Quảng Ninh sẵn sàng đón đầu “làn sóng” công nghiệp văn hóa

Quảng Ninh sẵn sàng đón đầu “làn sóng” công nghiệp văn hóa

Sau ba thập kỷ kể từ lần đầu Vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới, tỉnh Quảng Ninh ngày càng có những chiến lược khai thác di sản thiên nhiên và văn hóa một cách bài bản và chuyên nghiệp.

_______________

Quảng Ninh sẵn sàng đón đầu “làn sóng” công nghiệp văn hóa ảnh 1

Là vùng đất giao thoa giữa văn hóa biển, đảo và văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa.

Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn là nơi lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa cổ xưa của người Việt. Điển hình là nền văn hóa Soi Nhụ, một di sản quý báu của nền văn hóa Việt cổ.

Việc sở hữu hệ thống trầm tích di tích, danh thắng lịch sử, lễ hội truyền thống đặc sắc đã biến Quảng Ninh không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng, mà còn là một bảo tàng sống động, lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời của dân tộc.

Quảng Ninh sẵn sàng đón đầu “làn sóng” công nghiệp văn hóa ảnh 2

Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết (17-NQ/TU) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Đáng chú ý, cụm từ “công nghiệp văn hóa” được nhắc đến 15 lần trong toàn văn nghị quyết. Bên cạnh thiên nhiên và cong người, văn hóa được coi là một trong ba đột phá quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh.

Phát biểu tại hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa” diễn ra hôm 5/8 tại thành phố Hạ Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định tỉnh luôn tập trung đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.

Theo bà Hạnh, một số công trình văn hóa như Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện Quảng Ninh không chỉ là nơi lưu trữ các giá trị di sản mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế lớn, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, một số bộ môn nghệ thuật dân tộc (múa rối, hát chèo, cải lương, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số...) được bảo tồn, khai thác biểu diễn tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, sân bay Vân Đồn, các lễ hội, trên các hành trình, tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách khi đến Quảng Ninh.

Các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản văn hóa gắn với khai thác các loại hình du lịch đã tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, như “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân Phật hoàng tại Yên Tử”... rất được du khách yêu thích.

Đồng thời, chính các sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân bản địa.

Không chỉ dồn lực phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào những lợi thế thiên nhiên và văn hóa, tỉnh Quảng Ninh đặt ra tầm nhìn bền vững bằng việc tiến tới tham gia mạng lưới các thành phố học tập và sáng tạo của UNESCO.

Quảng Ninh sẵn sàng đón đầu “làn sóng” công nghiệp văn hóa ảnh 3

Với quy mô hơn 1,4 triệu dân, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu tới năm 2045 sẽ đưa hai thành phố Hạ Long và Uông Bí tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Việc gia nhập mạng lưới này mang lại cơ hội cho Quảng Ninh tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác và các mạng lưới kết nối của mình nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân, nâng cao uy tín quốc tế, tăng khả năng thu hút đầu tư... qua đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của hai thành phố nói riêng và của đất nước nói chung.

Ngoài ra, thành phố Hạ Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào đề án xây dựng để gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu ở hai lĩnh vực nghệ thuật truyền thông và ẩm thực vào năm 2029.

“Chúng tôi mong muốn sự quan tâm ủng hộ, hỗ trợ và hướng dẫn để hoàn thành và tham gia vào hệ thống các giá trị của UNESCO để từ đó hoàn thiện hệ giá trị của Quảng Ninh”, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết.

Quảng Ninh sẵn sàng đón đầu “làn sóng” công nghiệp văn hóa ảnh 4

Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, có phần “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa”. Trong số sáu nhiệm vụ chính của phần trên, một trong số đó là “phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa độc đáo”.

Mục tiêu phát triển các sản phẩm, dịch vụ độc đáo đã được ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra khi phát biểu tại hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa”.

Quảng Ninh sẵn sàng đón đầu “làn sóng” công nghiệp văn hóa ảnh 5
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.

