Cũng đẫn này năm ngoái, tôi có chuyến công tác dài sang Campuchia.
Nghe được thông tin về 1 người lính Việt Nam bị mất trí nhớ vẫn ở lại Campuchia suốt từ 1979, chúng tôi vội tìm đến. Dưới ngôi nhà sàn cao truyền thống của người Cam, vợ con ông K (xin tạm gọi là thế), kể lại.
Năm 1979, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ mất 1 tháng để lật đổ chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. Tuy nhiên với sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Thái Lan, tàn quân Khmer Đỏ rút vào các vùng biên giới, chống trả quyết liệt. Tình trạng xôi đỗ (vùng giải phóng và vùng bị Khmer Đỏ tạm chiếm) kéo dài suốt 10 năm sau đó, quân đội Việt Nam vẫn phải ở lại hỗ trợ quân đội chính phủ Campuchia chiến đấu, bảo vệ nhân dân.
Mùa khô năm 86, ở Battambong, có 1 người lính Việt Nam chạy vào nhà dân xin giúp đỡ. Người anh đầy máu, bắp đùi và phía sau đầu có 2 vết thương lớn. Chỉ lết được qua cửa, lắp bắp mấy câu, rồi anh bộ đội ngất đi. Hai vợ chồng chủ nhà bảo cô con gái lớn mới 19 tuổi đưa anh xuống hầm (thời bom rơi đạn lạc, nhà nào cũng đào hầm trú ẩn), băng bó cầm máu cho anh.
Sáng hôm sau, quân Khmer Đỏ ùa vào nhà, tra khảo có giấu bộ đội không? Cả nhà nhất định nói không. Chúng lục soát không thấy gì, trước khi rút còn hăm dọa, nếu phát hiện giấu bộ đội Việt Nam, chúng cắt đầu cả nhà.
Từ ấy, anh bộ đội Việt Nam trải qua 6 tháng trời nằm dưới hầm trú ẩn, được gia đình người Campuchia nuôi giấu. Thần kỳ, anh sống, và đứng dậy được, dù là lẩy bẩy như đứa trẻ tập đi.
Vết thương sau đầu khiến anh mất trí nhớ, không nói được tên đơn vị cũng như quê quán gì. Chỉ nhớ mình tên là K, quê ở Việt Nam, thế thôi. Vậy là sau khi bình phục rồi, anh K ở lại nhà ân nhân. Cô gái 19 tuổi sau cả năm trời chăm sóc cũng nảy sinh tình cảm, họ nên vợ nên chồng. Lần lượt họ có với nhau 4 con, 3 gái, 1 trai. Cô út năm nay 16 tuổi.
Suốt những năm dài sau đó, ông K cố gắng nhớ lại, nhưng không thể. Những nỗ lực để đào xới ký ức chỉ khiến ông lên cơn động kinh, đau đớn đến mức co giật (tình trạng cũng tương tự như khi trái gió trở trời).
Bà vợ ông, trong suốt hơn 30 năm nằm cạnh chồng, đêm đêm đối mặt với sự dằn vặt trong tâm trí. Biết đâu đấy, sáng mai ông tỉnh dậy và nhớ lại tất cả. Sẽ thế nào? Ông sẽ về Việt Nam, hay ở lại Campuchia với mẹ con bà? Gia đình của ông ở Việt Nam ra sao? Họ có còn tìm kiếm ông, cần ông như mẹ con bà hay không?
Người vợ không biết phải mong chồng hồi phục trí nhớ, hay mong ông mãi mãi lãng quên…
Cho đến một hôm, đoàn tìm mộ liệt sĩ sang Battambong, tìm đến tận nhà và nói với ông K câu chuyện mà rất có thể ông là nhân vật chính. Ông đã có vợ và 2 con ở một tỉnh miền Trung, nếu không bị thương năm 1986 thì chỉ cuối tháng ấy là ông được phục viên. Trận đánh với Khmer Đỏ năm ấy, đơn vị ông thiệt quân rất nặng, nhiều thi thể bị xé nát bởi đạn pháo nên những người còn sống gom lại trong một nấm mộ tập thể. Trên bia mộ có tên ông K. Năm 2018, nhân một đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ sang Battambong, gia đình ông K nhờ tìm mộ của ông. Ai ngờ, khi sang đến nơi, một người trong đoàn quy tập khi tìm kiếm lại được người dân kể về một anh bộ đội Việt Nam bị mất trí nhớ nên ở lại.
Họ hồi hộp xác minh bằng một cuộc gọi video-call, nối máy với gia đình ông K ở Việt Nam. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng làm sao vợ chồng quên được mặt nhau? Người vợ Việt Nam khóc nấc lên, gọi chồng. Một tia chớp lóe lên, ông K đột nhiên nhớ lại gần như tất cả…
Khi chúng tôi tìm đến, ông K đã về Việt Nam 3 tháng. Người vợ Campuchia hiền hậu, tay vê vê tà áo, mắt nhìn trân trân xuống đôi dép cũ, nói rằng: Thôi thì tôi chỉ mong ông ấy mạnh khỏe. Thế còn có quay về với mẹ con tôi hay không thì tùy ở ông ấy.
Bốn người con của ông K cũng vậy. Họ nhắn: Bố giữ gìn sức khỏe, vết thương của bố khi thay đổi thời tiết sẽ rất nguy hiểm, mọi người ở bên đó có biết chăm bố không…
Nói đến đấy, cô út khóc nức lên. Cậu con trai mắt cũng đỏ hoe.
Chúng tôi chào gia đình, đi về. Câu chuyện không có cái kết. Cũng không thể đưa lên sóng truyền hình. Nó lửng lơ ở đấy, như dòng Mekong nước chảy qua cả 2 quốc gia, mà bên nào cũng coi như mạch sống.
----
Hôm rồi, Facebook báo sinh nhật của một cái tên Campuchia lạ lẫm. Tôi bấm vào xem, thì là con trai của ông K. Năm ngoái chúng tôi đã add tài khoản để tiện liên lạc sau này.
Tôi vào chúc mừng, cậu bảo không phải, sinh nhật em là ngày 1/1.
Tôi hỏi chuyện sao rồi, bố em có về với mẹ con em không? Cậu nói bây giờ bố em ở Việt Nam. Rồi im lặng.
Tôi chào, gửi lời chúc đến gia đình và hẹn có dịp tái ngộ. Cậu nói cũng rất mong như vậy.
Cậu gửi cho tôi bức ảnh chụp màn hình khi 2 cha con chat video-call. Và tôi biết, có thể sẽ rất rất lâu nữa họ mới lại gặp nhau, ăn một bữa cơm. Thời đại này nó vậy, khi người ta cho rằng mình vẫn giữ liên lạc thường xuyên với ai đó, người ta sẽ không có nhu cầu gặp ngoài đời nữa.
Đấy lại vẫn là 1 cái kết lửng lơ của cuộc đời.