Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Tổng cục tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyên môn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thời hạn theo quy định của pháp luật kế hoạch được giao; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Tổng cục tăng cường tổ chức tập huấn, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ để hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị đáp ứng quy định mới về công tác xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với hoạt động hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra) đang bị hạn chế về nguồn lực, Tổng cục cần tăng cường kinh phí cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp. Tổng cục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra (hậu kiểm) các tổ chức đánh giá sự phù hợp nhằm kiểm soát việc tuân thủ quy định của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký và được chỉ định; đảm bảo chất lượng, tính tin cậy và khách quan của các kết quả đánh giá; đẩy mạnh việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức nước ngoài; chỉ định trực tiếp tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với đó Tổng cục hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức đánh giá sự phù hợp đẩy mạnh việc đánh giá tại nguồn (nước xuất khẩu), sử dụng, chấp nhận kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh cũng như các cơ quan quản lý trong hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và đánh giá sự phù hợp.
Thực hiện công tác thanh, kiểm tra sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã xử lý vi nhiều vi phạm về ghi nhãn hàng hóa trong lĩnh vực khí, hóa lỏng.
Theo đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì kiểm tra đột xuất 8 cơ sở thuộc lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp về hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 13485/ISO 13485, qua kiểm tra phát hiện 2 cơ sở có hành vi vi phạm và lập biên bản xử phạt với tổng số tiền 125 triệu đồng.
Kiểm tra chất lượng hàng hóa trong nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý, Tổng cục đã xử lý 1.585 hồ sơ nhập khẩu xăng, dầu DO, LPG và dầu nhờn động cơ đốt trong với tổng khối lượng hơn 3,8 triệu tấn (xăng, dầu DO, LPG) và hơn 26,5 triệu lít dầu nhờn động cơ đốt trong. Tổng cục đã thực hiện tạm dừng lưu thông các hàng hóa thiết bị điện, dầu nhờn động cơ đốt trong, LPG không đạt về ghi nhãn hàng hóa, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 cơ sở là 1,1 tỉ đồng.
Về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, Tổng cục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Khí Việt Hàn do có nội dung ghi nhãn không phù hợp với mức phạt là 8,5 triệu đồng, buộc ghi hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Petimex Đồng Tháp do giấy phép pha chế hết hiệu lực với số tiền xử phạt 50 triệu đồng.
Đối với hàng hóa lưu thông, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã kiểm tra, khảo sát 13 đợt (trong đó 6 đợt kiểm tra và 7 đợt khảo sát) tại 141 cơ sở, kết quả cho thấy, qua kiểm tra 165 mẫu và khảo sát 148 mẫu về chất lượng hàng hóa điện, điện tử, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, xăng dầu... có 1 mẫu không đạt chất lượng; về ghi nhãn có 6/40 mẫu không phù hợp; 4/88 mẫu gửi thử nghiệm nghi ngờ không đạt yêu cầu chất lượng.