Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên thường xuyên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Điều đáng lo ngại là, nhận thức của đại bộ phận người dân về vấn đề này hiện rất thấp. |
TS Đặng Hoàng Giang, người có nhiều công trình nghiên cứu về những vấn đề tâm lý của giới trẻ đã chia sẻ với Ngày Nay về chủ đề này.
Phóng viên (PV): Thưa tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, một thông tin được công bố khiến rất nhiều người cảm thấy shock, đó là có khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Theo ông, con số này sẽ dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng như thế nào đối với trẻ em, thanh thiếu niên VN?
TS Đặng Hoàng Giang: Các bệnh về sức khoẻ tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, có các động tiêu cực vô cùng lớn với người bệnh, có thể ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống, việc học tập, lao động, các quan hệ liên cá nhân của người bệnh, bất kể họ là thanh thiếu niên hay người lớn tuổi.
Các dấu hiệu bệnh lý không được nhận biết sớm, thêm nữa, nhiều người gặp khó khăn để thừa nhận bản thân hay người thân có vấn đề tâm lý cần được can thiệp chuyên môn, dẫn tới việc rất nhiều người bệnh không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết, mà càng để lâu thì việc trị liệu lại càng gặp thách thức, và các hệ quả lại càng trầm trọng. Người bệnh có thể mất khả năng lao động, thậm chí thiệt mạng.
PV: Theo ông tình trạng thanh thiếu niên Việt Nam gặp các vấn đề về sức khoẻ, tâm lý xuất phát từ nguyên nhân nào? Theo hiểu biết của cá nhân tôi, hình như các bậc cha mẹ tại Việt Nam quá thiếu kiến thức trong lĩnh vực này. Hầu hết đều dạy con em mình theo truyền thống gia đình, hoặc theo cách họ học được trên mạng xã hội?
TS Đặng Hoàng Giang: Nguyên nhân của các bệnh liên quan tới rối loạn cảm xúc thường tới từ tương quan qua lại giữa các yếu tố môi trường (tuổi thơ bị bỏ rơi, bị bạo hành tinh thần hay thể xác, mất người thân, bị cô lập hay bị bắt nạt ở trường, áp lực học hành vượt ngưỡng chịu đựng) và các yếu tố sinh học và thần kinh học (gene, mất cân bằng hoá học). Do thiếu kiến thức, nhiều phụ huynh hay cho rằng các biểu hiện bệnh lý của con mình có nguyên nhân là chúng vô kỷ luật, thiếu nghị lực, lười biếng, hay là đóng kịch, làm trò.
Thậm chí khi đã được nhìn thấy chẩn đoán bệnh của nhà chuyên môn, nhiều người vẫn đòi hỏi con họ vượt qua bệnh bằng ý chí. Nhiều phụ huynh cũng phủ nhận rằng họ là một trong những tác nhân gây ra bệnh cho con mình, có thể qua việc bỏ rơi con cái về tinh thần, đánh đập, lăng nhục chúng, hay giữa cha mẹ có “quan hệ độc hại” triền miên.
Trong các nỗ lực giáo dục con của mình, nhiều phụ huynh chỉ chú ý tới IQ, khả năng giải toán, tin học, tiếng Anh, mà quên đi, hoặc coi thường, đời sống tâm lý, tinh thần của đứa trẻ. Bản thân nhiều phụ huynh cũng có một tuổi thơ bị đánh đập, nhục mạ, bị bỏ đói về cảm xúc, nên giờ đây không kết nối được với con để hỗ trợ chúng xây dựng năng lực cảm xúc để vượt qua các khó khăn trong cuộc sống.
Tôi nghĩ phụ huynh chúng ta nên thường xuyên dừng lại và tự vấn là những thứ mà ta đang bắt con em phải làm (điểm tốt, trường chuyên lớp chọn, đi theo ngành được ta định hướng) là để “tốt cho chúng” hay để (nhiều khi vô thức) phục vụ cho cái sĩ diện của chúng ta, bởi chúng ta bị ám ảnh bởi cảm giác cuộc đời mình vô nghĩa, nên chúng ta “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, hòng nếm được mùi vị của thành công.
