Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TPHCM; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và TPHCM.
Phát biểu tại đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp cho biết, buổi làm việc với TPHCM nhằm làm rõ nét hơn tình hình hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp trên địa bàn TPHCM thời gian qua, qua đó phân tích những tác động đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Ngoài việc đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 39 trong 10 năm qua đối với các lĩnh vực mà Chỉ thị 39-CT/TW đã đề cập, buổi làm việc còn nhằm xác định những hạn chế, vướng mắc và những nguyên nhân, bài học; đồng thời, nhận diện bối cảnh, yêu cầu trong tình hình mới và đề ra định hướng, nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả công tác hợp tác với nước ngoài trong giai đoạn tới.
Việc tổng kết này cũng rất có ý nghĩa trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc đánh giá hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp trên địa bàn TPHCM là rất quan trọng, bởi đây là một địa phương lớn, rất năng động, có sự hội nhập quốc tế sâu rộng, và là đầu tàu trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Để việc đánh giá được chính xác, thực chất, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tập trung làm rõ những mặt làm được, chưa làm được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thời gian 10 năm thực hiện Chỉ thị 39. Đặc biệt, cần làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy TPHCM trong triển khai Chỉ thị 39 và đánh giá hiệu quả, tác động của Chỉ thị này đối với TPHCM trong quản lý, thực hiện sự hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế ở khu vực phía Nam diễn ra tại TPHCM, trong đó có hợp tác về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đã mang lại những tác động, lợi ích cụ thể. Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng hoạt động hợp tác cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, thậm chí cả nguy cơ tác động vào việc ra quyết định chính sách pháp luật nhằm tạo những bất ổn về an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn hợp tác của Thành phố trong thời gian qua, có những kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những tồn tại, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hợp tác nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Đặc biệt, trong giải pháp thực hiện, cần bám sát các nguyên tắc, định hướng của Đảng, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ an ninh, chính trị cũng như phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế không chỉ đối với TPHCM mà còn cho cả nước trong giai đoạn tới.
Chiều cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáng (sinh năm 1937, ở phường 11, quận 10, TPHCM); thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tuyết Mai (sinh năm 1942, ở Phường 3, quận 5, TPHCM); thăm thương binh Phạm Bá Lữ (sinh năm 1942, ở quận 1, TPHCM).
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáng. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tuyết Mai. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm, tặng quà thương binh Phạm Bá Lữ. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |