Ông lão viết 20.000 lá thư báo mộ liệt sĩ

13 năm qua, ông Nguyễn Tiến Xuân, 82 tuổi, đã gửi hơn 20.000 lá thư báo mộ, giúp 412 liệt sĩ "đoàn tụ" với gia đình sau hàng chục năm tìm kiếm.
Ông lão viết 20.000 lá thư báo mộ liệt sĩ ảnh 1

Mỗi sáng và chiều muộn, ông Xuân lại ngồi vào bàn làm việc ở tầng hai vừa nghe, vừa ghi chép, viết thư gửi các thân nhân liệt sĩ. Trung bình, 100 lá thư gửi đi, ông giúp khoảng hai gia đình tìm thấy hài cốt người thân. "Tuy tốn công, kết quả không nhiều, nhưng tích tiểu sẽ thành đại", ông nói. Ảnh: Phạm Nga.

Chiều tối, trong căn nhà ở Cái Bè, Tiền Giang, bà Trần Kim Anh, 78 tuổi, đang nằm nghỉ thì nghe tiếng gọi gấp gáp của anh con trai nuôi. Bước vào, người thanh niên đặt bức thư đã bóc vào tay bà: "Có người ở Hà Nội nói biết mộ ba con ở đâu. Má đọc coi sao".

"Tim đập thình thịch, tay tôi run. Tên, tuổi, năm hi sinh của chồng tôi đều chính xác", bà Kim Anh, vợ liệt sĩ Huỳnh Văn Chính, kể lại chuyện vui bất ngờ đến với gia đình vào tháng 10/2018.

Cách đây 53 năm, khi nhận giấy báo tử, người vợ trẻ Kim Anh không tin là chồng mình đã hi sinh, quyết đợi ngày hòa bình để đi tìm. Năm 1975, những người lính nhập ngũ cùng đợt ông Chính lần lượt trở về, nhưng ông thì không. "Lúc ấy tui mới tin chồng tui chết. Gửi đứa con nhỏ cho nhà ngoại, tui đi khắp các nghĩa trang Bến Cát, Bình Dương tìm mà không ra", giọng bà nghèn nghẹn.

Bốn ngày sau khi đọc được thư từ Hà Nội gửi vào, bà Kim Anh cùng vợ chồng con gái ruột và người con trai luộc sẵn con gà, mang trái cây, vàng hương, bắt xe khách đến nghĩa trang liệt sĩ ở Đồng Xoài, Bình Phước, cách nhà hơn 200 km.

"Mình ơi con gái chúng ta đây, lúc mình đi bộ đội nó mới 5 tháng, giờ nó lớn chừng này rồi nè", miệng nói, tay bà kéo người con gái ngoài 50 tuổi lại gần, rồi cứ thế bưng mặt khóc.

Bao năm qua, một mình bà Kim Anh vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi con gái khôn lớn trưởng thành. "Khó khăn nào tui cũng cố vượt qua, nhưng day dứt vì không tìm thấy mộ chồng thì chẳng thể nguôi ngoai. Cứ tưởng hết đời này tui cũng không tìm được ông ấy, thế mà trời thương, lại có người báo tin cho tui", bà nói.

Từ đó đến nay, cứ Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, ngày 27/7, người vợ lại bắt xe đi viếng mộ chồng - điều mà hơn nửa đời người bà đã không thể làm được.

Trong 13 năm qua, bà Kim Anh là một trong 20.000 gia đình đã nhận được thư báo mộ liệt sĩ do ông Nguyễn Tiến Xuân, ở Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, thu thập và viết.

Ông lão viết 20.000 lá thư báo mộ liệt sĩ ảnh 2

Năm 2007, khi trình bày xong kế hoạch viết thư thông báo nơi an nghỉ của các liệt sĩ với lãnh đạo huyện, ông Xuân đạp xe từ nhà lên phố Hàng Gai, cách hơn 17 km để đặt hai con dấu khắc tên mình và dòng chữ "THƯ BÁO MỘ LIỆT SĨ". Có con dấu này, thư ông gửi ở bưu điện nào cũng trót lọt, không cần tem. Ảnh: Phạm Nga.

