Tôi không ngạc nhiên. Máu cờ bạc là một đặc điểm phổ biến ở nhiều người Việt Nam.
Một nhân viên văn phòng làm công ăn lương ở Việt Nam có thể thua bạc hàng chục tỷ đồng. Tôi từng chứng kiến một người như thế. Số tiền thua bạc hàng chục tỷ đồng được tạo ra khi cậu ta còn chưa đến tuổi 30. Đó là con số mà đa phần người dân có lao động cả đời cũng chẳng kiếm được. Thế nhưng, tại sao các tay trùm cờ bạc vẫn cho anh chàng này báo nợ tiền cờ bạc tiền tỷ như vậy? Và bản thân anh ta sao có thể xuống tay nhiều như thế?
Theo ngôn ngữ của dân chơi, thì có một giải pháp vạn năng gọi là “báo nhà”. Nợ cờ bạc không thể thanh toán được giao phó lại cho gia đình trong một cuộc đòi hỏi mang sắc thái ăn vạ. Có một điều đặc trưng ở Việt Nam, phàm là lậm vào cờ bạc thì hiếm ai không có một đôi lần “báo nhà”.
Văn hóa Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung là văn hóa bao bọc, cha mẹ vẫn chăm lo cho con cái ngay cả khi đã qua tuổi trưởng thành. Chính vì vậy việc “báo nhà trả nợ” là rất phổ biến. Hiếm ông bố, bà mẹ nào có thể cứng rắn bỏ mặc con mình trước những rắc rối từ cờ bạc. Tâm lý này gián tiếp tiếp tay cho máu đỏ đen của các con bạc. Họ biết rằng luôn có một đường lùi, một chỗ dựa phía sau. Mà có lần thứ nhất thì rất dễ có lần thứ hai. Vì vậy, cái gọi là “đánh bạc có trách nhiệm” khó tồn tại. Các con bạc rất khó biết điểm dừng. Hậu quả là họ không những vô trách nhiệm với bản thân, mà còn với cuộc sống của chính những người thân.
Từ thập kỷ trước, các nhà quan sát đã nhận ra rằng Las Vegas dù còn mang danh “thủ đô bài bạc của thế giới” nhưng thực chất đã… về nhì. Độ lớn của những tiếng bạc ở Macau đã vượt xa nước Mỹ giàu có. Và một kiến giải được các nhà phân tích đưa ra: sự "khát nước" này đến một phần từ việc văn hóa Á Đông cho phép bất kỳ ai cũng còn chỗ để quay về ngay cả khi đã “tất tay”.
Trong những kịch bản cụ thể ở Việt Nam, các ông trùm thường tìm hiểu rất kỹ về gia cảnh của các con bạc. Những con bạc nếu “nhà có điều kiện” thì sẵn sàng cho nợ thoải mái. Khi chính con bạc không còn khả năng chi trả thì chúng sẽ gây sức ép bắt gia đình phải trả nợ thay. Nhà cậu trai trẻ kia, do kết quả của quá trình đô thị hóa từ làng lên phố mà sở hữu một diện tích đáng kể ngay giữa lòng thủ đô. Vậy là mỗi khi cậu ta về báo nợ thì gia đình lại cắn răng cắt bớt ít đất bán đi để thanh toán nợ nần.
Tư duy này rất khác ở các quốc gia phương Tây - nơi ý thức độc lập với gia đình được xác lập từ rất sớm. Khi bạn bước chân vào một casino hay truy cập vào website của những danh tiếng được cấp phép thì đập vào mắt bạn luôn là lời nhắc nhở “Gambling Responsibly” (tạm dịch là "đánh bạc có trách nhiệm"), được giải thích nôm na là không để đánh bạc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn.
Tôi đã đọc rất kỹ các nội dung về đánh bạc có trách nhiệm. Tôi nhận ra rằng họ không hề áp dụng một phương pháp quản lý bắt buộc nào, mà tất cả đều xuất phát từ sự tự giác của chính người chơi. Họ chỉ cung cấp thông tin cho người chơi thế nào là đánh bạc có trách nhiệm; những dấu hiệu bạn đã nghiện ngập cờ bạc, kèm theo đó là các biện pháp hỗ trợ giúp cai nghiện và nơi cần liên hệ trợ giúp.
Với việc hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác như vậy, tôi tin rằng “Gambling Responsibly” sẽ thất bại ở Việt Nam. Văn hóa là một khía cạnh quan trọng khi bàn đến chính sách, đặc biệt là với vấn đề hợp pháp hóa cá độ và cờ bạc tại Việt Nam đang được bàn thảo.
Rất nhiều con bạc khi đã lâm vào vòng xoáy đam mê cờ bạc thì có thể sẽ “báo nhà” đến khi chẳng còn gì bòn rút nữa. Một kịch bản rất quen thuộc là xin lỗi, hứa hẹn thay đổi rồi một thời gian sau lại ngập trong nợ nần. Như cậu thanh niên tôi kể ở trên không biết đến giờ đã cai được cờ bạc hay chưa, tôi không còn ở đấy để biết kết quả. Nhưng đấy là những gia đình còn có điều kiện “thanh khoản”, với những gia đình đã khánh kiệt thì sự mất mát hoàn toàn có thể là máu hay thậm chí tính mạng.
Ông con rể bác ruột tôi cờ bạc, rồi nợ tiền. Nhóm giang hồ đè ông bà nhạc phụ ra để siết nợ. Sau vài lần đã cắn răng trả nợ cho cậu rể quý thì ông nhạc phụ là cựu chiến binh chống Mỹ, chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học, không có công ăn việc làm ổn định, lại nuôi một cậu con trai chịu di chứng của chất độc hóa học đã cạn kiệt.
Nhưng đám giang hồ không chịu dừng lại. Chúng liên tục tra tấn ông và gia đình bằng đủ trò khủng bố. Sự việc kéo dài, không có sự can thiệp đủ mạnh của chính quyền, bác tôi bế tắc và suy sụp về mặt tinh thần. Ông ra khỏi nhà tháng 7 năm ngoái trong một tối mưa gió với lời nhắn: “Đi trả nốt nợ cho con”. Từ đó không ai còn nhìn thấy hay liên lạc được với ông. Với một người chưa bao giờ rời xa gia đình lấy một ngày như ông thì cả nhà hiểu rằng ông đã nghĩ quẩn “đi trả nợ đời”. Nhưng vì dù đã rất nỗ lực song chẳng thể tìm thấy xác, gia đình vẫn chưa dám làm lễ gì cho ông. Người cựu binh từng đứng vững vào sinh ra tử ở thành cổ Quảng Trị nơi khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ lại gục ngã cay đắng giữa đời thường và còn đang mất giỗ.
Tôi vẫn ước rằng, giá như bác tôi chưa từng một lần nào đứng ra trả nợ hộ ông anh rể “báo nhà”.