Nhân dịp Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, hàng nghìn phụ nữ tại nhiều quốc gia như Mexio Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ,... đã đổ ra đường tuần hành và kêu gọi công lý cho những nạn nhân thiệt mạng do các vụ bạo lực.
"Họ không chết. Họ đã bị sát hại" - đó là nội dung của nhiều biểu ngữ xuất hiện trong cuộc tuần hành ở Mexico, quốc gia có khoảng 10 phụ nữ thiệt mạng mỗi ngày.
Trên khắp khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe, ít nhất 4.091 phụ nữ là nạn nhân của các vụ sát hại vào năm 2020, theo ủy ban khu vực của Liên Hợp Quốc.
Căng thẳng bùng lên ở thủ đô Mexico City khi một số ít người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Tình trạng hỗn loạn cũng xảy ra tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, khi cảnh sát bắn hơi cay để giải tán cuộc biểu tình của hàng trăm người kêu gọi chính phủ tái gia nhập một hiệp ước quốc tế để bảo vệ phụ nữ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ Công ước Istanbul mang tính bước ngoặt vào đầu năm nay, với lý do các nguyên tắc bình đẳng giới làm xói mòn các giá trị gia đình truyền thống.
Các nhóm hoạt động bảo vệ nữ quyền cho biết trong năm nay đã có 345 phụ nữ bị giết ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Người biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ với cảnh sát. Ảnh: Reuters |
Tại Tây Ban Nha, nơi chính phủ coi cuộc chiến chống bạo lực gia đình trở thành ưu tiên quốc gia, hàng nghìn người đổ ra đường phố Madrid và Barcelona trong biển cờ tím.
Tại thủ đô của Tây Ban Nha, những người tuần hành đeo mặt nạ, đội mũ và quấn khăn màu tím cầm theo một biểu ngữ khổng lồ có nội dung: "Quá đủ cho bạo lực nam giới đối với phụ nữ. Hành động ngay!"
"Không phải tất cả phụ nữ đều ở đây, vẫn còn những người bị sát hại", đám đông hô vang khẩu hiệu khi diễu hành qua đài phun nước Cibeles và các tòa nhà chính ở Madrid.
Maria Moran, một công chức 50 tuổi cho biết: “Chúng tôi phát ngán vì bạo lực đang diễn ra nhằm vào chúng tôi dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng tôi muốn nạn mại dâm bị xóa bỏ và chấm dứt các vụ giết người, lạm dụng và hãm hiếp."
Theo UN Women, tổ chức của Liên hợp quốc về bình đẳng giới, gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới đã từng bị bạo hành về thể chất hoặc tình dục, chủ yếu là do người thân quen.
"Bạo lực đối với phụ nữ là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong tất cả các khu dân cư đều có phụ nữ và trẻ em gái đang sống trong tình trạng nguy hiểm", giám đốc điều hành UN Women Sima Bahous khẳng định.