Ông lão 82 tuổi kể, nhà ông có hai anh trai là liệt sĩ, một người đã an nghỉ ở quê nhà, nhưng một người đến nay chưa tìm thấy hài cốt. Từ khi còn là cậu thiếu niên 15 tuổi, ông Xuân đã đạp xe đi khắp huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Tây cũ) – nơi anh trai đóng quân để tìm mộ. "Mưa nắng tôi cũng đi tìm, có lần vào làng bị cả đàn chó lùa theo. Ba năm liền tìm kiếm không được, day dứt xen lẫn thất vọng", ông Xuân kể. Năm 1959, mẹ ông qua đời. Trước khi nhắm mắt, bà dặn con trai út cố tìm mộ anh để về an nghỉ cạnh mộ phần mẹ.

"Ngày trẻ còn sức khỏe thỉnh thoảng tôi lại đi tìm, giờ già rồi, có ai mách thì các con thay tôi đi. Tai không còn thính, mắt đã mờ, tóc đã bạc nhưng tâm nguyện của mẹ không thành, lòng tôi vẫn không yên", vị cán bộ ngân hàng về hưu kể.

Vì chưa tìm thấy hài cốt của anh, ông Xuân thường xuyên nghe chương trình Thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc trên đài Tiếng nói Việt Nam. "Tôi nghĩ phát như thế này là cách làm rất gần gũi, phổ thông. Tuy nhiên, người nghe đài ít, khó có gia đình liệt sĩ nào tìm được mộ bằng cách này", ông nói. Cùng chung nỗi đau không tìm thấy mộ người thân, ông nghĩ ra cách chép lại thông tin trên đài, viết thư báo về địa phương, quê của liệt sĩ.

Ban đầu, ông nghe và ghi lại thông tin thật vắn tắt, đợi chương trình phát lại thì kiểm tra thêm lần nữa. Một tuần đài phát ba số, mỗi số đọc tên, địa chỉ nơi quy tập của 15 liệt sĩ. Xác định có nhiều thư phải viết, ông Xuân tính toán cách thức trình bày sao cho ngắn gọn, đầy đủ thông tin nhất. "Vừa viết vừa sắp xếp, tôi soạn được mẫu thư dài hơn 100 chữ, tất cả đều viết tay. Viết nhiều quá nên thuộc luôn", ông nói. Trong thư, ông gửi kèm số điện thoại của mình, để thân nhân nào cần biết thêm thông tin sẽ gọi điện.

Lần đầu tiên cách đây 13 năm, ông Xuân đạp xe lên bưu điện cách nhà 2 km để gửi đi 45 lá thư rồi thấp thỏm hy vọng có người hồi âm. Vài ngày sau, ông nhận được một cuộc điện thoại, nhưng không phải của thân nhân liệt sĩ mà của nhân viên bưu điện báo tin, thư của ông không có tem nên không thể gửi đi. Thấy các thư đều chỉ có tên người gửi là Nguyễn Tiến Xuân, không địa chỉ, không số điện thoại liên hệ, cô nhân viên bưu điện đành bóc thư.

Tuy nhiên, 45 lá thư đầu tiên này không bị trả lại. Sau khi đọc thư, biết ông Xuân làm việc nghĩa, cô gái đã tự bỏ tiền túi mua tem dán để gửi đi. "Cô ấy nói bác làm việc nhân đạo thì cháu sẽ làm cùng, nhưng nếu bác định làm lâu dài thì nên tìm giải pháp, không thể mãi thế này được", ông Xuân kể lại.

Ông lão viết 20.000 lá thư báo mộ liệt sĩ ảnh 3

Trước đây, bưu điện cách nhà hơn 2km, nhưng hiện nay, bưu điện mới xây cách nhà ông Xuân chỉ năm phút đạp xe. Tôi xem công việc này là thú vui của mình, mà vui là không mệt. Mọi người bảo tôi liệt sỹ phù hộ cho nên tuổi cao vẫn khỏe khoắn, minh mẫn, ông cười nói. Ảnh: Phạm Nga.

Từ bưu điện, ông đạp xe lên UBND huyện Hoài Đức trình bày "kế hoạch lâu dài" của mình. Từ đó, với mỗi bức thư, ông Xuân chỉ việc viết dòng chữ "Thư báo mộ liệt sĩ", không cần dán tem. Để đỡ mất công, ông lão đặt làm hai con dấu, một chiếc khắc họ tên đầy đủ của mình và một con dấu khắc dòng chữ "Thư báo mộ liệt sĩ" để đóng ngoài bì thư.

