Hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi bị phạt tiền 50 - 80 triệu đồng…
Đáng lưu ý, hàng loạt nhóm hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thẩm định giá cũng được Bộ Tài chính đề xuất bổ sung.
Theo đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đối với hành vi không thực hiện cập nhật chứng thư thẩm định giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật thẩm định giá.
Dự thảo nghị định nêu rõ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không đáp ứng các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định…
Hình thức xử phạt bổ sung là tước có thời hạn từ 30 - 50 ngày thẻ thẩm định viên về giá hoặc đình chỉ có thời hạn từ 30 - 50 ngày hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi lập hoặc phát hành khống chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá, các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc hành vi phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá đang bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đi kèm hình phạt bổ sung…
Cũng trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung, hoàn thiện một số quy định khác về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân tự định giá, hành vi lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ sai lệch về các yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc lập phương án giá không đúng với mức giá phổ biến trên thị trường, hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá…