh liều. Đến cuối học kỳ, điểm kiểm tra của Zhou Yi đã tăng từ 50% lên 62,5%. Hai năm sau, cậu đạt 85% trong kỳ thi trung học cơ sở. “Em từng nghĩ Toán học thật kinh khủng. Nhưng nhờ việc kèm bởi AI, em nhận ra rằng môn học này không thật sự khó. Giống như em được chỉ dạy đi trên con đường khác vậy”, Zhou Yi kể về trải nghiệm học cùng AI.
Có không ít tranh cãi về việc trí tuệ nhân tạo liệu có đủ khả năng thay thế con người đứng trước bục giảng học đường. Nhưng trong vài năm gần đây, không ít công ty Trung Quốc đã đầu tư vào việc dạy và học hỗ trợ bằng sự hỗ trợ của AI.
Hàng chục triệu học sinh, sinh viên hiện đang sử dụng một số hình thức AI để học tập, thông qua các chương trình dạy kèm ngoại khóa như của Squirrel, hay 17ZuoYe, hoặc thậm chí trong chính các lớp học thông thường.
Trong một báo cáo vào tháng 3, Quỹ Sáng kiến Chan-Zuckerberg cùng Quỹ Bill và Melinda Gates đã xác định AI là một công cụ giáo dục đáng để đầu tư. Trong cuốn sách Rewired Education phát hành năm 2018, ông John Couch, Phó chủ tịch giáo dục của Apple, đã khen ngợi Squirrel AI. Công ty Trung Quốc này cũng mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu chung với Đại học Carnegie Mellon ở Mỹ trong năm nay để nghiên cứu công nghệ với tham vọng vươn ra toàn cầu.
Trung tâm học tập mà Zhou Yi thường lui tới trông giống một phòng thí nghiệm hơn là trung tâm giáo dục. Không có bảng trắng, máy chiếu như ở trường học mà chỉ có một chiếc bàn lớn dành cho 6 -9 người trong mỗi phòng. Phương tiện giảng dạy duy nhất là máy tính xách tay. Học sinh và giáo viên đều nhìn chăm chú vào màn hình. Trong một phòng, 2 học sinh đeo tai nghe, mải mê với một bài giảng Tiếng Anh. Trong một lớp khác, 3 học sinh, bao gồm Zhou Yi, học ba lớp Toán riêng biệt. Các học viên làm bài hoàn toàn trên máy tính. Trong mỗi phòng, một giáo viên theo dõi học sinh thông qua bảng điều khiển thời gian thực.
Trụ sở Squirrel AI ở Thượng Hải. |
Gia sư AI lên ngôi
Có ba điều đã thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ giáo dục AI của Trung Quốc. Đầu tiên là chính sách giảm thuế và các ưu đãi khác dành cho các dự án AI nhằm cải thiện chất lượng ngành giáo dục nước này. Thứ hai, việc cạnh tranh học tập ở Trung Quốc rất khốc liệt. Hằng năm, có tới 10 triệu học sinh bước vào kỳ thì đại học, hay còn được gọi là Cao khảo (gaokao). Tấm bằng đại học giống như tấm bùa hộ mệnh giúp quyết định tương lai của mỗi học sinh, do đó các bậc phụ huynh sẵn sàng móc hầu bao để giúp điểm số con em mình được cải thiện. Cuối cùng, các công ty Trung Quốc có sẵn nguồn lực để phát triển công nghệ AI và rất đông cha mẹ đặt niềm tin vào tiềm năng của công nghệ này, khiến ngành công nghiệp giáo dục sử dụng trí tuệ nhân tạo bùng nổ.
“Khi giáo dục AI chiếm ưu thế, giáo viên con người sẽ giống như một phi công. Họ sẽ theo dõi các thông số trong khi thuật toán giữ cho máy bay thăng bằng và di chuyển. Nhưng nếu một hành khách gặp rắc rối, phi công sẽ có mặt để trấn an. Tương tự như vậy, giáo viên sẽ tập trung vào giao tiếp cảm xúc với học sinh”, ông Derek Li – nhà sáng lập Squirrel AI. |
Squirrel tập trung vào việc giúp học sinh đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn hằng năm, khiến 80% học sinh lựa chọn quay trở lại học tiếp các lớp học của công ty chỉ sau một năm. Công ty này cũng luôn mở rộng hệ thống của mình để thu thập nhiều dữ liệu hơn, điều này giúp AI có thêm nguồn lực để đưa ra các dự đoán và chương trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Chiến lược này đã thúc đẩy sự tăng trưởng không ngừng nghỉ. Trong 5 năm kể từ khi thành lập, Squirrel đã mở 2.000 trung tâm giảng dạy tại 200 thành phố và có hơn 1 triệu học sinh đăng ký.
Squirrel là công ty đầu tiên theo đuổi khái niệm “gia sư AI”. Những nỗ lực đầu tiên để nhân rộng các giáo viên dạy học đã có từ những năm 1970, khi máy tính bắt đầu được sử dụng trong giáo dục. Sau đó, từ năm 1982 đến 1984, một số nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng các học sinh được dạy một kèm một có kết quả tốt hơn những học sinh khác. Điều này đặt ra một làn sóng nỗ lực thiết kế các robot giáo viên.
