Tham dự sự kiện có nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch của cả Việt Nam và Nhật Bản.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Vũ Nhật Hà, phụ trách bộ phận đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn, coi đây là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà quản lý và các đối tác trong lĩnh vực du lịch của 2 nước có thể gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA), bà Tống Thị Kim Giao, cho rằng ngành du lịch không chỉ là cầu nối gắn kết giữa các nền văn hóa, mà còn là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững và giao lưu quốc tế, giao lưu nhân dân. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản nói chung, các doanh nghiệp hội viên VJBA đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch nói riêng, luôn nỗ lực tìm kiếm những hướng đi mới để mang lại giá trị trong hợp tác du lịch Việt-Nhật.
Trong tham luận của mình, ông Okamoto Hironobu, Đại sứ du lịch thành phố Yachiyo, tỉnh Ibaraki, đã nêu những đề xuất cụ thể mà ông cho rằng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch Việt Nam cần lưu ý khi muốn thu hút du khách Nhật Bản. Ví dụ, ẩm thực Việt Nam rất giàu các loại gia vị, đặc biệt là các loại gia vị rau thơm như rau mùi, hành, tía tô, rau húng… Theo ông, đối với người Việt Nam, các loại rau thơm này khi cho vào một số món ăn nhất định sẽ làm cho món ăn có hương vị ngon hơn. Vì đây là một đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam nên khách du lịch nước ngoài có thể trải nghiệm. Tuy nhiên, theo ông Hironobu, nên có thêm lựa chọn món ăn không cho rau thơm để những du khách Nhật Bản chưa quen với hương vị này thoải mái hơn khi thưởng thức ẩm thực Việt Nam.
Đề xuất tiếp theo của ông là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số nhà hàng. Do Việt Nam là nước nhiệt đới nên tại các địa điểm ăn uống thường xuất hiện côn trùng. Ông cho rằng các nhà hàng cần có biện pháp phòng chống côn trùng để tránh gây cảm giác e ngại từ phía du khách. Ông cũng đề xuất Việt Nam nên trang bị thêm thiết bị đổi nguồn điện áp tại những nơi có du khách nước ngoài để tạo thuận lợi cho du khách khi muốn sử dụng thiết bị điện đem từ nước ngoài sang nhưng có nguồn điện áp khác với Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra thêm một số gợi ý như tăng cường đảm bảo vệ sinh cho các nhà vệ sinh công cộng, tăng cường việc đảm bảo an toàn giao thông…
Ông Okamoto Hironobu cho biết Việt Nam đã đem đến cho ông ấn tượng tích cực với phong cảnh đẹp, con người thân thiện và các món ăn ngon. Ông cho biết không chỉ cá nhân ông mà nhiều bạn bè, người Nhật Bản mà ông quen biết đều có ấn tượng đó.
Đề cập đến việc đồng yen giảm giá có thể khiến người Nhật Bản giảm việc đi du lịch nước ngoài, ông Hironobu cho rằng do mức giá của Việt Nam không cao nếu so sánh với các thị trường khác như Mỹ, châu Âu… nên lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng. Ông tin rằng nếu ngành du lịch Việt Nam thực hiện được những cải thiện phù hợp thì số lượng du khách Nhật Bản đến Việt Nam ngày càng tăng.
Đại diện Ban Tổ chức diễn đàn, Giám đốc Công ty Fuji Travel, bà Bùi Thị Kim Phụng, nhấn mạnh diễn đàn là hoạt động ý nghĩa do các doanh nghiệp hội viên của Câu lạc bộ du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cùng phối hợp tổ chức. Bà tin tưởng việc các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, phát biểu chất lượng tại diễn đàn, sẽ giúp kết nối hiệu quả hơn nữa các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Nhật Bản.
Tại diễn đàn, các diễn giả trình bày thêm những ý kiến, tham luận khẳng định sự phong phú và đa dạng của nguồn tài nguyên và tiềm năng hợp tác du lịch Việt- Nhật, qua đó gợi mở những cơ hội hợp tác để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang lại lợi ích chung cho cả hai đất nước.