Những quả bom thủy điện trên đầu 60 triệu dân hạ lưu sông Mekong

Hàng chục con đập thủy điện đang được lên kế hoạch xây dựng trên dòng sông Mekong không khác gì những quả bom khổng lồ lơ lửng trên đầu hàng chục triệu người dân ở hạ nguồn.
Những quả bom thủy điện trên đầu 60 triệu dân hạ lưu sông Mekong

Nông dân điêu đứng

Kể từ cuối năm 2015, những nước ở khu vực sông Mekong đã chịu hậu quả nghiêm trọng của tình hình hạn hán, lượng mưa thấp do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

Những quả bom thủy điện trên đầu 60 triệu dân hạ lưu sông Mekong ảnh 1

Hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Lượng mưa thấp và nắng nóng kéo dài khiến nhiều nông dân Lào, Campuchia và Việt Nam trắng tay, vụ mùa thất thu. Một người nông dân ở Viêng Chăn, Lào cho biết trong năm 2015, họ không thể trồng lúa dù 6 tháng đã trôi qua do hạn hán kéo dài. Ở khu vực trung tâm và phía tây Campuchia, người dân cũng điêu đứng vì những tác động nặng nề của hạn hán đối với cây trồng.

Ở Việt Nam, 139.000 ha lúa đã bị thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay và con số này được dự đoán tiếp tục tăng cho đến mùa mưa tới, thường vào tháng 6. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài đến thời điểm này, khoảng 500.000 ha lúa vụ hè thu không thể bắt đầu. Khoảng 575.000 người đang chịu cảnh thiếu nước ngọt. Tại tỉnh Bến Tre, nhiều khách sạn, trường học, bệnh viện, nhà máy cũng thiếu nước ngọt.

Những quả bom thủy điện

Hiện tại, Trung Quốc đã triển khai một số trong 15 công trình thủy điện trên sông Mekong, 11 đập thủy điện của các nước khác cũng đang được lên kế hoạch xây dựng trên dòng sông này.

Những quả bom thủy điện trên đầu 60 triệu dân hạ lưu sông Mekong ảnh 2

Đập thủy điện Nuozhadu Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong.

Một trong số đó là đập thủy điện Xayaburi, trị giá 3,5 tỷ USD, được xây dựng tại vùng bắc Lào. Tại miền nam Lào, người ta cũng lên kế hoạch xây đập Don Sahong trị giá 300 triệu USD.

Việc xây hàng chục con đập trên sông Mekong có thể mang lại lợi ích cho một số quốc gia sở hữu nhưng lại là mối họa tiềm tàng cho khoảng 60 triệu người dân sống ở dưới hạ lưu sông.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi các quốc gia cùng chung dòng sông Mekong không thể tìm được tiếng nói chung trong việc dừng xây dựng các đập thủy điện và phối hợp kém bài bản trong việc khai thác sử dụng dòng sông này.

Hai đập thủy điện Xayaburi và Sahong dự kiến sẽ cung cấp lượng điện lớn cho Thái Lan và mang lại cho Lào nguồn thu đáng kể, nhưng chúng được coi là thảm họa trên dòng sông Mekong, tác động trực tiếp tới an ninh lương thực của khu vực.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, những con đập thủy điện trên sông Mekong có khả năng trở thành những quả bom tiềm tàng có thể giáng xuống đầu người dân bất kỳ lúc nào.

Nếu ở phía thượng lưu 15 công trình thủy điện thuộc địa phận Trung Quốc và 11 đập thủy điện trên địa phận Lào, Thái Lan, Campuchia được xây dựng thì tổng dung tích điều tiết của toàn hệ thống bậc thang này ước hơn 30 tỷ mét khối nước.

Điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ vỡ đập. Nếu một con đập bị vỡ thì hàng loạt đập khác sẽ vỡ dây chuyên, lúc ấy lượng nước được tích trữ ở độ cao 40m trên mực nước biển dội xuống sẽ có thể san phẳng Đồng bằng sông Cửu Long.

Không tìm được giải pháp và tiếng nói chung

Dù biết tác hại của việc xây đập trên sông Mekong nhưng nhà chức trách Lào vẫn phớt lờ lời kêu gọi hoãn xây dựng đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong. Tương tự, Thái Lan cũng không quan tâm tới sự phản đối mạnh mẽ từ khu vực và quốc tế, vẫn quyết định chuyển dòng sông Mekong để dẫn nước đến khu vực hạn hán trong lãnh thổ nước này. Chính phủ Thái Lan khẳng định họ chỉ thực hiện ở một khu vực nhỏ và không ảnh hưởng đến mực nước.

Những gì xảy ra trên sông Mekong không chỉ tác động tới khu vực mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Sông Mekong tạo ra những đồng bằng trù phú, cung cấp nguồn thủy hải sản dồi dào và đóng vai trò điều hòa khí hậu thế giới. Việc đề cao giá trị năng lượng trên dòng Mekong có thể làm tổn hại nhiều lĩnh vực khác mà con người cần nghiêm túc đánh giá.

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chạy dài hơn 4.000 km, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây là nguồn hỗ trợ cho ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và là nguồn nước quan trọng cho các cộng đồng canh tác nông nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, cùng với biến đổi khí hậu, sự can thiệp của các quốc gia ở thượng nguồn đang làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến ngư trường và nông trường truyền thống của các nước trong lưu vực.

Đập thuỷ điện của Trung Quốc ở phía bắc và nhiều công trình đang được xây dựng ở Lào, đã ảnh hưởng đến hoạt động di cư của các đàn cá và chặn lượng phù sa bồi đắp ở phía hạ lưu. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang có kế hoạch xây dựng nhiều đập ở đây. Người dân trong khu vực đang chịu ảnh hưởng của hoạt động xây đập lo ngại rằng, kế hoạch của Thái Lan sẽ chỉ khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn.

Danh Tuyên (tổng hợp)

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.