Các giáo viên tham gia sửa bài cho học sinh qua máy tính. |
Sự đổi mới của Squirrel là ở độ chi tiết và quy mô của nó. Đối với mỗi khóa học mà công ty cung cấp, đội ngũ kỹ thuật của họ sẽ làm việc với một nhóm các giáo viên có kinh nghiệm để chia nhỏ các bài giảng thành các phần khái niệm nhỏ nhất có thể.
Chẳng hạn, môn Toán ở trường trung học được chia thành hơn 10.000 phần khác nhau, bao gồm các kiến thức từ số hữu tỉ, tính chất của một tam giác hay tới định lý Pythagore,…Mục tiêu là để chẩn đoán lỗ hổng kiến thức của từng học sinh.
Khi các phần kiến thức được thiết lập, chúng được kết hợp với các bài giảng video, ghi chú, ví dụ và các bài thực hành. Liên kết giữa các phần kiến thức được mã hóa thành “biểu đồ kiến thức” và dựa trên kinh nghiệm của đội ngũ giáo viên cố vấn.
Mỗi học viên bắt đầu khóa học bằng một bài kiểm tra ngắn để đánh giá mức độ hiểu biết các khái niệm chính. Nếu nhanh chóng trả lời đúng một câu hỏi, hệ thống AI sẽ đánh giá học sinh biết các câu hỏi liên quan và bỏ qua. Trong vòng 10 câu hỏi, hệ thống có một bản phác thảo sơ bộ về những gì học viên cần để làm việc và sử dụng nó để xây dựng một chương trình giảng dạy. Khi các học viên bắt đầu học, hệ thống cập nhật mô hình hiểu biết của từng người và điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp.
Khi nhiều học viên sử dụng hệ thống, AI phát hiện ra các kết nối chưa được thực hiện trước đó giữa các kiến thức. Các thuật toán sau đó sẽ tự động cập nhật các phần kiến thức cần thiết trong biểu đồ kiến thức.
Các học viên tại đây thường tỏ ra đánh giá cao chương trình học do AI điều chỉnh. Nữ sinh Fu Weiyi cho biết kể từ khi học tại đây, điểm số của em được cải thiện hơn rất nhiều so với học gia sư. “Tại đây, em có cả giáo viên trực tuyến và ngoài đời, hệ thống có thể xác định trực tiếp những khoảng trống kiến thức của em. AI không yêu cầu em làm nhiều bài tập, do đó tiết kiệm được nhiều thời gian khi học”, Fu nói.
Tham vọng của người sáng lập Squirrel – ông Derek Li, không chỉ dừng lại ở việc dạy kèm mà là tích hợp chương trình giảng dạy của mình trực tiếp vào các lớp học thông thường. Squirrel đã thảo luận với một số trường học ở Trung Quốc để biến hệ thống của công ty thành phương pháp giảng dạy chính.
Về lý thuyết, AI có thể đảm nhận một số nhiệm vụ trong lớp học như truyền đạt kiến thức đại cương để giáo viên có thể chú ý hơn đến từng học sinh. Hoặc công nghệ này sẽ giúp giáo viên theo dõi hiệu suất của học sinh hoặc giúp học sinh kiểm soát cách học. Mục tiêu cuối cùng là cá nhân hóa sâu sắc việc giảng dạy.
Giáo sư Chris Dede cho rằng Squirrel đang thực hiện việc giáo dục thích ứng, đó là chỉ ra những gì học sinh nên và không nên biết. Nhưng không chú ý đến những gì họ muốn biết hoặc cách họ học tốt nhất. “Việc học được cá nhân hóa để tạo động lực và tiết kiệm thời gian, giúp cho mỗi học sinh có thể đạt được tiến bộ nhanh chóng”, ông Dede nhận định.
Trao đổi về triết lý của công ty, ông Derek Li cho biết: “Khi giáo dục AI chiếm ưu thế, giáo viên sẽ giống như một phi công. Họ sẽ theo dõi các thông số trong khi thuật toán giữ cho máy bay thăng bằng và di chuyển. Nhưng nếu một hành khách gặp rắc rối, phi công sẽ có mặt để trấn an. Tương tự như vậy, giáo viên sẽ tập trung vào giao tiếp cảm xúc với học sinh”.
Jutta Treviranus, nữ giáo sư tại Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Ontario, người tiên phong trong việc cá nhân hóa học tập để cải thiện tính toàn diện trong giáo dục, lo lắng rằng triết lý giáo dục của Squirrel nhiệt là đại diện cho một lỗ hổng lớn trong việc theo đuổi giáo dục thông minh của Trung Quốc: nhấn mạnh vào việc học và điểm số. Nhưng Giáo sư Treviranus tin rằng Trung Quốc đang có một trong những cơ hội tốt nhất để cải tạo một môi trường lớp học thân thiện với giáo viên hơn, tập trung vào người học.
Vào tháng 2 năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thông qua một loạt các cải cách, bao gồm cấp phép nghiêm ngặt hơn đối với việc học gia sư, nhằm giảm nỗi ám ảnh về thi cử. Đầu tháng này, chính phủ Trung Quốc cũng đã giới thiệu một bộ hướng dẫn để tập trung nhiều hơn vào giáo dục thể chất, đạo đức và nghệ thuật.