Trong tuần qua, một phiên tòa tại thành phố Bordeaux đã bác bỏ lệnh trục xuất đối với một người đàn ông 40 tuổi gốc Bangladesh do người này sẽ phải đối mặt với “tình trạng bệnh lý hô hấp ngày càng trầm trọng hơn do ô nhiễm không khí”.
Sailesh Mehta, một luật sư chuyên về các vụ việc liên quan tới môi trường, lập luận rằng người này có nguy cơ chết sớm do mức độ ô nhiễm nguy hiểm ở quê nhà.
“Mối liên hệ giữa di cư và suy thoái môi trường là rõ ràng. Khi tình trạng ấm lên toàn cầu khiến nhiều nơi không thể ở được, việc di cư hàng loạt sẽ trở nên phổ biến. Ô nhiễm không khí và nước không tôn trọng ranh giới quốc gia. Chúng ta có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo trở thành một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Nhưng các nhà lãnh đạo của chúng ta phải hành động ngay bây giờ", vị luật sư nói.
“Chúng ta có quyền được hít thở không khí sạch. Các chính phủ và tòa án đang bắt đầu công nhận quyền cơ bản này của con người. Vấn đề không chỉ là của Bangladesh và thế giới đang phát triển", luật sư Mehta lập luận. "Ô nhiễm không khí góp phần gây ra khoảng 200.000 ca tử vong mỗi năm ở Anh. Một trong bốn trường hợp tử vong trên toàn thế giới có thể liên quan đến ô nhiễm”.
Các trường đại học Yale và Columbia xếp Bangladesh thứ 179 trên thế giới về chất lượng không khí vào năm 2020, trong khi nồng độ các bụi mịn trong không khí ở đây cao gấp 6 lần mức tối đa được khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tiến sĩ David R Boyd, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền và môi trường, đồng ý với phân tích của luật sư Mehta: “Ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm, vì vậy có thể hiểu được nếu mọi người cảm thấy buộc phải di cư để tìm kiếm không khí sạch để bảo vệ sức khỏe của họ. Ô nhiễm không khí là một thảm họa sức khỏe cộng đồng toàn cầu không nhận được sự quan tâm xứng đáng bởi vì hầu hết những người chết là người nghèo hoặc dễ bị tổn thương ”.
Theo Tổ chức Công lý Môi trường, cứ 1,3 giây lại có một người buộc phải rời khỏi nhà cửa và cộng đồng do khủng hoảng khí hậu nhưng hàng triệu người đang thiếu sự bảo vệ của pháp luật. Tổ chức này đã kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện nhanh chóng và đầy đủ thỏa thuận khí hậu Paris.
Một phán quyết của ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc cách đây một năm cho thấy việc các chính phủ đưa người tị nạn trở lại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là trái pháp luật.