Theo NXB Trẻ, cuốn sách Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm, nói về đời sống gắn liền không chỉ với lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ mà các khái niệm trung hiếu, nhân nghĩa, thủy chung, hiếu học... thông qua tình tiết truyện và các nhân vật đã trở thành một phần cốt cách của cư dân xứ này.
Giá trị nghệ thuật của Lục Vân Tiên tồn tại qua gần hai trăm năm cho thấy nhiều tầng ý nghĩa và nhiều phương diện tác dụng. Trong điều kiện thất lạc tài liệu gốc từ thủ bút tác giả, việc cố gắng tìm về một bản văn có độ tin cậy cao, được xem là “gần với bản gốc nhất”, là hành trình khó khăn nhưng cần thiết cho những độc giả muốn tìm hiểu về tác phẩm Lục Vân Tiên.
Ấn bản này gồm 2 phần, trong đó phần “Lục Vân Tiên ca diễn” gồm 2.088 câu lục bát, chứa bản hiệu đính Lục Vân Tiên và phụ bản chữ Nôm, được xem là gần với bản gốc nhất, gồm cả phần quốc ngữ và ảnh ấn chữ Nôm. NXB Trẻ in lại nguyên văn từ bản sách rất công phu Lục Vân Tiên - bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm (thuộc Tủ sách Văn học - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa) ấn hành năm 1973 của Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu (được thành lập năm 1971) và chỉ sửa đôi chỗ chính tả cho hợp với quy tắc hiện hành.
Trong phần “Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu”, có các công trình nghiên cứu và bài viết của 5 tác giả: Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng.
Đại diện NXB Trẻ cho biết, xuất phát từ thực tế là trong dân gian đang lưu hành các bản truyện Lục Vân Tiên khác nhau rất nhiều, Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã hiệu đính quyển Lục Vân Tiên với ý tưởng “tái bản một quyển Lục Vân Tiên thật gần với nguyên tác” lại hết sức cần thiết và mang nhiều ý nghĩa, nhất là với giới học thuật.
Theo đó, trên hành trình truyền bản của truyện Nôm Lục Vân Tiên (ra đời khoảng năm 1854, lúc Nguyễn Đình Chiểu 32 tuổi, bản Nôm khắc in sớm nhất hiện ghi nhận được là do Quảng Thạnh nam phát thụ, Duy Minh Thị đính chính, Tôn Thọ Tường trông nom, in ở Quảng Đông 1865), việc thành lập Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu năm 1971 và hiệu đính cho ra đời bản sách Lục Vân Tiên – bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm năm 1973 là sự kiện đáng kể.