Phim mới kéo khán giả ra rạp
Không khó để bắt gặp những status ca ngợi về phim “Tháng năm rực rỡ” trên mạng xã hội ngay từ ngày đầu bộ phim ra rạp. Không phải những status quảng cáo ăn tiền, đó có thể là một lời khen từ một bà mẹ trẻ bồi hồi nhớ lại quá khứ, từ một cô bé học trò đang tuổi dậy thì đang chìm đắm trong tình bạn “nhất quỷ nhì ba” tìm thấy mình trong tình bạn gắn bó của các nhân vật trong phim…
“Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Quang Dũng được Việt hóa dựa trên nguyên tác “Sunny” - một phim điện ảnh ăn khách ở Hàn Quốc năm 2011. Nếu phim nguyên tác có doanh thu 51 triệu USD thì phim Việt cũng không kém phần rực rỡ. Các phòng vé luôn trong tình trạng hết vé, người Việt chen chân xếp hàng đi xem phim, thậm chí có khán giả đi xem 2 lần không hối tiếc. Nhiều người khen phim mới của Quang Dũng có kịch bản chỉn chu, phần âm nhạc thiết tha cảm xúc tạo nên bản tình ca đẹp về tuổi trẻ. Nội dung phim vô hình chung tạo bản nhạc hòa tấu với trào lưu trưng ảnh “Ngày ấy - bây giờ” trên Facebook đang được giới trẻ hưởng ứng rầm rộ.
Phim chưa quá hoàn hảo, nhưng được lòng nhiều người, không chỉ riêng khán giả trẻ. Khán giá đã qua “tuổi rực rỡ” tìm đến phim để hoài niệm chút mật ngọt thời xa xưa, để quên đi những sự đổ vỡ, chua chát và cả nhàm chán của hiện tại. Khán giả trẻ được dịp nhìn rõ quãng đời mình đang sống, nhìn nhận lại giá trị của tuổi trẻ để có những bước đi thực sự chín chắn trong cuộc đời… “Tháng năm rực rỡ” là một trong hàng triệu ví dụ về những bộ phim thanh xuân khiến khán giả tìm thấy mình trong đó.
Không chỉ “Tháng năm rực rỡ”, tháng 3 vừa rồi có tới 4 -5 phim Việt ra rạp đều là những câu chuyện tình yêu, thanh xuân nhẹ nhàng như “ Yêu em bất chấp”, Ông ngoại tuổi 30”... Giống “Tháng năm rực rỡ”, “Ông ngoại tuổi 30” cũng là bản remake từ phiên bản Hàn, tuy vẫn còn một số sạn nhỏ trong phim, nhưng tác phẩm vẫn là một phim điện ảnh nhẹ nhàng dễ xem. Tác phẩm thuộc thể loại tâm lý xã hội, nhưng lại xen lẫn những cảnh quay hài hước như: cảnh quay Phương Đông phá nát bức chân dung ông ngoại Sơn Huy yêu thích, cậu bé lại yêu thương “phun cơm” đầy mặt ông ngoại…
Dù sức bán vé của các bộ phim Việt chênh nhau, nhưng không thể phủ nhận, chất lượng phim đã được nâng lên, nắm bắt phần nào tâm lý khán giả, chỉn chu từ nhân vật đến quay phim, âm nhạc… Dù chưa có nhiều phim Việt ra rạp thắng lớn nhưng sự xuất hiện của hàng loạt đạo diễn trẻ Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng… cùng tác phẩm của họ đã góp phần tạo màu sắc mới cho điện ảnh Việt.
Phim cũ đua nhau làm phần 2
Trong khi các phim ra rạp dần ghi điểm với công chúng, thì phim truyền hình cũng rục rịch làm phần 2 để hút khán giả.
“Người phán xử” là bộ phim truyền hình nổi tiếng thuộc đề tài tâm lý tội phạm của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam - VFC phát sóng hồi giữa năm 2017. Đến tháng 4 này, thông tin ekip này tiếp tục làm phần hai khiến rất nhiều khán giả hào hứng bởi sức nóng vượt ngoài sức mong đợi của cả ekip tham gia bộ phim phần một vẫn chưa giảm. Theo bật mí, phần tiếp theo của bộ phim sẽ có rất đông đảo các gương mặt nghệ sĩ cũ tham gia, đặc biệt là diễn viên Hoàng Dũng – nhân vật “được lòng” khán giả nhất thời gian qua.
Phim “Cả một đời ân oán” cũng lên tiếng xác nhận làm phần hai. “Cả một đời ân oán” là phiên bản Việt của “Cô dâu bạc triệu” – một bộ phim nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc) từng gây “bão” màn ảnh nhỏ châu Á. Nếu phần một “Cả một đời ân oán” xoay quanh cuộc sống của các nhân vật trong Vũ gia - một gia đình giàu sang, sở hữu những công ty có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường thì phần hai của “Cả một đời ân oán” được mở rộng. Đó là câu chuyện của 20 năm sau, khi các nhân vật chính (Phong-Diễm, Đăng-Dung) đã ở tuổi trung niên, nhiều trải nghiệm và chin chắn. Theo đạo diễn Trọng Trinh, bộ phim hứa hẹn hấp dẫn hơn vì có nhiều xung đột và kịch tính hơn..
Theo một đạo diễn gạo cội trong nước, các bộ phim rầm rộ sản xuất phần hai một phần vì muốn “nhờ” sức hút của phần một để “kéo” thêm doanh thu, tạo tên tuổi. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, sự chỉn chu từ dàn diễn viên đến kịch bản có sức hút mạnh với khán giả. Thử hỏi nếu phim không hấp dẫn thì khán giả có trông ngóng phần hai.