Dẫn chứng những bài học thực tiễn trong quá trình tỉnh Quảng Ninh khai thác các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa hơn 3 thập kỷ qua, ông Lê Quốc Minh cho rằng chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã không “ngủ quên” trên di sản, trên danh hiệu to lớn mà bạn bè thế giới trao tặng.

Đã có những chiến dịch phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, những nỗ lực chủ động tìm kiếm và quảng bá giá trị ít được biết tới.

“Cách đây 10 năm, chương trình Nụ cười Hạ Long đã truyền cảm hứng cho người dân và du khách khi đặt chân tới đây. Chương trình này cũng cho thấy cách khai thác di sản rất bài bản. Dù có di sản độc đáo, nhưng Quảng Ninh đã sáng tạo trong việc tạo ra những sản phẩm quảng bá mới lạ”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Cũng theo ông Lê Quốc Minh, Việt Nam không thể chỉ làm văn hóa dựa trên các di sản mà thế giới công nhận. Danh sách di sản thế giới của UNESCO tại Việt Nam chỉ có 8 địa điểm. Trong khi đó, di sản vật chất và tinh thần của người Việt Nam, qua đó là tài sản của tương lai, tồn tại ở từng triền núi, dòng sông, nếp làng.

Ông Lê Quốc Minh khẳng định việc đặt văn hóa trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế đã tạo ra một thực tế mới, đòi hỏi mỗi người dân và nhà quản lý đều phải thay đổi tư duy.

Trong nhiều thập kỷ, những chủ trương “công nghiệp hóa” và “hiện đại hóa” thường được gắn với các ngành công nghiệp, xây dựng. Nhưng khi văn hóa là một mũi nhọn, chúng ta phải xem xét lại cả một quá trình, vì có những giá trị văn hóa khi đã đánh đổi, không thể lấy lại.

“Yếu tố văn hóa hiện đang được thúc đẩy trở lại, nâng lên ngang hàng phát triển kinh tế”, ông Minh cho biết. “Nếu không xác định được tài sản văn hóa, quá trình đô thị hóa, bê tông hóa, và các đánh đổi tăng trưởng trước mắt có thể sẽ khiến nhiều di sản mất đi vĩnh viễn”.

Dù vậy, việc tìm kiếm các giá trị văn hóa độc đáo, đầu tư, và thực sự biến chúng thành tiền đề phát triển không phải là nhiệm vụ đơn giản. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải vạch ra một chiến lược phát triển chung dựa trên những nét riêng vốn có.

Tại Quảng Ninh, chính quyền tỉnh không chỉ dựa vào Di sản Thiên nhiên Vịnh Hạ Long mà còn tập trung phát triển các sản phẩm du lịch cho các địa phương khác. Ngoài Bái Tử Long, Yên Tử, Cô Tô, du khách ngày nay còn biết tới Quan Lạn, Bình Liêu.

Quảng Ninh sẵn sàng đón đầu “làn sóng” công nghiệp văn hóa ảnh 6

Đầu tháng 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã yêu cầu ngành Du lịch và các địa phương cần xác định ngay những mô hình thí điểm ban đêm để phục vụ khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài, nhằm tăng thời gian lưu trú, thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch và người dân trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu 5 địa phương được chọn thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm gồm: Thành phố Hạ Long, thành phố Móng Cái, thành phố Cẩm Phả, thị xã Đông Triều và huyện Cô Tô.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đưa vào khai thác 35 sản phẩm du lịch mới trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó có những sản phẩm gắn với dịch vụ đêm, như: Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc; tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải Đăng (ẩm thực, trải nghiệm, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật); tổ hợp vui chơi, giải trí Kim Cương tại Tuần Châu (vui chơi giải trí, ẩm thực, tắm biển); du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới, trải nghiệm kỳ nghỉ trên Vịnh Hạ Long…

“Quảng Ninh cam kết với trách nhiệm của một địa phương sở hữu di sản thiên nhiên thế giới cùng nhiều sở hữu có giá trị văn hóa, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân và du khách tham gia một cách có trách nhiệm nhằm phát huy các giá trị cốt lõi của địa phương”, bà Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.