Chị Thanh Tâm, một bệnh nhân ở quận 12, TP Hồ Chí Minh mắc ung buồng trứng không ngại “show” cho phóng viên Ngày Nay xem mái đầu trọc lốc của mình. Đây là năm đầu tiên Thanh Tâm chiến đấu với bệnh tật. Dù mới chỉ trải qua hơn một năm đối diện với ung thư nhưng với gia đình chị, đây là cuộc chiến quá khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 cứ dồn dập hết lần này tới lần khác.
Chồng của Tâm kinh doanh trong lĩnh vực nhà thông minh, đúng vào năm vợ phát hiện bệnh K thì công việc của anh bị đình trệ gần như hoàn toàn do Covid -19.
Là phụ nữ ai cũng muốn mình xinh đẹp trong mắt mọi người nhưng trong quá trình điều trị K buồng trứng, toàn bộ mái tóc của Tâm rụng dần dần rồi thành ra trụi lủi. Đối diện với cái đầu trọc lốc cực kỳ xa lạ, Tâm cho biết chính mình còn cảm thấy sợ mình và mặc cảm nhưng với chi phí của bệnh K và những khó khăn trong năm Covid nên việc sắm một mái tóc giả là điều quá xa xỉ với chị.
Chị Thanh Tâm với mái đầu không còn tóc sau quá trình điều trị K buồng trứng |
Nhưng thật may, thông qua mạng xã hội, Thanh Tâm biết tới chương trình cho mượn tóc của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam – BCNV và được tổ chức này cho mượn 1 mái tóc giả. Nhờ có mái tóc giả chị tự tin hơn khi đến nơi công cộng, không còn mặc cảm và tủi thân vì ánh nhìn thương hại của nhiều người. Tết năm nay, là cái Tết đầu tiên chị phải mượn tóc để đón xuân, tất nhiên tóc đi mượn không thể tự nhiên như mái tóc vốn có nhưng như thế, chị Tâm cũng thấy rất may mắn, may mắn hơn rất nhiều người mắc K giống mình.
Tâm tự động viên mình, trong bối cảnh xã hội quá nhiều rủi ro, nhiều dịch bệnh như bây giờ thì nói theo cách của AQ, ung thư vẫn còn may mắn vì đâu có chết liền.
Nhờ thư viện tóc, chị Thanh Tâm đã có được mái tóc ưng ý để đón Tết |
Chị Nguyên Hân một bệnh nhân K khác đang sống tại Đà Lạt cho biết, năm nay quả thực là năm có quá nhiều khó khăn ập đến. Công việc kinh doanh một homestay nhỏ của chị trên Đà Lạt coi như “chết” hẳn, chính vì vậy việc bỏ nhiều triệu đồng cho một mái tóc giả khiến Hân lăn tăn rất nhiều.
Chị Nguyên Hân cũng không còn tóc sau nhiều tháng xạ trị ung thư |
Qua bạn bè, Hân biết tới BCNV và mới mượn được một mái tóc rất mềm, đẹp nhưng chị vẫn mong muốn có mái tóc dài hơn chút xíu để hợp với sở thích của mình. Tuy nhiên, thư viện tóc hiện chưa có mẫu dài như vậy.
Chị Hân sau khi mượn được mái tóc khá hợp "trend" năm nay, tuy nhiên Hân vẫn mong có được mái tóc dài hơn. |
Theo Đậu Thùy Anh, nhân viên truyền thông của BCNV, hiện tại thư viện tóc của BCNC đã được thành lập tại 7 bệnh viện lớn với gần 800 bộ tóc giả làm từ tóc thật. Để có được số lượng như vậy, trong nhiều năm qua các nhân viên, tình nguyện viên của mạng lưới đã cố gắng rất nhiều, tuy nhiên con số 800 chắc chắn không đủ để đáp ứng cho tất cả các bệnh nhân ung thư có điều kiện khó khăn đang có nhu cầu mượn tóc.
Chính vì như vậy, hoạt động của chương trình “tự thiện tóc” vẫn đang và cần phải được mở rộng, phát triển hơn nữa, cần thêm sự đóng góp cả về mái tóc lẫn chi phí, thời gian, sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. Phía sau một mái tóc là còn rất nhiều công sức của các tình nguyện viên, cố vấn của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, nhưng công sức thôi cũng chưa đủ, hiện chi phí để gia công một mái tóc mất khoảng trung bình 4 triệu đồng/bộ, đó là chưa kể tới các khoản chi phí khác như thành lập, iều phối các thư viện tóc, vận hành...
Tóc giả cho bệnh nhân ung thư thường được làm từ những phần tóc tự nhiên, chưa qua xử lý hóa chất, bên cạnh đó BCNV có những yêu cầu riêng, đặc biệt về kỹ thuật gia công tóc để phù hợp nhất với da đầu nhạy cảm của bệnh nhân ung thư sau khi điều trị hóa chất, xạ trị. BCNV đã phải làm việc với đối tác gia công, làm mẫu trong trong gần 2 năm khi mới bắt đầu chương trình để có được mẫu tóc vừa ý như hiện nay.
Được biết, BCNC đang kết hợp chặt chẽ hơn với các salon tóc để xây dựng được nguồn tóc hiến đều dặn và ổn định hơn.
Nhiều chương trình từ thiện tóc đang được BCNV tổ chức để có được thêm các mẫu tóc cho bệnh nhân ung thư. |