Chúng ta quên mất, hoặc không hiểu rằng, công việc tốt, thu nhập cao, thành đạt vật chất... của đứa con cũng vô nghĩa khi cuộc đời nó được đặt trên một nền móng mục ruỗng, đó là khi nó mang theo mình những tổn thương tâm lý, những đói khát tinh thần. Sẽ có một lúc nào đó, khi nó đã trưởng thành, đã lớn, đã già, nó sẽ phải trả giá về cái đó, cái mà bố mẹ nó đã gây ra.
TS Đặng Hoàng Giang: Theo quan sát của tôi, so với thế hệ trước, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần đã được cộng đồng, các nhà quản lý, các nhà giáo dục chú ý hơn, tuy nhiên mặt bằng nhận thức và kiến thức chung còn vô cùng thấp.
PV: Theo ông, việc thiếu kiến thức nuôi dạy con cái của những bậc phụ huynh Việt Nam hiện có đang được các cơ quan chức năng, Chính phủ, bộ ngành... nhận diện một cách chính xác để thay đổi, cải thiện? Hay bây giờ, tại thời điểm này, vấn đề này mới gây chú ý?
Chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa của các trường học, các mạng lưới phụ huynh, của truyền thông, để phá băng, sao cho việc nói về sức khoẻ tâm thần cũng được coi là tự nhiên như nói về việc trẻ bị béo phì hay dậy thì sớm.
PV: Thanh thiếu niên stress, trầm cảm có phải vấn nạn toàn cầu? Trên truyền thông cũng đã đề cập đến nạn tự tử của những người trẻ tuổi Nhật Bản, Hàn Quốc?
TS Đặng Hoàng Giang: Những vấn đề chúng ta đang nói tới không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà còn ở tất cả các quốc gia khác. Điểm khác nhau là các quốc gia phát triển thường có hạ tầng y tế, các hệ thống hỗ trợ tốt hơn rất nhiều để chăm sóc người bệnh và can thiệp kịp thời. Không có những điều đó, những tổn hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
PV: Nhiều người cho rằng, sự phát triển quá mức của những thiết bị giải trí đa phương tiện, mạng xã hội... khiến trẻ em càng dễ gặp những “biến chứng” về sức khoẻ tâm lý? Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này? Làm thế nào để trẻ em “chung sống” với điện thoại, mạng xã hội một cách an toàn?
TS Đặng Hoàng Giang: Tôi không thấy ai nói rằng lướt Facebook gây ra trầm cảm. Mặt khác, người lớn chúng ta cũng đang nghiện mạng xã hội, nghiện rượu, nghiện shopping, nên trẻ em có nghiện game, nghiện mạng xã hội cũng là dễ hiểu. Chúng lao vào những cái đó bởi trong cuộc sống chúng không nhận được sự chú ý, quan tâm, yêu thương, tôn trọng từ gia đình.
Trong nhiều trường hợp, nhóm bạn chơi game hoặc hâm mộ ngôi sao nhạc Hàn của một đứa trẻ là điều duy nhất khiến nó còn có một nơi chốn để thuộc về, và qua đó, ở lại với cuộc sống. Để thanh thiếu niên ít chơi game, ít dùng mạng xã hội hơn, hãy tạo ra một môi trường gia đình ấm áp, nuôi dưỡng cả về thể chất lẫn tinh thần, nơi bố mẹ tôn trọng chúng, tôn trọng nhau và vững vàng, tự tại với bản thân.
PV: Được biết ông đang thực hiện những dự án truyền thông liên quan đến vấn đề tình trạng trầm cảm của thanh thiếu niên tại VN? Ông có thể chia sẻ đôi chút về dự án này và những kỳ vọng của ông về sự thay đổi nhận thức của cộng đồng về vấn đề này?
