Ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 5-7/4 tới theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo thông báo, trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Macron, Chủ tịch Trung Quốc dự kiến hội đàm với nhà lãnh đạo Pháp nhằm đề ra lộ trình cho quan hệ song phương, làm sâu sắc hợp tác giữa 2 nước và chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng.
Trong chuyến đi tới Bắc Kinh cuối tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng có thể chia cắt mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, không rõ Macron có "đòn bẩy" gì, trong bối cảnh chuyến đi 3 ngày tới Trung Quốc của Tổng thống Pháp được dự đoán hết sức khó khăn. Châu Âu tiếp tục quay cuồng với tác động của việc cắt đứt quan hệ thương mại với Nga và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, ông Macron đang muốn "quyến rũ" ông Tập, sau khi bị chỉ trích gay gắt vì các cuộc điện đàm trong nhiều giờ không đem lại kết quả với Tổng thống Putin vào năm ngoái nhằm ngăn chặn cuộc xung đột tại Ukraine.
“Có rất ít nhà lãnh đạo thế giới có thể thảo luận sâu sắc với ông Tập,” một cố vấn của Điện Elysée chỉ ra.
Tuy nhiên, dư luận tại Pháp và phương Tây không đặt kỳ vọng cao vào nỗ lực chèo kéo của ông Macron tại Trung Quốc lần này.
Với những nỗ lực thất bại của cá nhân ông Macron trong việc đóng vai trò trung gian hòa giải quốc tế, chẳng hạn như ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine hoặc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, không nhiều nước phương Tây như Mỹ cho rằng chuyến đi tới Bắc Kinh của ông Macron sẽ đem lại kết quả.
Một số quan chức trong chính quyền Biden thậm chí còn lo ngại về khả năng Pháp tỏ ra thân thiết với Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, mặc dù Nhà Trắng ủng hộ chuyến đi này.
Nhưng điều có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của Macron là mối quan hệ căng thẳng giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người sẽ đi cùng ông tới Bắc Kinh, với chính phủ Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu cấp cao về quan hệ EU-Trung Quốc hôm thứ Năm tuần trước, bà von der Leyen kêu gọi các nước EU “giảm thiểu rủi ro” do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Bà cũng ngụ ý rằng EU có thể chấm dứt việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Trung Quốc, vốn đã đạt được vào năm 2020 nhưng sau đó bị đình trệ. Nhận xét của bà von der Leyen đã gây ra phản ứng tiêu cực từ các nhà ngoại giao Trung Quốc. Ông Fu Cong, đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu, cho biết bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu "chứa đựng nhiều thông tin xuyên tạc và diễn giải sai về các chính sách và quan điểm của Trung Quốc".
Trò chơi của ông Macron
Phát biểu trước chuyến thăm Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Pháp cho biết mục tiêu của ông là “cố gắng lôi kéo Trung Quốc tham gia càng nhiều càng tốt để gây áp lực lên Nga” về các chủ đề như vũ khí hạt nhân.
Nhưng liệu sức hấp dẫn của Macron có tác dụng với “người bạn thân nhất” của Tổng thống Putin tại Bắc Kinh?
Trung Quốc đã tìm cách thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột tại Ukraine, ngay cả khi nước này đã củng cố mối quan hệ với Nga bằng cách nhập khẩu năng lượng từ Nga với giá ưu đãi.
Bất chấp áp lực quốc tế to lớn đối với chính quyền Moscow, ông Tập đã quyết định chọn Điện Kremlin là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm cấp nhà nước sau khi củng cố quyền lực trong nước.
Các nhà lãnh đạo Tây Âu bắt đầu kêu gọi sự can dự của Trung Quốc, bao gồm cả chính Tổng thống Macron. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây đã tuyên bố rằng thế giới “phải lắng nghe tiếng nói” của Trung Quốc về Nga và Ukraine.
Trong chuyến thăm sắp tới, ông Macron sẽ dành vài giờ trao đổi với ông Tập ở Bắc Kinh và cùng lãnh đạo Trung Quốc đến thành phố Quảng Châu. Cha của ông Tập, Tập Trọng Huân, từng là tỉnh trưởng và Bí thư tỉnh Quảng Đông.
"Tổng thống sẽ dành từ 6-7 giờ để thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Việc ông ấy sẽ là tổng thống Pháp đầu tiên đến thăm Quảng Châu cũng có mang ý nghĩa cá nhân, vì cha của Chủ tịch Tập từng là lãnh đạo ở đó", một quan chức Điện Elysée cho biết.
Tại đây, ông Macron sẽ tổ chức một buổi hỏi đáp với các sinh viên Trung Quốc, sau đó tham dự một bữa tối “thân mật” với ông Tập.
Người Pháp đang hy vọng chuyến đi của ông Macron sẽ giúp giành được sự ủng hộ của Trung Quốc trong các vấn đề như kiềm chế Nga tấn công Ukraine, chỉ một tháng sau khi Bắc Kinh tiết lộ kế hoạch 12 điểm để giải quyết xung đột ở Ukraine.
Bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc, cho biết: “Việc có những khoảnh khắc gặp gỡ riêng tư là điều hoàn toàn cơ bản. Ngoại giao là chơi một trò chơi lâu dài. Với Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng việc thiết lập các mối quan hệ là điều dễ dàng với tư cách là người phương Tây. Nhưng có lẽ điều này sẽ giúp ích cho công việc".
Tuy nhiên, bất chấp sự thể hiện thiện chí, Tổng thống Pháp sẽ không ngần ngại gửi "một số thông điệp" tới Bắc Kinh về việc hỗ trợ Nga, đặc biệt là chuyển giao vũ khí cho Moscow.
"Chúng tôi sẽ không đe dọa, nhưng gửi một số cảnh báo: Trung Quốc cần hiểu rằng viện trợ vũ khí cho Nga sẽ gây hậu quả cho châu Âu", một quan chức Pháp cho biết.
Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược ở Paris, đã nghi ngờ vào chiến lược cải thiện quan hệ cá nhân giữa Macron và Tập.
“Đó không phải là cách mọi thứ hoạt động ở Trung Quốc. Không phải vị tổng thống ‘nhỏ con’ của Pháp, người dành hai giờ đi dạo với ông Tập sẽ thay đổi mọi thứ, chỉ có Trung Quốc mới hiểu được cán cân quyền lực", ông Bondaz nói. “Có thể nó hiệu quả với Putin, người đã dành hơn 400 giờ với Tập trong 10 năm qua, nhưng ông Macron không biết ông Tập".