"Giờ đây nước Mỹ đã thua cuộc", ông Duterte nói tại một diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh hôm 20/10. "Tôi đã để bản thân trôi theo hệ tư tưởng của các bạn và có lẽ tôi sẽ đến Nga để nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin. Tôi muốn nói với ông ấy rằng 3 chúng tôi - Trung Quốc, Philippines và Nga - sẽ chống lại cả thế giới. Đó là con đường duy nhất".
Chưa đầy 3 tuần nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra, "lời chia tay" của ông Duterte phủ thêm bóng đen lên mối quan hệ đồng minh 7 thập kỷ vốn đang gặp thách thức giữa Mỹ và Philippines. Đồng thời, nó cũng đe dọa chính sách "tái cân bằng" tại châu Á của chính quyền Obama.
Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh sáng 20/10. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh sáng 20/10. Ảnh: Reuters. |
Nhà Trắng bối rối
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói Washington đang yêu cầu sự giải thích từ phía Manila. Tuy nhiên, ông Kirby chỉ dừng lại ở việc khẳng định phát biểu của ông Duterte "khác biệt một cách khó hiểu" nếu so với mối quan hệ thân thiết giữa hai nước.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Obama đã luôn tìm mọi cách để "việc to hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không" sau những tuyên bố "gây sốc" từ vị tổng thống Philippines.
Đồng thời, Washington cũng tỏ ra thận trọng hơn trong các phát biểu về cuộc chiến ma túy "chết chóc" để không làm mất lòng hoặc gây "kích động" ông Duterte. Nhà Trắng được cho đã thảo luận nghiêm túc về giới hạn của việc chỉ trích ông Duterte và thống nhất Washington sẽ không quá "to giọng".
Thế nhưng, những nỗ lực đó có vẻ không thực sự mang lại hiệu quả. Sau hàng loạt "đe dọa", tuyên bố hôm 20/10 của ông Duterte đã đưa sóng gió ngoại giao lên một mức báo động mới khi được phát đi ngay trong thời gian ông ở thăm Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói sẽ yêu cầu Manila giải thích về tuyên bố "chia tay" của ông Duterte. Ảnh: c-span.org. |
Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, nói: "Có vẻ việc lên tiếng chẳng có tác dụng gì bởi vì mỗi khi bạn phản ứng, ông ấy lại 'bung' hết vốn ngôn từ khó nghe mà ông ấy có".
Nhà Trắng dường như đang tỏ ra bối rối trong việc lựa chọn đường đi nước bước sau tuyên bố của ông Duterte. Theo kế hoạch, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel sẽ có chuyến công tác tại Manila cuối tuần này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Russel sẽ cố "làm rõ" phát biểu trên.
Có thể một trong những nguyên nhân khiến Nhà Trắng bối rối chính là thực tế rằng Philippines đến nay vẫn chưa hủy tập trận chung với Mỹ hay chính thức đề nghị bất cứ thay đổi cụ thể nào về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, dù ông Duterte nhiều lần nói "chia tay".
Bên cạnh đó, không ít nhà quan sát nghi ngờ rằng những phát ngôn của ông Duterte chỉ là "chiêu trò". Theo một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên, ông Duterte đang cố "chơi chiêu cũ rích nhằm khiến Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau để Philippines hưởng lợi".
Đồng thời, các chuyên gia nhận định nếu cân nhắc đến vấn đề lợi ích, Philippines có thể vẫn lựa chọn đứng về phía Mỹ.
Tiến thoái lưỡng nan
Dù sao đi nữa, sự khó lường của Tổng thống Philippines lần này đã đặt Mỹ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu chọn cách phản ứng gay gắt hơn về cuộc chiến chống tội phạm ma túy tại Philippines, Washington có thể sẽ quyết định ngừng hỗ trợ quân sự đối với Manila.
Tuy nhiên, theo như những gì ông Duterte và các quan chức chính phủ Philippines từng tuyên bố, nước này có thể sẽ không cần đến Mỹ. Những chuyến đi đến Trung Quốc và Nga cũng là dấu hiệu cho thấy Manila có thể sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ khác ngoài Washington.
Tuyên bố "chia tay" của ông Duterte đặt chính quyền Obama vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ảnh: AP. |
Bộ trưởng Thương Philippines Ramon Lopez cho biết các thỏa thuận trị giá 13,5 tỷ USD sẽ được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc lần này. Trong khi đó, Nhà Trắng công bố đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Philippines hiện tại vào khoảng hơn 4,7 tỷ USD.
Mỹ đã "rót" vào Philippines hàng triệu USD hỗ trợ quân sự tăng cường trong 2 năm qua. Đây được xem là một phần của nỗ lực mà Washington thực hiện nhằm gia tăng sức mạnh của đồng minh Đông Nam Á để đối phó với việc Trung Quốc theo đuổi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Nếu tuyên bố của ông Duterte trở thành sự thật, Mỹ sẽ mất những căn cứ quân sự tại Philippines. Nói như Robert Manning, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Cục Tình báo Quốc gia Mỹ, điều này sẽ là một "cú đánh trời giáng" với Washington.
"Nếu mất Philippines, chúng ta sẽ phải thay đổi lại toàn bộ cách tiếp cận đối với khu vực", ông Manning nhận định.
Cờ Mỹ được hạ xuống và cờ Philippines được kéo lên khi căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Subic, Philippines, đóng cửa vào năm 1992. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Thế nhưng, bất chấp khả năng Philippines "xoay trục" về Nga và Trung Quốc, một số thành viên quốc hội Mỹ đã ra dấu hiệu họ sẽ xem xét lại điều kiện của các khoản viện trợ mà Mỹ dành cho Philippines nếu cuộc chiến ma túy vẫn tiếp diễn.
Cũng chung quan điểm, cựu trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề nhân quyền tại Philippines. "Chúng ta sẽ bỏ qua chuyện đó để duy trì các hoạt động quân sự chiến lược trong im lặng ư? Tôi cho rằng việc này sẽ rất khó khăn", ông Campbell nói.
Đã đến lúc Washington phải nhận thức rõ rằng mối quan hệ họ từng có với Manila sẽ không còn "nghiễm nhiên" như xưa. Thậm chí, có lẽ họ đã sớm nhận ra điều đó.