Sáng sáng, trong căn phòng ở tầng hai, ông Xuân ngồi vào bàn, bật đài, chép lại thông tin vừa nghe được. Về sau, tai không còn minh mẫn, ông ghi âm để kiểm tra lại. Năm 2018, khi Đài tiếng nói Việt Nam biết đến công việc của ông đã liên hệ, cung cấp tài liệu để ông có thông tin chi tiết và chính xác nhất.

Chị Nguyễn Thị Quý, 47 tuổi, con thứ hai của ông Xuân kể: "Ban đầu thấy ông mắt kém nhưng cứ cắm cúi viết lách, tôi cũng khuyên ông đừng cố quá. Nhưng bố tôi bảo ‘chắc đi tìm mộ bác nhiều, các liệt sĩ quen mặt nên nhờ bố làm thế này".

Về sau, ông Xuân trích lương hưu đi thay thủy tinh thể, mắt sáng, ông viết thư đều tay hơn. Niềm vui của ông là trong hàng trăm lá thư gửi đi, thi thoảng lại nhận được vài cuộc điện thoại hồi đáp. Có người gọi điện cảm ơn ông vì đã giúp họ tìm được mộ người thân sau hàng chục năm tìm kiếm. Nhưng cũng có người gọi chỉ để thông báo ‘gia đình cháu đã tìm được mộ bố cháu và đưa về hơn chục năm nay, nhưng dù sao cũng vẫn biết ơn bác vì đã báo tin’.

Vài năm trước, số điện thoại của ông Xuân thay đổi. Không gọi được cho ông, gia đình một liệt sĩ ở tận miền Trung vẫn đi xe khách ra bến Mỹ Đình (Hà Nội), rồi thuê xe ôm chở đến chợ Vân Canh, hỏi thăm vào tận nhà chỉ để biếu ông yến gạo hay vài con gà.

Ông Trần Văn Kiềm, 71 tuổi, ở Mỏ Cày, Bến Tre, em trai liệt sĩ Trần Thị Buối, đang yên nghỉ ở nghĩa trang Đồng Xoài, Bình Phước, nói: "Tôi luôn mang ơn ông Xuân, nếu không có ông tận tụy biên thư, tui có chết cũng chưa tìm thấy mộ chị gái mình". 

Mùa đông năm ngoái, ông Xuân gặp một giấc mơ lạ. Trong mơ, ông thấy có người gọi. Mở cửa bước ra, ông thấy một người đàn ông mặc áo lính ngoài hiên nhà. "Ông là ai?", ông Xuân hỏi. "Tui là liệt sĩ ở nghĩa trang Đồng Xoài vừa được anh báo mộ. Vợ con tui đã đưa tui về quê hương rồi. Cảm ơn anh nhiều lắm".

"Chỉ là giấc mơ nhưng tôi thấy lòng rất vui. Tôi nghĩ việc làm của mình cũng an ủi các anh ấy phần nào nên càng có động lực viết tiếp những lá thư sau", người đàn ông 82 tuổi, nói. Trong 20.000 lá thư báo mộ liệt sĩ suốt 13 năm, ông Xuân đã giúp 412 gia đình tìm thấy hài cốt người thân. Tất cả thông tin về các liệt sĩ đều được ông cán bộ ngân hàng về hưu chép tay đầy đủ trong hơn chục cuốn sổ tay.

Năm 2017, ông Nguyễn Tiến Xuân được Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tặng bằng khen vì đã giúp thu thập, cung cấp thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Anh Đàm Văn Nguyên, Phó chỉ huy, Ban chỉ huy quân sự xã Vân Canh nhận xét: "Ông tuổi cao nhưng tận tụy và tâm huyết, tính ông cũng điềm đạm, nhiệt tình. Ông là tấm gương để thế hệ trẻ học tập".

Nhờ cháu nội lên Internet tìm kiếm, ông Xuân có thêm danh sách hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ nên muốn viết thư báo cho thân nhân. "Mong có thêm thật nhiều người làm công việc như tôi, để các liệt sĩ được sớm về bên gia đình và bớt những người cả đời day dứt vì chưa tìm thấy mộ người thân như tôi", ông nói, mắt nhìn lên bàn thờ hai người anh trai. Bàn thờ hai người không có ảnh vì họ đã nằm xuống khi tuổi mới đôi mươi.

Theo Vnexpress
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.