GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, cho hay phác đồ điều trị có nhiều cải tiến. Điều đó xuất phát từ kinh nghiệm xử lý những ca trước đó tại Việt Nam cùng tốc độ nghiên cứu của ngành y học thế giới.
GS.TS Nguyễn Gia Bình. Ảnh: VnExpress |
Phân loại mức độ nặng để điều trị
Những ngày đầu dịch, hầu hết bệnh nhân Covid-19 nước ta chỉ ở mức độ nhẹ, được điều trị triệu chứng nhẹ kết hợp truyền dịch và dùng thuốc nâng cao thể trạng. Song có bệnh nhân diễn tiến bất thường viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp nặng, sốc nhiễm trùng... được điều trị tích cực, phải liên tục theo dõi phản ứng, nếu thuốc có hiệu quả thì tiếp tục áp dụng, nếu không đáp ứng tốt thì ngay lập tức phải đổi phác đồ.
Đối với phác đồ điều trị mới, các bác sĩ cần phân loại bệnh nhân và đánh giá toàn diện mức độ suy tạng liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tắc mạch, thần kinh, thận, gan... cùng những bệnh kèm theo trước khi tổ chức điều trị. Đặc biệt, khi phân loại mức độ nặng nhẹ giúp y bác sĩ lên kế hoạch điều trị đồng thời sắp xếp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực phù hợp nhất.
Ví dụ như điều trị suy hô hấp, việc phân loại mức độ nặng thông qua nhịp thở, nhận định tình trạng tổn thương phổi bằng các biện pháp chẩn đoán sẵn có. Qua đó, các y bác sĩ mới xác định đặt ống nội khí quản và cho thở máy khi cần.
Ngoài ra, giáo sư Bình bổ sung về mức độ quan trọng trong công tác chống rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, cơn bão cytokine, điều trị các dạng suy tạng liên quan đến tiêu hóa, thần kinh, thận...
Có bốn mức độ xếp loại bệnh nhân bao gồm:
- Mức độ nhẹ, không có triệu chứng lâm sàng, cần cách ly và sử dụng thuốc kháng virus.
- Mức độ trung bình, người bệnh có có sốt, ho, cảm cúm, nhịp thở dưới 21, độ bão hòa oxy trên 96%...
- Mức độ nặng, người bệnh suy hô hấp, suy tạng, có các bệnh kèm theo.
- Mức độ nguy kịch, độ bão hòa oxy dưới 92%, suy tạng, sốc nhiễm khuẩn, có bệnh kèm theo.
Cải tiến về thuốc điều trị và chú trọng vấn đề tâm lý
Về nguyên tắc điều trị, GS Nguyễn Gia Bình cho biết Việt Nam đang điều trị theo nguyên nhân, chống cơn bão cytokine, điều trị triệu chứng, bệnh kèm theo, chống bội nhiễm và hỗ trợ về dinh dưỡng, phục hồi chức năng. Tuy nhiên, trong lần hoàn thiện này, các y bác sĩ sẽ cần đặc biệt chú ý tới vấn đề tâm lý.
Theo đó, Bộ Y tế nhận định nhiệm vụ động viên tinh thần bệnh nhân trong điều kiện họ còn tỉnh là rất cần thiết. Theo GS Bình, việc bố trí bác sĩ tâm lý cho các bệnh nhân để tăng sự lạc quan là giải pháp tốt nhất.
Trong phác đồ điều trị công bố hồi tháng 3, các loại thuốc kháng virus đặc hiệu như Lopinavir/Ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir được Bộ Y tế nhận định là chưa đủ bằng chứng về hiệu quả. Tuy nhiên, trong lần hoàn thiện thứ 4, GS Nguyễn Gia Bình khẳng định yếu tố thuốc kháng virus đã có nhiều tiến bộ.
Cụ thể, Lopinavir, Ritonavir và Interferon đã được Việt Nam sử dụng có hiệu quả, bệnh nhân hết virus sau 7 ngày dùng. Remdesivir của Mỹ có thể dùng nhưng được đánh giá là không dễ tìm. Trong khi đó, loại thuốc được sử dụng ở Nga là Favipiravir mang đến khá nhiều hứa hẹn.
Việt Nam tăng tốc xét nghiệm Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. |
Điểm mới trong phác đồ điều trị lần này chính là việc huyết tương của người khỏi bệnh cũng được xem là một giải pháp thay thế thuốc kháng virus. Việt Nam không còn sử dụng Chloroquin trong điều trị Covid-19.
Ngoài ra, GS Bình bổ sung về mức độ quan trọng trong công tác chống rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, cơn bão cytokine cũng như điều trị các dạng suy tạng liên quan đến tiêu hóa, thần kinh, thận.
Việc chống rối loạn đông máu cho bệnh nhân Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng và đặc biệt cần thiết. Trong khi đó, kết quả loại bỏ cơn bão cytokine có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, tránh làm tổn thương tạng.
Một số lưu ý trong việc điều trị, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 mà các y bác sĩ, điều dưỡng không được phép bỏ qua bao gồm: Lên kế hoạch về chế độ dinh dưỡng nhiều bữa, dễ tiêu, kiểm soát lượng đường trong máu, huyếp áp, nhiễm khuẩn và xử lý các bệnh kèm theo.
Để hoàn thành những nhiệm vụ này, bệnh viện và các nhân viên y tế cần chủ động làm việc nhóm, hội chẩn với sự tham gia của nhiều chuyên khoa.
Khuyến cáo của Bộ Y tế để giảm vấn đề tâm lý cho bệnh nhân Covid-19:
- Tuân thủ tuyệt đối hoạt động phòng chống lây nhiễm nCoV trong bệnh viện. Đảm bảo ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ thói quen ngủ đều đặn và sử dụng thực phẩm lành mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên và tạo thành thói quen. Không sử dụng các chất kích thích.
- Chủ động chia sẻ với người bạn tin tưởng và nhân viên y tế về những điều bạn lo lắng. Thường xuyên kết nối và liên lạc với gia đình để luôn lạc quan.
- Quan sát, hỗ trợ bệnh nhân cùng phòng cách ly, nhất là khi họ có biểu hiện lo lắng, căng thẳng.
- Sống tích cực, tin tưởng vào tương lai. Giữ thái độ bình tĩnh để vượt qua đại dịch.
- Tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý tại cơ sở điều trị khi có dấu hiệu nghi ngờ về tâm lý.