Chỉ vài ngày sau khi được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng, ông Christopher Miller tuyên bố Mỹ sẽ giảm số binh sĩ xuống còn 2.500 người ở cả Afghanistan và Iraq trước ngày 15/1/2021. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nói rằng, Tổng thống Trump muốn “kết thúc các cuộc chiến bất tận của Mỹ”.
Trong lịch sử, hầu hết các cuộc xung đột Mỹ tham gia đều nằm dưới vỏ bọc “ủy quyền lực lượng quân sự” do Quốc hội Mỹ trao cho tổng thống.
Sự ủy quyền quân sự của Quốc hội đã được trao cho Tổng thống George W. Bush vào năm 2001 trong Cuộc chiến chống khủng bố và Chiến tranh Iraq năm 2003, và được trao cho cha ông, Tổng thống George H.W. Bush tham gia Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Tổng thống Ronald Reagan với nhiệm kỳ từ năm 1981-1989 cũng đã được Quốc hội chấp thuận vào năm 1983 để gửi lực lượng đến Lebanon, nhằm giảm nguy cơ xảy ra nội chiến.
Những tổng khác cũng để Mỹ tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài. Tổng thống Barack Obama đã điều binh sĩ Mỹ tham gia cuộc nội chiến Libya vào năm 2011. Trước đó, Tổng thống Bill Clinton nhận được sự ủy quyền từ Liên Hợp Quốc và hỗ trợ từ Quốc hội để đưa 20.000 lính Mỹ tham gia Chiến tranh Bosnia vào năm 1995.
Đây có thể là một điểm chung giữa ông Trump và ông Jimmy Carter, khi 2 người đều là tổng thống một nhiệm kỳ.
Tổng thống Jimmy Carter cho biết, một trong những thành tựu lớn nhất của ông là không để Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột quân sự. “Chúng tôi chưa bao giờ tham chiến. Chúng tôi chưa bao giờ ném bom. Chúng tôi chưa bao giờ bắn một viên đạn”, ông Carter nói với The Guardian vào năm 2011.
Theo Newsweek, dù không để Mỹ dính vào một cuộc xung đột nào, nhưng chắc chắn ông Trump không thể đưa ra tuyên bố như Tổng thống Carter. Trong số những lệnh tấn công quân sự Tổng thống Trump từng đưa ra trong nhiệm kỳ có cuộc không kích ở Syria năm 2017 và 2018 nhằm đáp trả vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.