Thu hút, giữ chân nhà khoa học xuất sắc
Với vai trò của một đại học trọng điểm quốc gia, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã quy tụ được đội ngũ trí thức khoa học công nghệ hùng hậu với nhiều thành tích cao trong nghiên cứu khoa học. Năm 2022, đội ngũ khoa học công nghệ của đơn vị này bao gồm cả giảng viên và nghiên cứu viên là 3.546 người, tăng hơn 400 người so với năm 2018; trong đó, đội ngũ có chất lượng cao (học hàm, học vị là Giáo sư, Tiến sĩ) luôn có xu hướng tăng qua các năm.
Để có được kết quả này, thời gian qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều chính sách thu hút, khuyến khích, phát huy nguồn lực trí thức. Chẳng hạn như, Giải thưởng khoa học và công nghệ thường niên được tổ chức nhằm khuyến khích, động viên cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có công trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ xuất sắc hoặc có công bố khoa học xuất sắc. Đại học này cũng triển khai chính sách xét thưởng công bố quốc tế với cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên. Đáng chú ý, mức thưởng cao nhất theo chính sách này là 30 lần mức lương cơ sở chung dành cho bài viết công bố trên các tạp chí khoa học thuộc TOP 20 tạp chí hàng đầu, được phân loại theo nhóm lĩnh vực, ngành, chuyên ngành của Scimago (thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ) hoặc bài viết công bố trên các tạp chí khoa học được Scimago xếp hạng Q1/ABS bậc 4/ABCD hạng A (thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế - luật).
Bên cạnh các chính sách chung, các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chủ động triển khai các chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của đơn vị. Trong đó, Trường Đại học Quốc tế đã có chính sách thu hút và đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài; Trường Đại học Bách khoa cũng đang triển khai đề án thu hút nguồn nhân lực trình độ cao người nước ngoài; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có đề án thu hút nguồn nhân lực xuất sắc… Đối với nguồn nhân lực tại chỗ, các đơn vị hỗ trợ từ 40-50% học phí cho cán bộ viên chức, người lao động tham gia học ở cấp cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ); đề cử cán bộ tham gia các học bổng, các khóa tập huấn ở các nước tiên tiến để nâng cao trình độ.
Bên cạnh thành quả đạt được, việc triển khai chính sách của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp không ít những khó khăn liên quan đến kinh phí, nguồn nhân lực không ổn định; về công bố quốc tế của ngành khoa học xã hội và nhân văn… Từ yêu cầu thực tiễn đó, năm 2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Đề án Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với nhiều chính sách về môi trường làm việc, chính sách thu nhập và đãi ngộ, các nhà khoa học sẽ được đảm bảo lộ trình phát triển nghề nghiệp trong 5 năm đầu về công tác thông qua việc hỗ trợ về kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cũng như hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu.
Với đối tượng nhà khoa học trẻ xuất sắc: trong 2 năm đầu về công tác, được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng), năm thứ 3 tiếp tục được đảm bảo cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng); năm thứ 4 được hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học; năm thứ 5 hỗ trợ nhằm đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư/giáo sư cấp nhà nước.
Với đối tượng các nhà khoa học đầu ngành: trong 2 năm đầu về công tác được bố trí là trưởng nhóm, trưởng trung tâm nghiên cứu, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B (tối đa 1 tỷ đồng)…
Đối tượng thu hút của đề án này là các nhà khoa học trẻ xuất sắc và các nhà khoa học đầu ngành đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu và còn ít nhất 5 năm để công tác tính đến hết tuổi lao động theo quy định để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Thông qua nhiều chính sách hấp dẫn này, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng đến năm 2030 sẽ thu hút được 350 nhà khoa học xuất sắc, đầu ngành về làm việc.
Đồng bộ cơ chế đặt hàng đào tạo
Hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đào tạo nhiều lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý, kinh tế - luật, sức khỏe, nông nghiệp... ở cả ba cấp độ: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Giai đoạn 2012-2022, số lượng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tốt nghiệp ở cả 3 cấp độ đào tạo của Đại học này là hơn 135.500 người; trong đó, cử nhân chiếm 86,33%, thạc sĩ chiếm 13,03% và tiến sĩ chiếm 0,64%. Đội ngũ trí thức này đã và đang góp phần rất lớn trong việc phát triển khoa học công nghệ của các địa phương và cả nước nói chung.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế, việc thực hiện Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” 15 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, đội ngũ trí thức đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, chủ động tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo khoa học và công nghệ…; tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ vẫn còn những hạn chế nhất định. Một trong những giải pháp được đưa ra đó là đẩy mạnh đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng hai Đại học Quốc gia, 2 Viện Hàn lâm và một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngang tầm với các nước tiên tiến, đủ năng lực, điều kiện về mọi mặt, giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, phát huy đóng góp của đội ngũ trí thức.
Nhìn nhận về chính sách đặt hàng nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù có nhiều thành tựu quan trọng, nhưng việc triển khai các chính sách đặt hàng đào tạo còn vướng cả trong khâu phối hợp đào tạo và thiếu chính sách ưu đãi thu hút sau khi tốt nghiệp. Phát huy hiệu quả chính sách đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đòi hỏi phải có sự đồng bộ cả ở khâu “đầu vào” và “đầu ra”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, để chính sách đặt hàng đào tạo ngày càng hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp từ tuyển dụng, đãi ngộ đến đổi mới nhận thức, tư duy về vai trò của trí thức đến tạo môi trường tốt nhất để phát huy đội ngũ trí thức. Trong đó, cần hoàn thiện chính sách về “đầu ra” đối với trí thức khoa học công nghệ được đào tạo theo đặt hàng. Trên nhu cầu cụ thể, mỗi địa phương, cơ quan cần có những chiến lược và chính sách linh hoạt để trọng dụng nguồn nhân lực trí thức khoa học công nghệ một cách phù hợp; có chính sách đặc thù để đãi ngộ xứng đáng với những trí thức có tài năng, có cống hiến quan trọng; khuyến khích khích việc huy động nguồn lực và tăng thêm nguồn lực tài chính đầu tư để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trí thức khoa học công nghệ.