TS Đặng Hoàng Giang: Tôi đang quan tâm tới chủ đề rối loạn cảm xúc, không chỉ ở thanh thiếu niên, mà ở tất cả các nhóm người, lứa tuổi. Dù là phụ nữ sau sinh, doanh nhân hay người già, khi bị trầm cảm hay rối loạn lo âu, họ cũng gặp phải các vấn đề tương tự từ người thân và xã hội, như đã trao đổi bên trên.
Mời các bạn mong muốn chia sẻ các trải nghiệm của mình để giúp đỡ cộng đồng liên lạc với tôi qua email: giang.dang@gmail.com. Tôi sẽ lắng nghe không phán xét và giữ kín danh tính của người kể.
Tôi đang tiếp tục tìm các cá nhân sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình để qua đó chúng ta hiểu hơn về thế giới của họ, về họ cần gì, chúng ta có thể làm gì cho họ và cho chính bản thân và người thân của chúng ta.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đừng nghĩ cho con vào trường quốc tế là “nhẹ gánh”
Để tránh cho con em mình ít phải đối mặt với những áp lực về thành tích học tập tại các trường công lập, kỳ vọng con sẽ phát triển nhanh... Nhiều bậc cha mẹ đã cho con em mình theo học tại các trường quốc tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Cao Minh, tại các ngôi trường này, trẻ em cũng vẫn gặp các vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần giống như khi theo học tại trường công lập.
Ông Minh lý giải, đó là sự khác biệt về văn hóa giữa bố mẹ và con cái, sự mẫu thuẫn về giá trị và lối sống. Khi học trong trường quốc tế, các giá trị được coi trọng như: sự riêng tư cá nhân, coi trọng sự hạnh phúc và vui vẻ của cá nhân hơn là tập trung hoàn toàn vào việc học chạy theo thành tích, tôn trọng kỉ luật và nhất quán.
Trong khi đó, không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu và chấp nhận các giá trị phương tây như vậy. Nhiều bậc cha mẹ vẫn ứng xử với con theo kiểu truyền thống Việt Nam, tức là có đánh mắng, có cho roi cho vọt mới là thương con. Chính vì vậy nhiều cháu bị bị “sốc” giữa hai môi trường sống, sinh hoạt đối lập nhau.
Nhiều năm nhận tư vấn, giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ, ông Minh cho biết đã nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn, hỗ trợ từ các học sinh tới từ những trường quốc tế.
Chuyên gia Nguyễn Cao Minh cũng chia sẻ nguyên tắc khi đồng hành cùng trẻ em, đó là: Tình yêu, sự nhất quán và an toàn.
Tại sao cần “học thuộc” các nguyên tắc này. Vì dạy trẻ, đồng hành cùng trẻ thì không thể thiếu sự yêu thương. Nhiều người yêu nhưng luôn đánh mắng, quát nạt. Trẻ không cần và không “hấp thụ” được tình yêu như vậy.
Sự nhất quán là gì? Nhất quán có nghĩa là nói gì làm đấy và những gì đã nói thì tương đối thống nhất với nhau. Nhất quán có nghĩa là có qui tắc rõ ràng và thực hiện theo qui tắc đó. Điều này giúp trẻ biết điều gì sẽ xảy ra dựa trên các hành động của mình.
Và cuối cùng hãy cho trẻ thấy, ở bên bạn, chúngluôn cảm nhận rõ sự an toàn, không phấp phỏng lo sợ, bất an, hồihộp. Có như vậy, các con mới chia sẻ, cởi mở và các giãi bày những vấn đề tâm lý chúng đang gặp phải. Từ sự chia sẻ này, chúng ta mới có thể hiểu, giúp con vững vàng trên hành trình hoàn thiện bản thân mình.
Bài: Việt Hoàng
Thiết kế: Thúy Hà