Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do các nhà thần kinh học tại Trường Y Harvard dẫn đầu đã xác định các loại tế bào khứu giác dễ bị nhiễm nhất bởi SARS-CoV-2.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các nơron thần kinh khứu giác không biểu hiện gen mã hóa protein thụ thể ACE2, vốn được virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào tế bào của người bệnh. Thay vào đó, ACE2 được biểu hiện trong các tế bào cung cấp hỗ trợ trao đổi chất và cấu trúc cho các nơron khứu giác, cũng như một số quần thể tế bào gốc và tế bào mạch máu.
"Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng cơ chế khiến virus corona thay đổi khứu giác ở bệnh nhân không phải bằng cách lây nhiễm trực tiếp nơron thần kinh mà bằng cách ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào hỗ trợ", tác giả nghiên cứu Robert Datta chỉ ra.
Điều này chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 không có khả năng làm tổn thương vĩnh viễn các mạch thần kinh khứu giác và dẫn đến chứng mất khứu giác dai dẳng, vốn có thể gây những rối loạn tâm lý cho bệnh nhân.
"Tôi nghĩ đó là tin tốt, bởi vì một khi virus corona biết mất trong cơ thể người bệnh, các tế bào thần kinh khứu giác dường như không cần phải được thay thế hoặc tái sản sinh từ đầu", ông Datta nói.
Phát hiện của nhóm nghiên cứu cũng cung cấp manh mối về các vấn đề thần kinh liên quan đến COVID-19. Điều này phù hợp với các giả thuyết rằng SARS-CoV-2 không lây nhiễm trực tiếp nơron thần kinh mà thay vào đó có thể can thiệp vào chức năng não bằng cách ảnh hưởng đến các tế bào mạch máu trong hệ thống thần kinh.
Các kết quả nghiên cứu hiện nay giúp thúc đẩy các nỗ lực để hiểu rõ hơn về chứng mất khứu giác ở bệnh nhân mắc COVID-19, từ đó có thể dẫn đến các phương pháp điều trị chứng mất khứu giác và phát triển phương thức điều trị cho bệnh nhân dựa trên khả năng hồi phục khứu giác.