Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân T.V.C, 18 tuổi, trú tại thành phố Sông Công, Thái Nguyên. Trong khi nấu ăn, bình gas 12kg đã phát nổ khiến nạn nhân bị đa chấn thương, chủ yếu là các vết thương phần mềm: cổ, ngực, bụng, cánh tay phải, cằm... Ngoài ra, em họ của nạn nhân cũng bị thương, được điều trị tại bệnh viện tuyến huyện.
Do sự cấp cứu kịp thời của các bác sĩ, hiện tại tình trạng của bệnh nhân đã bớt nguy kịch. Bác sỹ Nguyễn Thị Thúy Ngân, Trưởng khoa Gây mê 1, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: bệnh nhân T.V.C vẫn cần theo dõi tiếp về tổn thương phổi và nhiễm trùng.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân H.C.L, 21 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân bị dập nát bàn tay trái, búp ngón xẹp băng thấm máu do bình gas mini nổ khi đang ăn lẩu cùng bạn bè. Do chấn thương quá nặng, các bác sĩ đã chỉ định cắt cụt cẳng tay trái của bệnh nhân, rồi thay băng, truyền dịch, dùng kháng sinh.
Bác sỹ Phan Bá Hải, Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện tại sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn, bệnh nhân được hồi sức truyền máu, dùng kháng sinh, thay băng và xử lý vết thương. Dự kiến có thể ra viện sau 3-5 ngày phẫu thuật.
Các bác sĩ khuyến cáo, bình gas phát nổ dễ gây thương tích nặng cho người sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dân nên tự bảo vệ an toàn của mình và gia đình bằng cách mua bình gas và phụ kiện bình gas (van điều áp, ống dẫn gas, kẹp) của các hãng kinh doanh gas có uy tín. Người dùng cũng cần thường xuyên kiểm tra bình gas ở nhà để phát hiện những dấu hiệu có thể gây nguy hiểm.
Đối với bình gas mini, người dùng cần cẩn trọng khi sử dụng bình gas mini có nhãn mác, chỉ sử dụng một lần. Sau khi sử dụng xong, nên vứt bỏ vì tái sử dụng không an toàn. Nếu bếp gas đã bị tróc sơn, han gỉ, chốt bình gas lỏng hay bếp rất khó đánh lửa, phải tốn sức “mồi” nhiều lần mới được thì tốt nhất không nên sử dụng bởi những bếp gas như thế rất dễ bị rò rỉ gas ra bên ngoài, gây cháy nổ.